Làn rẽ trái hai chiều [Driver’s Guide to operation, safety and licensing]
Bài báo mô tả việc xây dựng mô hình bổ sung làn rẽ trái hai chiều trên tuyến thực tế và đánh giá hiệu quả ứng dụng thông qua phần mềm mô phỏng mô hình giao thông vi mô VISSIM và phần mềm đánh giá xung đột SSAM trên tuyến đường Nguyễn Chí Thanh, thuộc địa phận Quận 5, TP. Hồ Chí Minh. Nghiên cứu cũng đánh giá tác động của các yếu tố giao thông đến việc áp dụng làn rẽ trái hai chiều trên tuyến đường này nhằm tìm ra khoảng áp dụng hiệu quả của giải pháp đề xuất thông qua việc phân tích độ nhạy đối với các nhân tố lưu lượng và thành phần dòng xe.
Đường 4 làn không có dải phân cách trong nội thành sẽ bị giảm hiệu quả vận hành và độ ATGT khi lưu lượng xe tăng cao. Các biện pháp cải thiện an toàn hiện nay như dải phân cách cứng, lan can phòng hộ có thể giải quyết vấn đề này. Tuy nhiên, các dạng dải phân cách cứng lại giảm khả năng tiếp cận của tuyến đường và còn có thể gia tăng xung đột cục bộ tại các đoạn mở dải phân cách. Đối với giao thông đô thị, khả năng tiếp cận và ATGT là hai vấn đề được ưu tiên hàng đầu.
Chính vì thế, mục tiêu của nghiên cứu này là tìm ra một giải pháp an toàn mới có thể dung hòa được cả hai yếu tố trên. Làn rẽ trái hai chiều có thể được xem là một đề xuất để giải quyết vấn đề này. Làn rẽ trái hai chiều là một giải pháp để cải thiện ATGT tương đối phổ biến trên thế giới như Mỹ, Canada..., tuy nhiên giải pháp này vẫn chưa được áp dụng ở Việt Nam. Nghiên cứu này nhằm xây dựng mô hình ứng dụng làn rẽ trái hai chiều dựa trên mô hình tuyến hiện hữu bằng phần mềm VISSIM và áp dụng phần mềm SSAM để phân tích số xung đột giao thông tiềm tàng, qua đó đánh giá hiệu quả của giải pháp.