Lãnh đạo Cục Đường bộ Việt Nam dâng hương nhân dịp Ngày 27/7 tại Thái Nguyên

Thứ ba, 25/07/2023 18:31 GMT+7

Ngày 25/7, tại Thái Nguyên, Đoàn công tác của Cục Đường bộ Việt Nam do đồng chí Phan Thị Thu Hiền, Phó Cục trưởng Cục Đường bộ Việt Nam làm Trưởng đoàn dâng hương tưởng niệm 60 liệt sĩ TNXP tại Khu di tích lịch sử Quốc gia, TP Thái Nguyên; Trường Tiểu học Phú Xuyên, huyện Đại Từ; Khu di tích lịch sử Quốc gia 27/7 tỉnh Thái Nguyên.

Tham gia Lễ dâng hương có các đồng chí: Vũ Anh Tuấn, Phó Bí thư Thường trực Đảng ủy Cục; Nguyễn Việt Hưng, Ủy viên Ban Thường vụ Đảng ủy Cục, Chủ tịch Công đoàn Cục; Trịnh Thu Hà, Phó Chánh Văn phòng Ủy ban ATGT Quốc gia; các đồng chí đại diện lãnh đạo các cơ quan tham mưu, giúp việc liên quan của Cục; Giám đốc Khu QLĐB I; Lãnh đạo huyện Đại Từ; Hiệu trưởng và một số cán bộ, nhân viên của Trường Tiểu học Phú Xuyên...

Thái Nguyên là miền đất giàu truyền thống lịch sử và cách mạng; cửa ngõ giao lưu kinh tế, văn hóa giữa vùng trung du miền núi phía Bắc với đồng bằng Bắc Bộ. Trong thời kỳ kháng chiến chống thực dân Pháp (1946 - 1954), Thái Nguyên trở thành trung tâm “Thủ đô Kháng chiến” - nơi Chủ tịch Hồ Chí Minh và nhiều cơ quan Trung ương đã ở và làm việc; nơi ra đời lực lượng Thanh niên xung phong Việt Nam (15/7/1950). Trong những năm chống Mỹ cứu nước (1954 - 1975), Thái Nguyên - thủ phủ của Khu Tự trị Việt Bắc, là một trong những trọng điểm bắn phá của máy bay Mỹ.


Đoàn dâng hương tưởng niệm 60 liệt sĩ TNXP tại Khu di tích lịch sử Quốc gia

Đoàn dâng hương tưởng niệm 60 liệt sĩ TNXP tại Khu di tích lịch sử Quốc gia

Đại diện Ban Quản lý Khu Di tích cho biết, đêm Noel năm 1972, tại khu vực ga Lưu Xá, trên địa bàn xã Gia Sàng, thành phố Thái Nguyên, bom đạn của Đế quốc Mỹ đã cướp đi sinh mạng của nhiều người dân, trong đó có 60 TNXP Đại đội 915, Đội 91 Bắc Thái đang làm nhiệm vụ giải tỏa hàng hóa chi viện cho chiến trường miền Nam.

Các thành viên trong Đoàn dâng hương tưởng niệm 60 liệt sĩ TNXP

tại Khu di tích lịch sử Quốc gia

Các chị, các anh mãi mãi ra đi khi tuổi đời đang tươi trẻ, với bao ước mơ và khát vọng còn dang dở. Các chị, các anh đã anh dũng hy sinh nhưng hình ảnh và chiến công vẫn trường tồn, vang vọng mãi trong lòng mỗi người, nhất là người dân “Đất Thép”. Đảng và Nhà nước phong tặng danh hiệu Anh hùng lực lượng vũ trang nhân dân cho Đại đội 915. Tổ quốc đã ghi công các liệt sĩ TNXP.

Đoàn dâng hương tại Bia tưởng niệm ở Trường Tiểu học Phú Xuyên

Xã Phú Xuyên, huyện Đại Từ được biết đến là nơi công bố Sắc lệnh số 72/SL ngày 25/12/1951 của Chủ tịch Hồ Chí Minh về việc thành lập Sở Vận tải thuộc Bộ Giao thông công chính. Trong suốt những năm kháng chiến chống Pháp và chống Mỹ, công tác GTVT luôn được Bác Hồ đặc biệt quan tâm.

Đoàn công tác làm việc với chính quyền địa phương và đại diện Trường Tiểu học Phú Xuyên

Ngày 28/8/1945, Chủ tịch Hồ Chí Minh ký Nghị định 41, thành lập Bộ Giao thông công chính do ông Đào Trọng Kim giữ chức Bộ trưởng. Đến năm 1946, trong chỉ thị “Công việc khẩn cấp bây giờ” của chính quyền mới, Chủ tịch Hồ Chí Minh đã nhấn mạnh sự cần thiết của công tác  GTVT:  “Giao thông là mạch máu của tổ chức. Giao thông tốt thì mọi việc đều dễ dàng. Giao thông xấu thì các việc đình trệ”.

Từ sau ngày Chủ tịch Hồ Chí Minh ra Lời kêu gọi toàn quốc kháng chiến (ngày 19/12/1946), cùng với các công tác khác, công tác GTVT cũng được tiến hành khẩn trương và nhanh chóng nhằm đảm bảo mọi hoạt động kháng chiến của ta. Đến năm 1950, An toàn khu của nước Việt Nam kháng chiến được nối liền với các nước xã hội chủ nghĩa. Lúc này, nhiệm vụ giao thông vận tải đặt ra hết sức nặng nề. 

Đoàn công tác của Cục Đường bộ Việt Nam tặng quà cho Trường Tiểu học Phú Xuyên

Trước tình hình đó, ngày 25/12/1951, Chủ tịch Hồ Chí Minh ký Sắc lệnh số 72/SL, thành lập Sở Vận tải thuộc Bộ Giao thông công chính (tiền thân của ngành Vận tải ô tô Việt Nam) và công bố Sắc lệnh tại xã Phú Xuyên, huyện Đại Từ. Đến năm 1952, Sở Vận tải có năm chi sở tại các địa phương: Tuyên Quang, Thái Nguyên, Phú Thọ, Hòa Bình và Thanh Hóa. Các chi sở hoạt động cho đến tháng 7/1952 thì giải thể, bàn giao phương tiện vận tải thô sơ cho các địa phương.  

Bộ GTVT đã chọn nơi đây làm "Di tích lịch sử” của Ngành Vận tải, lấy ngày 25/12 hàng năm làm ngày truyền thống. Bộ GTVT đã tiến hành xây dựng nhà tưởng niệm và tấm bia khắc dòng chữ “Nơi đây công bố Sắc lệnh số 72/SL ngày 25/12/1951 của Chủ tịch Hồ Chí Minh thành lập Sở Vận tải thuộc Bộ Giao thông công chính" đặt tại xã Phú Xuyên, huyện Đại Từ.

Đoàn dâng hương tại Bia tưởng niệm đặt trong khuôn viên Trường Tiểu học Phú Xuyên

Ngày nay, khu di tích gồm nhà bia tưởng niệm nằm trong khuôn viên Trường Tiểu học Phú Xuyên, xã Phú Xuyên (huyện Đại Từ). Với truyền thống “Uống nước nhớ nguồn”, những năm qua, Bộ GTVT đã đóng góp, đầu tư xây dựng nâng cấp Trường Tiểu học Phú Xuyên. Đây là một nghĩa cử cao đẹp, một việc làm mang đậm tính nhân văn của những người làm công tác vận tải với thế hệ đi trước, cũng như sự chăm lo tới sự nghiệp giáo dục trên mảnh đất lịch sử của Ngành Vận tải.

Để tỏ lòng biết ơn đối với những hy sinh, cống hiến của các thế hệ đi trước và kế thừa, tiếp tục phát huy truyền thống của ngành Giao thông vận tải Đường bộ, căn cứ vào tài liệu lịch sử Giao thông vận tải đường bộ Việt Nam và trên cơ sở tham khảo, xin ý kiến của một số đồng chí nguyên lãnh đạo Tổng cục/Cục Đường bộ Việt Nam qua các thời kỳ, Tập thể Lãnh đạo và Ban chấp hành Đảng ủy Cục Đường bộ Việt Nam đã thống nhất chọn ngày 25/12/1951, là ngày Chủ tịch Hồ Chí Minh ký sắc lệnh số 72/SL thành lập Sở Vận tải thuộc Bộ Giao thông công chính và công bố tại xã Phú Xuyên, huyện Đại Từ, tỉnh Thái Nguyên (nay đã được Bộ GTVT tôn tạo là Khu di tích) để kỷ niệm ngày thành lập, đồng thời là ngày truyền thống của ngành Giao thông vận tải Đường bộ.

Đoàn dâng hương tại Khu di tích lịch sử Quốc gia 27/7: Nơi cội nguồn tri ân

Đoàn dâng hương tại Khu di tích lịch sử Quốc gia 27/7

Ngày 27/7 là ngày lễ lớn của dân tộc ta và nơi khởi nguồn ngày Thương binh - Liệt sĩ 27/7 nhân văn, thiêng liêng đó, Khu di tích lịch sử Quốc gia 27/7 nằm ở tổ dân phố Bàn Cờ, thị trấn Hùng Sơn, huyện Đại Từ, tỉnh Thái Nguyên. 

Các thành viên trong Đoàn dâng hương tại Khu di tích lịch sử Quốc gia 27/7

Giữa khuôn viên rộng mát của Khu di tích lịch sử đặt tảng đá vân mây trắng hình trụ, ghi: “Nơi đây, ngày 27/7/1947, 300 cán bộ, bộ đội và đại diện các tầng lớp Nhân dân địa phương họp mặt nghe công bố thư Bác Hồ, ghi nhận sự ra đời Ngày Thương binh - Liệt sĩ ở nước ta”.

Xuân Nguyên

Tìm theo ngày :

Đánh giá

(Di chuột vào ngôi sao để chọn điểm)