Trong 5 năm qua (2006 – 2010), từ nguồn vốn hỗ trợ của trung ương và sự đóng góp của nhân dân, Vĩnh Long đã đầu tư khoảng 1.300 tỷ đồng để làm mới và nâng cấp 270km đường, xây dựng trên 100 cây cầu tạo điều kiện cho xe 4 bánh về tới trung tâm 93 xã trong toàn tỉnh.
Nhà nước và nhân dân cùng làm
Với phương châm "Nhà nước và nhân dân cùng làm”, thời gian qua, Đảng bộ, chính quyền và nhân dân Vĩnh Long đã đắp xây nên những con đường đầy ắp nghĩa tình. Chủ trương đúng đắn được cụ thể hóa bằng những chương trình hành động thiết thực được nhân dân đồng tình ủng hộ, đóng góp hàng chục tỉ đồng và hiến trên 52.000m2 đất để xây dựng các công trình giao thông nông thôn (GTNT).
Huyện Bình Minh được xem là đơn vị điển hình trong phong trào xây dựng đường giao thông nông thôn ở Vĩnh Long. Trong năm 2010, Bình Minh đã cải tạo, nâng cấp và làm mới 5 tuyến đường ôtô theo phương châm "Nhà nước và nhân dân cùng làm”, với tổng nguồn vốn trên 23 tỷ đồng. Đặc biệt, đã vận động 260 hộ nhân dân hiến khoảng 68.400 m2 đất và khoảng 300 ngày công để xây dựng đường GTNT. Tiêu biểu cho phong trào này là xã Long Phước từ năm 2007đã huy động sức dân không chỉ làm đường bêtông mà còn nhựa hóa đường GTNT. Cách huy động sự đóng góp ở Long Phước rất hợp lòng dân, chính quyền đồng ý để nhân dân đóng góp một lần, rồi trừ dần ở những năm sau. Chẳng hạn, một hộ dân đóng góp 1,2 triệu đồng trong 1 năm thì được miễn 5 năm đóng tiền xây dựng GTNT. Ngược lại, đối với những hộ nghèo thì được đóng góp bằng ngày công lao động hoặc đóng dần từng năm, vừa tạo được sức mạnh hỗ trợ cho nhau vừa mang đậm tình làng nghĩa xóm. Ông Huỳnh Anh Dũng, Phó Bí thư Đảng ủy xã phấn khởi nói: "Với cách làm trên, xã đã làm được 3 con đường đá cấp phối, láng nhựa. Những con đường này có bề ngang 3m, trong đó phần đường láng nhựa rộng 2m, cộng với phần lề mỗi bên 0,5m, được xây dựng trên nền hệ thống đê bao thủy lợi dọc theo các con rạch chằng chịt trong toàn xã. Mặc dù chi phí nhựa hóa có cao hơn so với bê tông, nhưng bù lại đường rộng rãi, đi lại thuận tiện hơn nên người dân đã ủng hộ nhiệt tình”.
Nhờ thực hiện tốt chủ trương trên, huyện Long Hồ đã xây dựng được 540km đường GTNT, đạt trên 95% các con đường chính được nhựa, đan hóa. Hiện 15 xã, thị trấn đều có đường xe ôtô đến trung tâm xã, 117 ấp xe 2 bánh lưu thông được 2 mùa mưa nắng. Những con đường góp phần đưa bộ mặt nông thôn ngày càng khởi sắc, thúc đẩy phát triển kinh tế – xã hội ở địa phương. Còn ở Măng Thít, phong trào xây dựng GTNT cũng được người dân rất đồng tình. Anh Nguyễn Văn Dũng (ấp Thân Bình, xã Tân Long – Măng Thít) là một trong những người dân đóng góp số tiền trên 100 triệu đồng để xây dựng 2 tuyến đường láng nhựa. Anh Dũng tâm sự: "Có đường, bà con không còn vất vả đi lại mà còn góp phần xây dựng quê hương mình ngày càng đẹp hơn”. Không những đóng góp về tiền mà nhiều người dân sẵn sàng hiến cả đất, như chị Nguyễn Thị Thủy (ấp Rạch Tranh, xã An Phước – Măng Thít) hiến trên 300m2 đất ruộng đang canh tác để góp phần làm con đường đan ở ấp. Chị Thủy bộc bạch: "Mình chịu thiệt một chút mà nhiều người được hưởng lợi, bởi con đường là niềm mong đợi của người dân nơi đây”.
Diện mạo nông thôn mới
Sau khi Thủ tướng Chính phủ ban hành "Bộ tiêu chí quốc gia về nông thôn mới” (NTM), hầu hết các địa phương ở Vĩnh Long đã tổ chức triển khai thực hiện nghiêm túc, khẩn trương tiến hành lập Đề án xây dựng xã NTM giai đoạn 2011 – 2015 và định hướng đến năm 2020, Vĩnh Long triển khai kế hoạch xây dựng nông thôn mới tới 94 xã của tỉnh. Thực hiện Chỉ thị 01/TU của Tỉnh ủy, Vĩnh Long chọn 2 xã Trung Hiếu (Vũng Liêm) và Thành Đông (Bình Tân) làm điểm xây dựng đề án xã nông thôn mới. Theo đề án, từ nay đến năm 2020, từ nhiều nguồn kinh phí khác nhau, tỉnh Vĩnh Long sẽ đầu tư gần 2.300 tỷ đồng để xây dựng mới, cải tạo và nâng cấp trên 800km đường GTNT và làm mới trên 190 cầu ở các xã vùng sâu trong tỉnh có tổng chiều dài gần 7.000m, mỗi cầu có bề rộng thông xe khoảng 3,5m, tải trọng 5 tấn, đảm bảo việc đi lại, vận chuyển hàng hóa nông sản dễ dàng, thúc đẩy giao thương phát triển ở các xã vùng nông thôn sâu trong tỉnh.
Đường GTNT ở Vĩnh Long đã thật sự đưa vùng sâu, vùng xa và thành thị ngày càng xích lại gần hơn. Những "mạch máu” giao thông nối liền đã làm sáng lên bộ mặt nông thôn mới. Bà Lê Thị Bé (ấp An Lạc Đông – Trung Hiếu – Vũng Liêm) phấn khởi cho biết: "Dạo trước cứ vào mùa mưa, tụi nhỏ xóm trong đi học có đứa lấm lem quần áo thấy mà thương. Nhưng đó là chuyện xưa rồi. Hiện tại thì đường tráng nhựa láng o, xe bốn bánh vô khỏe re và tụi nhỏ bây giờ đi học sướng hơn rất nhiều”. Còn anh Trần Khải Hoàng (Long Mỹ – Măng Thít) vui ra mặt khi con đường vào xã nhà vừa được thông xe: "Trước đây, con đường nắng bụi mưa sình. Học sinh đi học trần ai, có cây trái hay hoa màu muốn ra chợ bán phải đi mấy lần đò. Giờ thì quá sướng, có đường mới, chỉ lên xe vèo một cái là tới liền”. Từ khi có đường GTNT, lượng xuồng, ghe giảm rất nhiều. Anh Võ Ngọc Liền, Bí thư Đảng ủy xã Mỹ Lộc – Tam Bình cho biết: "Đến nay, có 8/8 ấp với hơn 50km đường GTNT đảm bảo đi lại 2 mùa mưa nắng, đạt trên 90% tổng tuyến giao thông toàn xã. Có được kết quả này là do chủ trương đúng đắn, Đảng bộ, chính quyền, đoàn thể ở xã ra sức vận động và được người dân nhiệt tình hưởng ứng”.
Đại Đoàn Kết