Bộ GTVT yêu cầu triển khai Nghị quyết của Quốc hội về đẩy mạnh việc thực hiện chính sách, pháp luật THTK, CLP

Thứ sáu, 30/12/2022 09:52 GMT+7
Ngày 28/12/2022, Bộ GTVT có Công văn số 13960/BGTVT-TC gửi các đơn vị trực thuộc Bộ về việc triển khai Nghị quyết của Quốc hội về đẩy mạnh việc thực hiện chính sách, pháp luật Thực hành tiết kiệm, chống lãng phí (THTK, CLP).

Triển khai thực hiện Nghị Quyết số 74/2022/NQ-QH15 của Quốc hội về đẩy mạnh việc thực hiện chính sách, pháp luật thực hành tiết kiệm, chống lãng phí (THTK, CLP), Bộ GTVT yêu cầu các cơ quan, đơn vị nghiên cứu toàn bộ nội dung của Nghị quyết và triển khai thực hiện theo quy định.

Bộ GTVT yêu cầu các đơn vị chú trọng một số nội dung: Rà soát, tổng hợp đầy đủ các thông tin, số liệu liên quan đến Báo cáo thực hiện chính sách, pháp luật về THTK, CLP giai đoạn 2016-2021 của cơ quan, đơn vị; báo cáo rõ kết quả rà soát, phát hiện các vi phạm, thất thoát, lãng phí (nếu có) của từng cơ quan, đơn vị; Phân loại để xây dựng kế hoạch, lộ trình, làm rõ các tồn tại đối với các tổ chức, đơn vị, cá nhân liên quan đến các dự án sử dụng vốn đầu tư công theo Phụ lục số 01 kèm theo Nghị quyết số 74/2022/NQ-QH15 của Quốc hội; Trong năm 2023, ban hành đầy đủ các văn bản quy phạm pháp luật quy định chi tiết, hướng dẫn thi hành các Luật có liên quan đến công tác THTK, CLP; rà soát và ban hành các quy chuẩn, tiêu chuẩn quốc gia, đơn giá, định mức kinh tế - kỹ thuật trong đầu tư, xây dựng, dịch vụ công còn thiếu hoặc còn chồng chéo, mâu thuẫn; sửa đổi, bổ sung định mức chi tiêu công, tài sản công, xe công, khoán chi, khoán kinh phí sử dụng tài sản công; lao động, biên chế.

Đồng thời Bộ GTVT cũng yêu cầu các đơn vị nâng cao chất lượng công tác lập, thẩm định dự toán thu, chi ngân sách nhà nước năm 2023 và các năm sau. Kiểm soát chặt chẽ công tác lập, phân bổ, quản lý, sử dụng chi ngân sách nhà nước, đặc biệt là chi đầu tư, sự nghiệp y tế, sự nghiệp khoa học công nghệ, công nghệ thông tin bảo đảm sử dụng tiết kiệm, hiệu quả. Nghiên cứu, đổi mới việc phân bổ chi thường xuyên nguồn ngân sách nhà nước theo kết quả đầu ra và phân bổ kế hoạch đầu tư trung hạn nguồn vốn ngân sách nhà nước 3 - 5 năm theo hình thức cuốn chiếu theo thông lệ quốc tế khi sửa đổi Luật Ngân sách nhà nước và Luật Đầu tư công.

Bên cạnh đó đẩy nhanh tiến độ thực hiện và hoàn thành các dự án sử dụng vốn đầu tư công và vốn nhà nước khác. Trong năm 2023, rà soát, tổng hợp, phân loại và xây dựng kế hoạch, lộ trình để có phương án xử lý khó khăn, vướng mắc đã tồn tại nhiều năm, đặc biệt là các dự án quan trọng quốc gia, các dự án trọng điểm, dự án sử dụng vốn ODA không hiệu quả, chậm tiến độ. Sớm đưa vào khai thác, sử dụng các dự án đã hoàn thành nhiều năm, không để lãng phí. Giải quyết theo thẩm quyền hoặc trình cơ quan có thẩm quyền sớm giải quyết các khó khăn, vướng mắc của các dự án BOT theo quy định của pháp luật và hợp đồng BOT.

Trong năm 2022 và Quý I năm 2023 rà soát toàn bộ các khoản chi chuyển nguồn ngân sách nhà nước đến ngày 31/12/2021 để hủy bỏ, thu hồi về ngân sách nhà nước các khoản chuyển nguồn không có nhu cầu sử dụng hoặc quá thời gian giải ngân theo quy định. Thống kê và báo cáo đầy đủ nguồn cải cách chính sách tiền lương chưa sử dụng của từng đơn vị tại ngày 31/12/2022 trong báo cáo quyết toán ngân sách nhà nước năm 2022; nghiên cứu, đề xuất cơ chế quản lý, sử dụng nguồn cải cách chính sách tiền lương chưa sử dụng bảo đảm đúng mục đích, hiệu quả, chặt chẽ, tránh thất thoát, lãng phí.

Cần đẩy mạnh cơ cấu lại doanh nghiệp nhà nước, trọng tâm là các Tập đoàn, Tổng công ty; nâng cao năng lực quản trị theo nguyên tắc, chuẩn mực quốc tế.

Trong năm 2023, tập trung rà soát để đến năm 2025 hoàn thành việc sắp xếp lại, xử lý nhà, đất trên phạm vi cả nước; có các giải pháp xử lý cơ bản các cơ sở nhà, đất bị lấn chiếm, có tranh chấp, sử dụng sai mục đích, thiếu hồ sơ pháp lý chứng minh nguồn gốc. Kiểm tra việc thực hiện phương án sắp xếp các cơ sở đã được phê duyệt, nhất là các cơ sở nhà, đất phải thu hồi, đấu giá. Đẩy nhanh tiến độ sắp xếp lại, xử lý nhà, đất, tài sản các cơ quan, đơn vị sau sáp nhập và phê duyệt phương án sắp xếp lại, xử lý nhà, đất theo quy định, không để lãng phí, sai phạm, lấn chiếm, chuyển đổi, sử dụng sai mục đích hoặc để hoang hóa. Trước năm 2025 hoàn thành việc tổng kiểm kê tài sản công tại các cơ quan, tổ chức, đơn vị; tài sản kết cấu hạ tầng do Nhà nước đầu tư, quản lý.

Tiếp tục thực hiện nghiêm các Nghị quyết, Kết luận của Bộ Chính trị, Ban Bí thư, các Nghị quyết của Quốc hội, Ủy ban Thường vụ Quốc hội về tiếp tục cải cách tổ chức bộ máy hành chính nhà nước tinh gọn, hoạt động hiệu lực, hiệu quả. Nghiên cứu, thực hiện các giải pháp nâng cao chất lượng, hiệu quả quản trị nguồn nhân lực trong khu vực công. Tăng cường xây dựng, đào tạo đội ngũ nhân lực khu vực công trên các lĩnh vực, nhất là đội ngũ lãnh đạo, quản lý các cấp. Đẩy mạnh sắp xếp tổ chức bộ máy, trọng tâm là rà soát, sắp xếp, kiện toàn, tinh gọn đầu mối bên trong các cơ quan hành chính nhà nước và đơn vị sự nghiệp công lập. Đẩy mạnh cổ phần hóa, chuyển đổi hoạt động của các đơn vị sự nghiệp công lập. Rà soát, đánh giá lại việc giao, quản lý biên chế. Khắc phục tình trạng giảm biên chế bình quân tại tất cả các cơ quan, đơn vị; xác định biên chế phải căn cứ vào điều kiện, đặc điểm của từng ngành, lĩnh vực gắn với nâng cao hiệu lực, hiệu quả hoạt động của bộ máy nhà nước.

Tăng cường công tác thanh tra, kiểm tra việc thực hiện chính sách, pháp luật về THTK, CLP nhất là trong lĩnh vực đầu tư, xây dựng, tài chính công. Tổ chức thanh tra, kiểm tra chuyên đề hoặc thanh tra, kiểm tra thường xuyên các nội dung liên quan trong kế hoạch năm 2023 và năm 2024.

Các cơ quan, đơn vị trong phạm vi nhiệm vụ, quyền hạn của mình tổ chức triển khai thực hiện và báo cáo việc thực hiện Nghị quyết này về Bộ GTVT theo quy định.

Xem văn bản tại đây.

Tìm theo ngày :

Đánh giá

(Di chuột vào ngôi sao để chọn điểm)