Tổ chức quản lý ảnh hưởng thế nào đến tiến độ dự án giao thông đường bộ tại Việt Nam?

Thứ ba, 30/03/2021 09:15 GMT+7

Công tác tổ chức quản lý trong quá trình thực thi dự án đóng vai trò quan trọng đến sự thành công của dự án. Bài báo nhằm làm rõ mối quan hệ thông qua mức độ ảnh hưởng của các yếu tố tổ chức quản lý đến tiến độ thực hiện dự án đầu tư xây dựng cơ sở hạ tầng giao thông đường bộ (CSHT GTĐB) tại Việt Nam. Kết quả nghiên cứu đã chỉ ra rằng, hành vi lập kế hoạch và hành vi tổ chức thực hiện có tác động thuận chiều và có ảnh hưởng rất có ý nghĩa thống kê đến tiến độ thực hiện dự án.

Mô hình và các giả thuyết nghiên cứu

Đây là công trình nghiên cứu của ThS. NCS. Lê Trọng Tùng, Trường Đại học Giao thông vận tải. Theo ThS. NCS. Lê Trọng Tùng, trong thời gian qua, Đảng, Nhà nước và cả xã hội đã dành sự quan tâm lớn cho đầu tư phát triển GTVT. Hệ thống cơ sở hạ tầng giao thông nói chung và CSHT GTĐB nói riêng đã có bước phát triển mạnh mẽ theo hướng đồng bộ, hiện đại, rút ngắn khoảng cách giữa các vùng miền. Tuy nhiên, bên cạnh sự sôi động và những mặt tích cực góp phần quan trọng cho sự phát triển đất nước thì vẫn còn đang tồn tại những vấn đề liên quan đến các dự án đầu tư xây dựng CSHT GTĐB. Trong đó, nhiều dự án vi phạm nghiêm trọng về quản lý chất lượng, chậm tiến độ và gây thất thoát lãng phí vốn đầu tư.

Nhiều nguyên nhân ảnh hưởng tiêu cực đã được các chuyên gia và các nhà nghiên cứu đề cập đến, tuy nhiên hiện tại ở Việt Nam chưa có một nghiên cứu nào tập trung vào việc đánh giá mức độ ảnh hưởng của các yếu tố tổ chức quản lý đến kết quả thực hiện dự án. Trong giới hạn của nghiên cứu, bài báo tập trung nghiên cứu sự ảnh hưởng của các yếu tố tổ chức quản lý đến tiến độ thực hiện dự án đầu tư xây dựng CSHT GTĐB. Từ số liệu khảo sát các dự án đã thực hiện trong thời gian qua tại Việt Nam và sử dụng các phương pháp phân tích toán thống kê, bài báo nhằm làm rõ mức độ ảnh hưởng của các yếu tố tổ chức quản lý đến tiến độ thực hiện dự án đầu tư xây dựng CSHT GTĐB. Kết quả nghiên cứu là cơ sở khoa học để đề xuất các giải pháp nhằm cải thiện tiến độ thực hiện dự án và nâng cao hiệu quả công tác quản lý dự án (QLDA) đầu tư xây dựng CSHT GTĐB tại Việt Nam.

KẾT QUẢ NGHIÊN CỨU

Phân tích thống kê mô tả Phương pháp thống kê mô tả được tác giả sử dụng nhằm sàng lọc các số liệu thô và được thực hiện thông qua các dữ liệu khảo sát thu thập. 

Phân tích độ tin cậy của dữ liệu Độ tin cậy của dữ liệu thu thập được đánh giá thông qua hệ số Cronbach’s Alpha. Phạm vi giá trị Cronbach’s Alpha là từ 0 đến 1. Giá trị Cronbach’s alpha càng cao thì thang đo càng đáng tin cậy và ở mức lớn hơn 0,7 được coi là tốt và chấp nhận được khi kiểm tra độ tin cậy của thang đo. Mẫu khảo sát các thông tin cho các biến trong mô hình nghiên cứu được thiết kế bao gồm: 6 nội dung khảo sát cho biến “lập kế hoạch - PLA”, 7 nội dung khảo sát cho biến “tổ chức thực hiện - ORG”; 6 nội dung khảo sát cho biến “lãnh đạo quá trình thực hiện - LED”; 9 nội dung khảo sát cho biến “kiểm soát quá trình thực hiện - CTR”; và 1 nội dung khảo sát cho một biến phụ thuộc “Sự hài lòng của chủ đầu tư đối với tiến độ thực hiện dự án - SPO”. Tổng cộng có 29 nội dung khảo sát cho tất cả các biến trong mô hình nghiên cứu. Nội dung khảo sát và phương án đánh giá được thiết kế dựa trên thang đo “Likert” 5 mức độ. Với mỗi nội dung khảo sát, đối tượng được khảo sát sẽ dựa vào thực tế trải nghiệm của mình ở dự án vừa hoàn thành để đánh giá và lựa chọn phương án trả lời theo 5 mức độ khác nhau. Đối với 4 biến độc lập thì 5 mức độ bao gồm: (1): rất không đồng ý; (2) không đồng ý; (3) trung lập; (4) đồng ý; (5) rất đồng ý; còn đối với 1 biến phụ thuộc thì 5 mức độ bao gồm: (1) rất không hài lòng; (2) hài lòng ít; (3) bình thường; (4) hài lòng và (5) rất hài lòng. Dữ liệu thu thập từ 190 mẫu quan sát được tổng hợp và kiểm tra độ tin cậy cho 4 biến độc lập trong mô hình nghiên cứu. Kết quả giá trị của Cronbach’s alpha lần lượt là 0,846, 0,773, 0,874 và 0,887 cho thấy dữ liệu thu thập đều có độ tin cậy khá cao và là thang đo tốt, đảm bảo độ tin cậy cho các bước phân tích tiếp theo.

Phân tích phương sai (ANOVA) Mục đích của phân tích ANOVA là để kiểm định giả thiết “có sự khác biệt về giá trị trung bình của các biến phân tích giữa các đối tượng ảnh hưởng” [2]. Cụ thể, trong mô hình phân tích (Hình 2.1) thì biến phân tích là “Sự hài lòng của chủ đầu tư đối với tiến độ thực hiện dự án đầu tư xây dựng CSHT GTĐB”. Các đối tượng ảnh hưởng bao gồm: chủ thể tham gia vào dự án; quy mô dự án; nguồn vốn; hình thức đầu tư; hình thức tổ chức QLDA. Các đối tượng này đều có từ 3 giá trị trở lên nên tác giả sử dụng kỹ thuật phân tích phương sai một yếu tố (One - Way ANOVA). Kết quả phân tích phương sai của các nhóm đối tượng ảnh hưởng (Bảng 3.2) cho thấy không có sự khác biệt về giá trị trung bình. Sự đồng nhất này chứng tỏ việc đánh giá sự hài lòng của chủ đầu tư đối với tiến độ thực hiện dự án đầu tư xây dựng CSHT GTĐB được nhìn nhận cùng một quan điểm, cho dù ở các chủ thể khác nhau, quy mô dự án khác nhau, nguồn vốn khác nhau, hình thức đầu tư khác nhau và hình thức tổ chức QLDA khác nhau.

Phân tích tương quan giữa các biến độc lập Trước khi phân tích hồi quy, tác giả tiến hành kiểm tra mối liên hệ tuyến tính giữa biến phụ thuộc với các biến độc lập thông qua hệ số tương quan Pearson (r). Kết quả phân tích tương quan (Bảng 3.3) cho thấy: tất cả các mức ý nghĩa Sig < 0,05 và các hệ số tương quan (r) dao động trong khoảng từ 0,343 đến 0,662 (thỏa mãn điều kiện -1 ≤ r ≤ + 1). Như vậy, cả 4 biến độc lập có mối quan hệ tuyến tính rất chặt chẽ với biến phụ thuộc.

Phân tích mô hình tiên lượng Kết quả phân tích mô hình ảnh hưởng theo phương pháp Stepwise được thể hiện ở Bảng 3.6. Kết quả thể hiện thông qua các mô hình tốt nhất được thuật toán đề xuất trên cơ sở chọn lọc tổ hợp biến cho mỗi mô hình phân tích ảnh hưởng giữa các biến độc lập và biến phụ thuộc. Cụ thể, mô hình ảnh hưởng của các biến độc lập đến tiến độ thực hiện dự án đầu tư xây dựng CSHT GTĐB (Bảng 3.6) được thuật toán đề xuất là mô hình 2 (Model 2). Trong mô hình này, hai biến lập kế hoạch và tổ chức thực hiện có hệ số hồi quy (β) dương chứng tỏ hai biến này có mối quan hệ thuận chiều với biến phụ thuộc. Giá trị hệ số R2 (R Square) là 0,256, như vậy các biến độc lập giải thích được 25,6% sự biến thiên của biến phụ thuộc. Bên cạnh đó, giá trị Sig của F là 0,000 < 0,01 (Bảng 3.5) đảm bảo mô hình hồi quy tuyến tính có ý nghĩa thống kê với độ tin cậy trên 99% và chứng tỏ mô hình phù hợp với dữ liệu thực tế và đảm bảo độ tin cậy.

Từ kết quả phân tích mô hình ảnh hưởng ở trên cho thấy rằng: hai yếu tố tổ chức quản lý là lập kế hoạch và tổ chức thực hiện có vai trò ảnh hưởng rất có ý nghĩa thống kê đến tiến độ thực hiện dự án đầu tư xây dựng CSHT GTĐB. Trong thực tiễn QLDA, vai trò của công tác lập kế hoạch đối với kết quả thực hiện dự án được thừa nhận rộng rãi trên thế giới. Bên cạnh đó, yếu tố tổ chức thực hiện cũng là một trong những yếu tố quan trọng cần phải được xem xét. Sự thiếu hụt hoặc cung cấp chậm trễ các nguồn lực (tài chính, nhân lực, máy móc thiết bị, vật tư) trong quá trình tổ chức thực hiện sẽ gây ảnh hưởng nghiêm trọng đến tiến độ thực hiện dự án. Mặt khác, những số liệu thống kê cho thấy các dự án đầu tư xây dựng CSHT GTĐB tại Việt Nam đang xảy ra phổ biến các vấn đề liên quan đến chậm tiến độ [2]. Do đó, yếu tố lập kế hoạch và tổ chức thực hiện là một trong những yếu tố trọng yếu cần phải được xem xét một cách thỏa đáng trong quá trình quản lý thực hiện dự án đầu tư xây dựng CSHT GTĐB ở nước ta hiện nay.

* Thông qua việc phân tích định lượng mô hình mối quan hệ giữa các yếu tố tổ chức quản lý đến kết quả thực hiện dự án, bài báo đã chỉ ra hai yếu tố: lập kế hoạch và tổ chức thực hiện có vai trò ảnh hưởng rất có ý nghĩa thống kê đến tiến độ thực hiện dự án đầu tư xây dựng CSHT GTĐB tại Việt Nam. Kết quả nghiên cứu là cơ sở khoa học cho việc đề xuất các giải pháp nhằm cải thiện tiến độ thực hiện dự án đầu tư xây dựng CSHT GTĐB nói riêng và nâng cao hiệu quả công tác QLDA nói chung.

Nguồn: Tạp chí GTVT

Tìm theo ngày :

Đánh giá

(Di chuột vào ngôi sao để chọn điểm)