Ngày 11/5/2011, Bộ trưởng Bộ GTVT, Chủ tịch Ủy ban ATGT quốc gia Hồ Nghĩa Dũng đã có bài phát biểu tại buổi Lễ phát động hưởng ứng kêu gọi của Liên hợp quốc về “Thập kỷ hành động về an toàn giao thông đường bộ 2011 - 2020” do Ủy ban ATGT quốc gia và Bộ GTVT tổ chức. Sau đây là toàn văn bài phát biểu của Bộ trưởng Hồ Nghĩa Dũng.
Bộ trưởng Hồ Nghĩa Dũng phát biểu tại buổi Lễ
Kính thưa Phó Thủ tướng Chính phủ Hoàng Trung Hải,
Kính thưa các vị khách đại diện cho các tổ chức quốc tế tại Việt Nam
Thưa quý vị đại biểu,
Thay mặt lãnh đạo Ủy ban ATGT quốc gia và Bộ GTVT, tôi rất vui mừng và trân trọng chào đón Phó Thủ tướng Chính phủ Hoàng Trung Hải và sự hiện diện của các quý vị - đại diện của các tổ chức quốc tế; các bộ, ban, ngành trung ương; chính quyền địa phương, các tổ chức đoàn thể và các phóng viên trong và ngoài nước có mặt tại đây để tham dự Lễ phát động “Thập kỷ hành động vì an toàn giao thông đường bộ 2011 - 2020” của Liên hiệp quốc tại Việt Nam.
Kính thưa Phó Thủ tướng Chính phủ,
Thưa quý vị đại biểu,
Được ủy quyền của Thủ tướng Chính phủ, ngày hôm nay, Ủy ban ATGT quốc gia và Bộ GTVT chính thức tổ chức Lễ phát động hưởng ứng kêu gọi của Liên hợp quốc về “Thập kỷ hành động về an toàn giao thông đường bộ 2011 - 2020”. Việc cùng với nhiều nước thành viên của Liên hợp quốc tổ chức phát động hưởng ứng sáng kiến của Liên Hợp Quốc về “Thập kỷ hành động về an toàn giao thông đường bộ 2011 - 2020” một lần nữa khẳng định cam kết về trách nhiệm của Việt Nam cùng với cộng đồng thế giới trong cuộc chiến kiềm chế, giảm thiểu tai nạn giao thông ở khu vực và trên toàn thế giới.
Về hiện trạng tai nạn giao thông ở Việt Nam, như quý vị đã biết, tai nạn giao thông tăng liên tục trong nhiều năm, chỉ bắt đầu từ năm 2003 và đặc biệt trong vài năm gần đây, tai nạn giao thông mới có xu hướng được kiềm chế và giảm thiểu.
Chính phủ Việt Nam, nhiều năm qua, đặc biệt quan tâm đến vấn đề ATGT nói chung và an toàn đường bộ nói riêng do nhận thức được đầy đủ tính nghiêm trọng của vấn đề, coi đây là một vấn đề mang tính xã hội cấp bách, cần sự vào cuộc tổng lực của cả hệ thống chính trị - xã hội và sự chung sức của tất cả các bên liên quan.
Cách đây 4 năm, Chính phủ đã có riêng một Chương trình hành động - thể hiện tại Nghị quyết số 32 - về các giải pháp cấp bách cần thực hiện để giảm thiểu và kiềm chế tai nạn giao thông. Việc thực hiện quyết liệt các giải pháp trong Nghị quyết và các chính sách khác ở cấp quốc gia và địa phương đã bước đầu mang lại hiệu quả, giúp kiềm chế sự gia tăng của tai nạn giao thông trong 3 năm gần đây. Tuy nhiên, thực tế cũng cho thấy kết quả giảm thiểu tai nạn giao thông chưa thực sự bền vững: (i) một số địa phương chưa kiềm chế được gia tăng tai nạn giao thông; (ii) còn tiềm ẩn nhiều nguy cơ như tỷ lệ tăng trưởng cao hàng năm của số lượng phương tiện cơ giới tham gia giao thông, kết cấu hạ tầng được cải thiện không theo kịp tốc độ phát triển của phương tiện...; (iii) những yếu kém của công tác quản lý, hiệu quả của công tác tuyên truyền/giáo dục...
Chính vì vậy, Việt Nam coi việc tổ chức Nghị quyết của Đại hội đồng Liên hiệp quốc về “Thập kỷ hành động vì An toàn giao thông đường bộ 2011 - 2020” là cơ hội tốt để thức tỉnh các nhà quản lý, người tham gia giao thông, tìm kiếm đồng thuận cao hơn nữa của cộng đồng; phát hiện, đề xuất những giải pháp hữu hiệu để xây dựng một xã hội giao thông an toàn.
Thưa quý vị đại biểu,
Để hoạt động hưởng ứng sáng kiến của Liên hợp quốc về “Thập kỷ hành động vì an toàn đường bộ” đi vào thực chất, Chính phủ Việt Nam đã chỉ đạo Ủy ban ATGT quốc gia và các địa phương tiếp tục vào cuộc và hành động quyết liệt hơn nữa để đảm bảo cho Thập kỷ hành động vì ATGT mang lại kết quả cải thiện về an toàn giao thông bền vững hơn, trước hết cho đất nước và qua đó có những đóng góp chung cho cộng đồng khu vực và thế giới.
Cụ thể, Chính phủ đã chỉ đạo Ủy ban ATGT quốc gia, Bộ GTVT xây dựng “Chiến lược bảo đảm trật tự an toàn giao thông đường bộ Quốc gia đến năm 2020 và tầm nhìn năm 2030 của Việt Nam” - là một nội dung quan trọng liên quan đến công tác quản lý và là một trong 5 lĩnh vực (hay trụ cột) mà Liên hợp quốc đã khuyến cáo - để trình Thủ tướng Chinh phủ ban hành trong năm 2011. Hội nghị quốc tế về Báo cáo cuối kỳ của Chiến lược nói trên đã được tổ chức vào ngày 15/4 vừa qua và đã nhận được những ý kiến đóng góp quý báu của các chuyên gia trong nước và quốc tế.
Trong thời gian tới, trên cơ sở “Chiến lược đảm bảo trật tự vì an toàn giao thông đường bộ quốc gia” được phê duyệt, Chính phủ, các cấp chính quyền địa phương, các tổ chức xã hội - nghề nghiệp và các doanh nghiệp... sẽ tiếp tục triển khai các chính sách và giải pháp ở cấp quốc gia và địa phương, hướng tới mọi đối tượng như các cơ quan quản lý; người tham gia giao thông và mọi người dân; kết cấu hạ tầng và phương tiện; vấn đề ứng phó với tai nạn để kiềm chế và giảm thiểu tai nạn giao thông đường bộ; xây dựng và củng cố văn hóa giao thông; củng cố nền tảng kỷ cương giao thông bền vững và lâu dài.
Thưa quý vị đại biểu,
Việc đảm bảo ATGT đường bộ cho cộng đồng là một nhiệm vụ lâu dài, hết sức khó khăn nhưng hoàn toàn có thể cải thiện được tình hình nếu các bên liên quan nhận thức đầy đủ những nguy cơ, đề ra được các giải pháp đúng và triển khai một cách có hiệu quả.
Chính vì vậy, Ủy ban ATGT quốc gia và Bộ GTVT mong muốn tiếp tục nhận được sự quan tâm, chỉ đạo quý báu của Chính phủ, đặc biệt của Phó Thủ tướng Chính phủ; sự chia sẻ trách nhiệm, chung tay của các bộ, ban, ngành trung ương và địa phương; sự phối hợp và đóng góp bền bỉ, lâu dài của các cơ quan truyền thông trong việc tạo hiệu ứng chung lan tỏa của toàn xã hội về văn hóa giao thông; sự giúp đỡ hiệu quả của các tổ chức quốc tế và các nhà tài trợ như: UNICEF, WHO... - những tổ chức quốc tế hàng đầu về bảo vệ quyền lợi của trẻ và y tế trong việc chia sẻ kinh nghiệm, trợ giúp tài chính...
Nhân dịp Lễ phát động, thay mặt lãnh đạo Ủy ban ATGT quốc gia và Bộ GTVT, tôi trân trọng cảm ơn Phó Thủ tướng Chính phủ đã dành thời gian tham dự và phát biểu chỉ đạo; xin chân thành cảm ơn quý vị đại biểu, các vị khách quốc tế về những đóng góp quý giá cho cuộc chiến giảm thiểu tai nạn giao thông tại Việt Nam; xin cảm ơn các cơ quan truyền thông đã và đang cùng chúng tôi định hướng sự quan tâm của dư luận xã hội về mục tiêu cao cả này.
Xin kính chúc quý vị sức khỏe và thành công.
Chân thành cảm ơn./.
-------------------------