Dự án đầu tư xây dựng cầu Sài Gòn II có ý nghĩa rất quan trọng trong việc thúc đẩy sự phát triển kinh tế xã hội của Thành phố Hồ Chí Minh và vùng Kinh tế trọng đểm phía Nam mà trung tâm là tam giác thành phố Hồ Chí Minh – Biên Hòa – Vũng Tàu. Dự án phù hợp với qui hoạch phát triển giao thông vận tải thành phố Hồ Chí Minh đến năm 2020 và tầm nhìn sau năm 2020 đã được Thủ tướng Chính phủ phê duyệt tại Quyết định số 101/QĐ-TTg ngày 22/01/2007.
Bộ GTVT vừa có Công văn gửi Công ty Cổ phần BOT cầu Phú Mỹ về các ý kiến tham gia việc thiết kế cơ sở dự án Cầu Sài Gòn II. Sau đây là một số ý kiến cụ thể:
1. Giải pháp thiết kế
Về thiết kế bình đồ, trắc dọc, trắc ngang:
- Bình đồ: Xem xét, nghiên cứubố trí đủ chiều dài đường cong chuyển tiếp cho hai đường cong ở đầu cầu đảm bảo phù hợp với quy trình.
- Trắc dọc: Cần thể hiện rõ trắc dọc của các nhánh của nút giao trong hồ sơ thiết kế cơ sở, trong đó thể hiện các vị trí cầu vượt, hầm chui...
Về Kết cấu cầu:
- Kết cấu phần trên:
Kiểm tra lại việc bố trí các làn xe đảm bảo lưu lượng theo tính toán và trong thiết kế cần tính đến sự biến đổi lưu lượng trong tương lai.
Đối với nhịp cầu dẫn cần nghiên cứu thêm phương án sử dụng dầm giản đơn, nhịp 24,75m, mặt cắt ngang chữ I hoặc chữ T để so sánh, lựa chọn đảm bảo tính kinh tế - kỹ thuật.
Đối với nhịp cầu chính cần xem xét, nghiên cứu thêm phương án sử dụng dầm thép (tương tự như cầu Sài Gòn cũ về trắc dọc, kết cấu...) để so sánh, lựa chọn đảm bảo tính kinh tế - kỹ thuật đồng thời đảm bảo mỹ quan và đồng bộ với công trình hiện tại.
- Kết cấu phần dưới:
Nghiên cứu đánh giá hiện trạng các công trình đã xây dựng (cầu Sài Gòn cũ, cầu Văn Thánh...) làm cơ sở để thiết kế kết cấu móng đối với cầu mới, đồng thời có các biện pháp xử lý phù hợp trong quá trình thi công, không làm ảnh hưởng đến các kết cấu công trình hiện tại.
Bổ sung bản vẽ thể hiện hình dáng kích thước mặt cắt ngang trụ cầu Sài Gòn cũ và xem xét sự hài hòa về mặt mỹ quan giữa trụ cũ và trụ mới.
Nghiên cứu thêm phương án tăng đường kính cọc và giảm chiều dài cọc để dễ thi công và dễ kiểm soát, đảm bảo chất lượng trong quá trình thi công.
Về Hệ thống thoát nước Cần cập nhật các quy hoạch thoát nước của địa phương để giải quyết tổng thể về vấn đề thoát nước và thoả thuận các vị trí cửa xả cho hệ thống.
Tính toán kỹ lưu lượng trong khu vực để bố trí hệ thống thoát nước phù hợp, đảm bảo nhu cầu thoát nước hiện tại và trong tương lai.
2. Phương án đền bù, GPMB:
Toàn bộ hồ sơ chưa đề cập phương án đền bù GPMB và làm việc với các địa phương, các cơ quan tổ chức và cá nhân khu vực tuyến đi qua để thống nhất về phương án làm cơ sở xác định tổng mức đầu tư. Đặc biệt cần thỏa thuận với Công ty Tân cảng Sài Gòn về việc bàn giao mặt bằng tuyến đường nội bộ (hiện do Công ty Tần Cảng Sài Gòn quản lý) để khẳng định việc lựa chọn phương án là phù hợp.
Ngoài các ý kiến cụ thể đã nêu trên, yêu cầu Chủ đầu tư nghiên cứu kỹ các ý kiến của các cơ quan tham mưu của Bộ GTVT để hoàn thiện hồ sơ dự án và triển khai các bước tiếp theo.
ĐT