Covid-19 thúc đẩy phong trào đi xe đạp ở Philippines

Thứ hai, 01/11/2021 09:03 GMT+7

Đại dịch Covid-19 ập đến, kéo theo những biện pháp kiểm soát dịch bệnh, vô hình trung trở thành điều kiện để nhiều người sử dụng xe đạp.

Tại Philippines, xe đạp đã trở thành phương tiện quan trọng của hàng triệu người, không chỉ để người dân di chuyển dễ dàng trong bối cảnh dịch bệnh mà còn giúp nhân viên y tế tuyến đầu tới bệnh viện, giúp tiểu thương duy trì cuộc sống.

Nhiều người Philippines chuyển sang sử dụng xe đạp
để đi làm trong dịch bệnh. Ảnh: AFP

Thoát tắc nghẽn tại chốt kiểm soát nhờ xe đạp

Theo hãng tin Straits Times, từ tháng 3 năm ngoái, khi dịch Covid-19 bắt đầu bùng phát mạnh, Tổng thống Philippines Rodrigo Duterte quyết định áp quy định giãn cách xã hội đối với toàn bộ khu vực Vùng đô thị Manila (Metro Manila) - nơi chiếm 1/3 dân số toàn Philippines.

Chính quyền sở tại thành lập vô số điểm kiểm soát, bao phủ 16 thành phố, khiến giao thông rơi vào tình trạng hỗn loạn.

Rất nhiều nút thắt cổ chai, tắc nghẽn xuất hiện tại các điểm kiểm soát, ảnh hưởng lớn tới hàng triệu người có nhiệm vụ bắt buộc phải ra đường đi làm.

Chưa kể những người được phép di chuyển trong thời điểm này chỉ có lao động thiết yếu như: Y tá, bác sĩ, nhân viên kinh doanh thực phẩm, hàng hóa cần thiết, bảo vệ, lái xe tải... và hầu hết họ đều không có ô tô. Xe buýt, dịch vụ chia sẻ xe... bị hạn chế hoạt động nên hầu hết người đi làm đều phải chôn chân hàng giờ trên đường vì tắc nghẽn hoặc phải đi bộ.

Lúc này, nhiều người đã nghĩ đến xe đạp vì chi phí mua sắm, bảo trì rẻ, dễ mua trong thời gian dịch bệnh khó khăn.

Trước khi đại dịch làm đảo lộn tất cả mọi thứ, ông Joseph Tejero (43 tuổi) và vợ thường chạy chiếc xe nhỏ để bán cá tại chợ. Vì quy định phòng dịch, họ buộc phải ở nhà, sống tạm bằng tiền trợ cấp trong thời gian ngắn.

Lo lắng tìm cách kiếm kế sinh nhai, ông Tejero đã nghĩ ra cách mua một chiếc xe đạp, cải tiến thêm hai thùng xốp kèm thêm 2 chiếc xô để chứa cá, 1 chiếc cân và thớt, để đi từng ngõ bán hàng trực tiếp.

Hai vợ chồng làm việc cật lực, dậy từ sớm tinh mơ, tới cầu tàu để mua cá tươi, rồi đạp xe rong ruổi khắp ngõ phố. Mỗi ngày, họ đi khoảng 15km, kiếm khoảng 1.000 peso/ngày (gần 500.000 VNĐ).

Số tiền này ít hơn thời bán ở chợ nhưng vẫn đủ chi phí duy trì cuộc sống thường ngày và dẫu sao vẫn may mắn hơn hầu hết người dân xung quanh đều mất việc, chưa tìm được lối thoát.

Cơ hội để thay đổi nhận thức

Tận dụng sự thay đổi nhận thức và thói quen của người dân, Chính phủ Philippines đang tìm cách khuyến khích người dân tiếp tục sử dụng xe đạp kể cả sau đại dịch thay vì tìm đến ô tô, xe máy.

Bộ Giao thông Philippines đã chi một khoản 1,3 tỷ peso (583 tỷ VNĐ) xây một hệ thống đường dành cho xe đạp tại khu vực Metro Manila.

Song theo các nhà phân tích, để có thể duy trì thói quen sử dụng xe đạp của người dân, Manila cần xây thêm nhiều làn đường, tuyến đường dành riêng cho xe đạp hơn nữa. Đồng thời, họ cần phải cải thiện chất lượng đường, lát vỉa hè và bảo trì tốt hơn so với hiện nay.

Bên cạnh đó, chính phủ cần có biện pháp để đảm bảo an toàn cho người đi xe đạp khi sau này họ phải chia sẻ đường với nhiều phương tiện lớn như ô tô, xe máy.

Không đâu xa, ngay đầu tháng 10, một thanh niên 20 tuổi đã bị bắn chết khi đang đạp xe lúc trời tối. Chiếc xe đạp cũng bị đánh cắp.

Anh Melvin Ayensa, 58 tuổi, một nghệ sĩ, người yêu thích và ủng hộ xe đạp nhận định: “Covid-19 là nhân tố quan trọng đánh thức chính phủ về khả năng hiện thực hóa mục tiêu giao thông thân thiện môi trường. Nhưng thách thức lúc này đó là chính phủ cần phải có hành động mạnh mẽ hơn nữa”.

Theo khảo sát từ Viện Nghiên cứu Lao động Philippines, số người sử dụng xe đạp đã tăng từ 49% ở thời điểm trước tháng 3/2020 lên 77,5%.

Số liệu nhập khẩu xe đạp năm 2020 cũng tăng vọt lên 2.100 chiếc, tăng gấp đôi so với trước đại dịch.

Đa phần người sử dụng xe đạp tại Metro Manila là nam giới, khoảng 35 tuổi, làm việc trong ngành dịch vụ, với thu nhập trung bình 20.000 peso (khoảng 9.000.000 VNĐ) - 30.000 peso (13.000.000 VNĐ).

Trong khoảng thời gian này, hơn một nửa số người sử dụng xe đạp là để đi làm việc; 40% người để giải trí, chạy việc vặt; số ít còn lại là tập luyện nâng cao sức khỏe.

Nguồn: Báo Giao thông

Tìm theo ngày :

Đánh giá

(Di chuột vào ngôi sao để chọn điểm)