Họp khởi động dự án
Công nghệ BTN ấm đã được phát triển từ khá lâu và được đưa vào sử dụng rộng rãi trên thế giới trong thời gian gần đây do những ưu việt về tiết kiệm năng lượng, giảm phát thải, cự ly vận chuyển hỗn hợp BTN xa hơn, thi công ít phụ thuộc vào điều kiện thời tiết hơn, mở thông xe nhanh hơn, cải thiện điều kiện làm việc của người lao động,… do giảm được nhiệt độ sản xuất và thi công BTN ở mức thấp hơn đến 30~35 độ C so với công nghệ BTN nóng. Tại Hàn Quốc, công nghệ này cũng đã được nghiên cứu thành công và đưa vào áp dụng trên nhiều công trình đường bộ từ năm 2009.
Với mục tiêu giới thiệu, nghiên cứu tùy biến cho phù hợp với điều kiện Việt Nam và chuyển giao công nghệ BTN ấm của Hàn Quốc, Dự án được tổ chức thực hiện theo ba giai đoạn. Giai đoạn 1 tập trung vào nghiên cứu trong phòng thí nghiệm nhằm tùy biến và lựa chọn tối ưu công nghệ BTN ấm áp dụng tại Việt Nam; trên cơ sở kết quả nghiên cứu ở giai đoạn 1, Dự án triển khai thi công thử nghiệm công nghệ BTN ấm tại hiện trường trên các tuyến quốc lộ đang khai thác có đối chứng với công nghệ BTN nóng truyền thống. Giai đoạn 3 của Dự án tập trung vào việc theo dõi, đánh giá sự làm việc và chất lượng mặt đường BTN ấm thi công thử nghiệm và tiêu chuẩn hóa công nghệ này ở Việt Nam làm cơ sở để triển khai áp dụng trong thực tế.
Các kết quả nghiên cứu, thử nghiệm trong phòng do Viện KICT Hàn Quốc phối hợp cùng Viện KHCN GTVT thực hiện đã giúp xác định được công nghệ BTN ấm phù hợp cho thử nghiệm ở hiện trường: sử dụng phụ gia dạng hạt ở thể rắn Leadcap-IN và STE-IN trộn với nhựa đường 60/70 tại nhà máy tạo thành nhựa đường biến tính để sản xuất BTN ấm và BTN Polime ấm. BTN ấm và BTN Polime ấm chế bị trong phòng theo công nghệ trên khi thí nghiệm đều đảm bảo các chỉ tiêu kỹ thuật yêu cầu tại các tiêu chuẩn hiện hành của Việt Nam đối với BTN nóng và BTN Polime nóng.
Sau khi xem xét Đề cương thi công thí điểm công nghệ BTN ấm của Dự án cùng các ý kiến đánh giá của Hội đồng khoa học về thí điểm này, ngày 09/10/2019 Tổng cục ĐBVN đã có văn bản chấp thuận Hồ sơ thi công thử nghiệm hỗn hợp BTN ấm của Viện KICT Hàn Quốc với hai công trình thử nghiệm tại QL10, thành phố Nam Định và QL1, tỉnh Tiền Giang. Toàn bộ các quá trình từ thí nghiệm, sản xuất nhựa, thiết kế thành phần hỗn hợp, sản xuất hỗn hợp BTN ấm và thi công hoàn thiện BTN ấm đều do các đối tác phía Việt Nam thực hiện tại Việt Nam dưới sự hướng dẫn của chuyên gia Hàn Quốc và sự chỉ đạo của Tổng cục ĐBVN.
Dự án thử nghiệm tại miền Bắc được thực hiện trên QL10, đoạn từ Km100+950 đến Km101+250 trên phần đường bên phải gồm 2 làn xe cơ giới rộng trung bình 8,0m với tổng diện tích khoảng 2400 m2 trong đó có 200m thi công thảm phủ 5cm BTN ấm C12,5 cấp phối chặt trên mặt đường cũ và 100m liền kề thảm phủ 5cm BTN nóng C12,5 cấp phối chặt trên mặt đường cũ để so sánh, đối chứng.
Toàn bộ công tác thi công thử nghiệm được thực hiện và hoàn thành trong ngày 23 tháng 10 năm 2019 với sự giám sát của Cục QLĐB I, Ban QLDA4, các nhà khoa học và các đơn vị liên quan. Thử nghiệm đã cho thấy những kết quả ban đầu tích cực: điều kiện thi công được cải thiện do phát thải, phát nhiệt thấp hơn, mặt đường đảm bảo ổn định, thời gian chờ BTN nguội để mở thông xe giảm trên 2 giờ so với BTN nóng. Các kết quả thí nghiệm đều cho thấy chỉ tiêu kỹ thuật của BTN ấm đều đáp ứng yêu cầu tại tiêu chuẩn hiện hành của Việt Nam, đạt chất lượng tương đương như BTN nóng.
Hoàn thành thi công thử nghiệm công nghệ BTN ấm trên QL10, Nam Định.
Dự án thử nghiệm tại miền Nam được thực hiện trên QL1, đoạn từ Km 1968+420 đến Km1968+820 trên phần đường bên trái gồm 2 làn xe cơ giới và 1 làn xe thô sơ với tổng bề rộng rải trung bình 9,0m. Phương án kết cấu là tăng cường 5cm BTN ấm C12,5 cấp phối chặt trên mặt đường cũ. Do đây là tuyến có lưu lượng xe lớn, nhiều xe nặng chạy nên trên dải thi công thử nghiệm đã bố trí một phần để thử nghiệm bằng BTN ấm Polime nhằm đánh giá khả năng áp dụng của loại mặt đường này trên các tuyến trục chính. Phần BTN nóng đối chứng là đoạn mặt đường liền kề từ Km 1968+420 trở về phía văn phòng Chi cục QLĐB IV.3 mới được thi công trong dự án bảo trì đường bộ bằng nguồn Quỹ bảo trì đường bộ.
Toàn bộ công tác thi công thử nghiệm được thực hiện và hoàn thành trong ngày 17 tháng 12 năm 2019 với sự giám sát của Cục QLĐB IV, Ban QLDA4 và các đơn vị liên quan. Thử nghiệm cũng cho thấy những kết quả ban đầu tích cực: điều kiện thi công được cải thiện do phát thải, phát nhiệt thấp hơn, mặt đường đảm bảo ổn định, thời gian chờ BTN nguội để mở thông xe giảm trên 2 giờ so với BTN nóng. Các kết quả thí nghiệm đều cho thấy chỉ tiêu kỹ thuật của BTN ấm đều đáp ứng các yêu cầu tại các tiêu chuẩn hiện hành của Việt Nam, đạt chất lượng tương đương như BTN nóng.
Kết quả thử nghiệm chiều sâu HLVBX của mẫu khoan tại hiện trường QL10 (BTN ấm và BTN nóng đối chứng)
Kết quả thử nghiệm chiều sâu HLVBX của mẫu khoan tại hiện trường QL11 (BTN ấm và BTN ấm Polime)
Hoàn thành thi công thử nghiệm công nghệ BTN ấm trên QL1, Tiền Giang.
Trong suốt quá trình thi công thử nghiệm từ giai đoạn chuẩn bị đến khi hoàn thiện, các chuyên gia Hàn Quốc thường xuyên có hướng dẫn và trao đổi, chia sẻ về những lưu ý trong quá trình thi công BTN nói chung và BTN nóng nói riêng.
Kết thúc thi công thử nghiệm BTN ấm tại hiện trường, công tác thí nghiệm, thử nghiệm đã được Viện KHCN GTVT tiến hành ngay. Hiện dự án đang trong quá trình theo dõi, đánh giá sự làm việc và chất lượng mặt đường BTN ấm thi công thử nghiệm. Các báo cáo đánh giá cho đến nay sau hơn 5 tháng tại QL10 và hơn 3 tháng trên QL1, hiện mặt đường BTN ấm ở các đoạn thử nghiệm vẫn ổn định về chất lượng, không có biểu hiện hư hỏng, xuống cấp, các phương tiện lưu thông an toàn và êm thuận.
Mặt đường BTN ấm thử nghiệm trên QL10 sau 5 tháng thi công.
Mặt đường BTN ấm thử nghiệm trên QL1 sau 3 tháng thi công
Các kết quả khả quan ban đầu về thử nghiệm BTN ấm tại Việt Nam là tiền đề thuận lợi cho việc tiêu chuẩn hóa công nghệ này được thực hiện trong giai đoạn 3 của Dự án làm cơ sở để triển khai áp dụng ở nước ta.