Quản lý bay Việt Nam - chặng đường 30 năm

Thứ năm, 20/04/2023 11:01 GMT+7

Ngày 20/4/1993, Bộ trưởng Bộ Giao thông vận tải ban hành Quyết định số 746/QĐ/TCCB-LĐ thành lập Trung tâm Quản lý bay dân dụng Việt Nam nay là Tổng công ty Quản lý bay Việt Nam. Đây là mốc lịch sử quan trọng đánh dấu sự ra đời, trưởng thành và phát triển của Tổng công ty Quản lý bay Việt Nam.

Kể từ ngày thành lập, trải qua ba lần thay đổi về mô hình tổ chức, từ phân tán rời rạc đến các đơn vị trong ngành được điều chuyển về tập trung thống nhất trên phạm vi cả nước; về cơ chế quản lý, trước năm 1998 là Đơn vị sự nghiệp có thu, từ 24/1/1998 đến 19/6/2008 là Doanh nghiệp nhà nước hoạt động công ích và nay là Tổng công ty hoạt động theo mô hình công ty mẹ công ty con, trong đó công ty mẹ là Công ty trách nhiệm hữu hạn một thành viên 100% vốn nhà nước, chủ sở hữu là Bộ Giao thông vận tải, chịu sự quản lý trực tiếp của Cục Hàng không Việt Nam về cung cấp các dịch vụ bảo đảm hoạt động bay.

30 năm qua, dưới sự quan tâm chỉ đạo sát sao của Bộ Giao thông vận tải, Cục Hàng không Việt Nam, sự ủng hộ giúp đỡ của các cơ quan, đơn vị trong và ngoài ngành Hàng không, sự đóng góp của các thế hệ cán bộ và người lao động, Tổng công ty Quản lý bay Việt Nam luôn giữ vững và phát huy tryền thống vẻ vang, nỗ lực phấn đấu vươn lên, từng bước đổi mới tư duy, đổi mới cơ chế quản lý, kiện toàn về tổ chức, quản trị doanh nghiệp và đầu tư phát triển đồng bộ cơ sở vật chất, kỹ thuật hiện đại, nguồn nhân lực chất lượng cao, cung cấp các dịch vụ bảo đảm hoạt động bay có chất lượng đạt hiệu quả kinh tế ngày càng cao đóng góp ngày càng nhiều cho ngân sách Nhà nước, đồng thời phối hợp chặt chẽ với các đơn vị quân đội góp phần bảo vệ an ninh chủ quyền vùng trời tổ quốc.

Tổ chức cung cấp dịch vụ điều hành bay an toàn, góp phần quan trọng trong việc đảm bảo an ninh, chủ quyền vùng trời quốc gia

Việc giành lại quyền điều hành phần phía Nam Vùng thông báo bay Hồ Chí Minh vào ngày 8/12/1994 đã trở thành mốc son trong lịch sử phát triển của ngành hàng không dân dụng nói chung và ngành Quản lý bay nói riêng trên các phương diện chính trị, kinh tế, kỹ thuật, quốc phòng an ninh và ngoại giao. Thắng lợi to lớn đó đã mở ra cánh cửa hội nhập quốc tế về quản lý không lưu, cung cấp kịp thời, đầy đủ các dịch vụ điều hành bay, đảm bảo an toàn tuyệt đối cho các hoạt động bay đi, đến và bay quá cảnh trong vùng trời trách nhiệm được giao.

Hiện nay Tổng công ty chịu trách nhiệm cung cấp dịch vụ không lưu cho các hoạt động bay trong toàn bộ vùng trời chủ quyền trên lãnh thổ, lãnh hải Việt Nam, vùng trời do Tổ chức hàng không dân dụng quốc tế (ICAO) giao cho Việt Nam quản lý và các hoạt động bay đi/ đến tất cả các cảng hàng không, sân bay trong toàn quốc. Với quy mô cung cấp dịch vụ trên diện tích gần 1,2 triệu km2, các cơ sở của Tổng công ty có mặt trên phạm vi 30 tỉnh, thành phố trên cả nước kể cả vùng biển đảo xa xôi, trực tiếp cung cấp các dịch vụ bảo đảm hoạt động bay trên 35 đường hàng không nội địa và 36 đường hàng không quốc tế, đặc biệt Vùng thông báo bay (FIR) Hồ Chí Minh có các đường hàng không với mật độ bay cao, giữ vị trí quan trọng đối với hoạt động bay trên khu vực biển Đông.

Kíp trực điều hành bay tại Đài Kiểm soát không lưu Tân Sơn Nhất

Xác định điều hành bay an toàn, điều hòa, hiệu quả cho tất cả các chuyến bay trong vùng trời trách nhiệm là lĩnh vực hoạt động sản xuất kinh doanh và năng lực cốt lõi, trong 30 năm qua, Tổng công ty Quản lý bay Việt Nam đã tổ chức cung cấp dịch vụ bảo đảm hoạt động bay an toàn cho hơn 11 triệu chuyến bay trong vùng trời trách nhiệm, giai đoạn trước đại dịch Covid-19 tổng sản lượng điều hành bay của Tổng công ty liên tục tăng trưởng 15– 17%/ năm, năm 2019 Tổng công ty đã điều hành an toàn gần 1 triệu chuyến bay.

Trong hơn 2 năm dịch Covid-19 bùng phát, trong hoàn cảnh khó khăn chưa từng có trong lịch sử của ngành hàng không, Tổng công ty đã triển khai đồng bộ các giải pháp cấp bách tháo gỡ khó khăn cho hoạt động sản xuất kinh doanh, đảm bảo việc làm và đời sống cho người lao động và đảm bảo duy trì việc cung cấp dịch vụ đảm bảo thông suốt an toàn cho hoạt động bay trong mọi tình huống. Liên tục nhiều năm, Tổng công ty là một trong số các đơn vị dẫn đầu ngành Hàng không về năng suất, chất lượng hiệu quả, tổng thu điều hành bay đạt gần 65 nghìn tỷ đồng, nộp ngân sách nhà nước đạt trên 32 nghìn tỷ đồng.

Bên cạnh nhiệm vụ đảm bảo an toàn bay, Tổng công ty Quản lý bay Việt Nam đã phối hợp hiệp đồng chặt chẽ với các đơn vị quân đội và các cơ quan quản lý không lưu của các nước trong khu vực, kịp thời phát hiện và chấn chỉnh các hoạt động bay không đúng theo kế hoạch hoặc vi phạm quy chế bay, giữ vững an ninh vùng trời Tổ quốc.

Tích cực, chủ động trong việc đầu tư, đổi mới ứng dụng tiến bộ khoa học kỹ thuật công nghệ mới

Quá trình đầu tư, đổi mới kỹ thuật công nghệ quản lý điều hành bay trong 30 năm qua đã đạt được nhiều thành tựu to lớn, từ những cơ sở vật chất còn thiếu thốn, đơn sơ của đầu ngày thành lập, Quản lý bay Việt Nam đã từng bước đầu tư trang thiết bị kỹ thuật, đổi mới công nghệ, cải tiến và ứng dụng tiến bộ khoa học kỹ thuật, làm thay đổi cơ bản công nghệ quản lý điều hành bay và đã cơ bản đáp ứng yêu cầu của các hãng hàng không trong nước và quốc tế.

Đài Kiểm soát không lưu Nội Bài

Các cơ sở điều hành bay của Tổng công ty tại 02 Trung tâm Kiểm soát đường dài, 04 Trung tâm Kiểm soát tiếp cận, 22 đài kiểm soát tại sân được đầu tư nâng cấp với quy mô và công năng hiện đại ngang tầm các nước tiên tiến trong khu vực; các hệ thống thông tin liên lạc, dẫn đường, giám sát được đầu tư mới với công nghệ tiên tiến, hiện đại với 23 đài dẫn đường DVOR/DME, 24 trạm giám sát tự động phụ thuộc ADS-B, 5 hệ thống rada sơ cấp, 8 hệ thống rada sơ/thứ cấp và nhiều hệ thống trang thiết bị kỹ thuật khác được đầu tư đảm bảo tầm phủ thông tin liên lạc và giám sát trên toàn bộ vùng trời trên lãnh thổ và lãnh hải Việt Nam được giao quản lý.

Song song với việc đầu tư cơ sở hạ tầng, trang thiết bị kỹ thuật, Tổng công ty Quản lý bay Việt Nam đã triển khai đồng bộ, hàng loạt các giải pháp cải tiến phương thức điều hành bay; tối ưu hóa tổ chức vùng trời; áp dụng công nghệ dẫn đường tiên tiến tại các sân bay có mật độ hoạt động bay cao nhằm nâng cao năng lực và chất lượng dịch vụ.

Việt Nam là quốc gia thành viên của ICAO, Tổng công ty Quản lý bay Việt Nam, dưới sự chỉ đạo trực tiếp của Bộ GTVT và Cục HKVN đã tuân thủ đầy đủ các khuyến cáo thực hành của ICAO, tích cực chủ động tham gia hội nhập không vận quốc tế theo kế hoạch của ICAO khu vực, đồng thời chính thức tham gia là thành viên của Tổ chức các Nhà cung cấp dịch vụ bảo đảm hoạt động bay (CANSO) từ năm 2014, tăng cường hợp tác với các cơ quan, tổ chức nước ngoài để nghiên cứu tối ưu hóa vùng trời và phương thức bay tại Việt Nam nhằm phát huy năng lực, chất lượng cung cấp dịch vụ đáp ứng nhu cầu tăng trưởng của hàng không trong nước và quốc tế.

Trong quá trình đổi mới trang thiết bị kỹ thuật và công nghệ, Tổng công ty cũng luôn chú trọng phát huy nhân tố nội lực, với tinh thần chủ động, sáng tạo, dám nghĩ, dám làm. Đến nay, đội ngũ kỹ thuật, kiểm soát viên không lưu của Tổng công ty đã làm chủ công nghệ quản lý bay tiên tiến hiện đại, tổ chức khai thác có hiệu quả cơ sở vật chất kỹ thuật.

Trong nhiều năm qua, Tổng công ty đã có hàng chục đề tài khoa học nghiên cứu cấp Bộ và hàng trăm đề tài nghiên cứu cấp Tổng công ty đã được các Hội đồng khoa học các cấp nghiệm thu hoàn thành và thực hiện chuyển giao công nghệ thành công và đưa vào sản xuất và áp dụng thực tế. Hầu hết các nhiệm vụ KH&CN của Tổng công ty đều tập trung vào nghiên cứu các sản phẩm thuộc lĩnh vực thông tin, dẫn đường, giám sát (CNS), công nghiệp hàng không và đã đạt được những thành tựu nhất định. Hiện tại, Tổng công ty đã từng bước làm chủ công nghệ tiên tiến trong sản xuất, thi công lắp đặt các trang thiết bị chuyên ngành lĩnh vực CNS, nâng cao tỷ lệ nội địa hóa, thông qua xuất khẩu sản phẩm, dịch vụ và tham gia chuỗi cung ứng toàn cầu.

Tích cực đào tạo, bồi dưỡng, phát triển nguồn nhân lực chất lượng cao để phát triển bền vững

Để hiện thực hóa mục tiêu phát triển năng lực điều hành bay đáp ứng yêu cầu về chất lượng dịch vụ tin cậy, bảo đảm an toàn tuyệt đối cho 100% các chuyến bay trong vùng trách nhiệm được giao, trong nhiều năm qua Tổng công ty đã và đang tập trung xây dựng các nền tảng cho sự phát triển bền vững với ba trụ cột chính: Đầu tư cơ sở vật chất, công nghệ, kỹ thuật hiện đại; đào tạo, huấn luyện nguồn nhân lực có chất lượng; xây dựng mô hình quản lý doanh nghiệp cung cấp dịch vụ bảo đảm hoạt động bay và môi trường pháp lý phù hợp với các quy định của Việt Nam và đáp ứng yêu cầu hội nhập quốc tế.

Tổng công ty luôn xác định nhiệm vụ đào tạo, phát triển nguồn nhân lực là nhiệm vụ trọng tâm, là một trong những yếu tố, động lực quan trọng để phát triển bền vững. Trong những năm qua, Tổng công ty không ngừng đổi mới, thực hiện các giải pháp nhằm nâng cao chất lượng, hiệu quả công tác đào tạo, huấn luyện thông qua việc hoàn thiện hệ thống đào tạo, huấn luyện. Năm 2013, Tổng công ty đã thành lập Trung tâm Đào tạo Trung tâm đào tạo, huấn luyện nghiệp vụ quản lý bay để chủ động hơn trong công tác đào tạo, chú trọng công tác xây dựng, phát triển, nâng cao năng lực đội ngũ giáo viên, huấn luyện viên và cán bộ quản lý đào tạo về hàng không. Hiện tại, toàn Tổng công ty có hơn 150 huấn luyện viên chuyên ngành được công nhận, cấp giấy phép và thường xuyên thực hiện công tác đào tạo huấn luyện các chuyên ngành cho lực lượng lao động của Tổng công ty.

Tổng công ty cũng đã mở rộng liên kết, tăng cường hợp tác với các cơ sở đào tạo là thành viên chính thức của ICAO để tổ chức các khóa đào tạo huấn luyện; Mời chuyên gia nước ngoài đến giảng dạy tại Việt Nam và tham gia đánh giá năng lực cho các kiểm soát viên không lưu. Từ năm 2015, Tổng công ty đã triển khai thành công chương trình đào tạo Kiểm soát viên không lưu bằng hình thức xã hội hóa liên kết với đào tạo với Airways New Zealand và Học viện Hàng không Việt Nam. Các khóa đào tạo theo mô hình này đã cung cấp cho Tổng công ty nguồn nhân lực có chất lượng cao, đạt chuẩn quốc tế đáp ứng nhu cầu phát triển của Tổng công ty.

Xây dựng tổ chức Đảng trong sạch, vững mạnh; các tổ chức đoàn thể hoạt động hiệu quả

Trong 30 năm qua, Đảng bộ Tổng công ty luôn phát huy truyền thống của một tổ chức được trưởng thành từ quân đội nhân dân Việt Nam, luôn đoàn kết, nhất trí, lãnh đạo đơn vị hoàn thành xuất sắc nhiệm vụ được giao, Đảng bộ Tổng công ty liên tục đạt danh hiệu Đảng bộ trong sạch vững mạnh trong nhiều năm. Đảng bộ Tổng công ty và nhiều tổ chức đảng, đảng viên được tặng Cờ, Bằng khen của Đảng ủy Khối các cơ quan Trung ương, Đảng ủy Bộ Giao thông vận tải.

Ban Chấp hành Đảng bộ Tổng công ty nhiệm kỳ 2020 - 2025

Các tổ chức Công đoàn, Đoàn Thanh niên Tổng công ty hoạt động có hiệu quả, làm tốt công tác chăm lo đời sống, bảo vệ quyền và lợi ích hợp pháp, chính đáng của người lao động, phối hợp chặt chẽ với các cấp chính quyền tuyên truyền vận động người lao động hăng hái thi đua lao động sản xuất, hoàn thành tốt nhiệm vụ chuyên môn, đặc biệt trong giai đoạn dịch bệnh Covid-19, CB-CNV đã đồng lòng chia sẻ khó khăn, đoàn kết thống nhất, nỗ lực phấn đấu hoàn thành nhiệm vụ chính trị của Tổng công ty là đảm bảo cung cấp dịch vụ điều hành bay an toàn.

Bên cạnh đó, Tổng công ty thực hiện tốt trách nhiệm của doanh nghiệp với xã hội và cộng đồng, CB-CNV của Tổng công ty tham gia tích cực các hoạt động xã hội, từ thiện, tổ chức tốt các hoạt động “Đền ơn đáp nghĩa, uống nước nhớ nguồn”. Trong 30 năm qua, đã tổ chức vận động  người lao động quyên góp cho các hoạt động xã hội, từ thiện, đến ơn đáp nghĩa với số tiền trên 75 tỷ đồng với nhiều hoạt động thiết thực, hiệu quả.

Các phần thưởng và danh hiệu cao quý

Qua 30 năm xây dựng và phát triển, các thế hệ cán bộ, đảng viên, công nhân viên lao động của Tổng công ty Quản lý bay Việt Nam đã làm nên những thành tích rất đáng tự hào, nhiều tập thể và cá nhân tiêu biểu đã vinh dự được Đảng và Nhà nước tặng thưởng nhiều danh hiệu, phần thưởng cao quý: Danh hiệu “Anh hùng Lao động trong thời kỳ đổi mới” cho tập thể Tổng công ty Quản lý bay Việt Nam và cá nhân đồng chí Trần Xuân Mùi nguyên Tổng Giám đốc Trung tâm QLBDDVN; Huân chương Độc lập hạng Ba cho tập thể Tổng công ty Quản lý bay Việt Nam; Giải thưởng “Đại bàng” của Hiệp hội Vận tải hàng không quốc tế dành cho Nhà cung cấp dịch vụ bảo đảm hoạt động bay có bước tiến vượt bậc; 16 Huân chương Lao động hạng nhất, hạng nhì, hạng ba; 23 Bằng khen của Thủ tướng Chính phủ; 16 Cờ thi đua của Chính phủ; 126 Bằng khen của Bộ trưởng Bộ Giao thông vận tải cho các tập thể, cá nhân thuộc Tổng công ty; 27 Cờ thi đua xuất sắc của Bộ GTVT.

Tiếp đà phát triển

Trong điều kiện tình hình kinh tế, chính trị thế giới, trong nước vẫn tiềm ẩn nhiều bất ổn, khó lường, Tổng công ty đang đứng trước những khó khăn thách thức như thiếu vốn cho đầu tư phát triển, lưu lượng và tính chất hoạt động hàng không ngày càng phức tạp, điều kiện thời tiết, khí hậu không thuận lợi. Trong chặng đường mới, Tổng công ty phải vượt qua các khó khăn thách thức, khắc phục các tồn tại, hạn chế, tập trung tối đa các nguồn lực để tăng năng lực điều hành bay, nâng cao chất lượng các dịch vụ bảo đảm hoạt động bay đáp ứng yêu cầu điều hành bay an toàn, điều hòa, hiệu quả cho tất cả các chuyến bay trong vùng trời trách nhiệm.

Đồng thời xây dựng và thực hiện mô hình quản trị doanh nghiệp tiên tiến, hiện đại mang tính minh bạch, trách nhiệm giải trình, quản lý theo quy trình và mục tiêu. Gắn kết các kế hoạch, giải pháp sản xuất, kinh doanh, phát triển của Tổng công ty với chính sách phát triển nguồn nhân lực, bao gồm cả việc bảo đảm điều kiện, môi trường làm việc, tăng thu nhập, cải thiện điều kiện sống cả về vật chất lẫn tinh thần cho người lao động, xây dựng môi trường văn hóa doanh nghiệp làm nền tảng cho sự đoàn kết vì các mục tiêu chung của tập thể người lao động của Tổng công ty. Tăng cường quan hệ quốc tế trong lĩnh vực điều hành bay, chủ động đóng góp, phối hợp hài hòa các Nhà cung cấp dịch vụ bảo đảm hoạt động bay trên thế giới và khu vực trong các chương trình phát triển, định hướng về khoa học, kỹ thuật, khẳng định vị thế là Nhà cung cấp dịch vụ bảo đảm hoạt động bay hàng đầu ở khu vực Đông Nam Á.                

Nguồn: VATM

Tìm theo ngày :

Đánh giá

(Di chuột vào ngôi sao để chọn điểm)