Tuyến đường sắt đô thị số 3, đoạn trên cao Nhổn-Cầu Giấy
đang chạy thử để chuẩn bị đưa vào vận hành thời gian tới
Vừa mới ra mắt vào cuối tháng 8, nhưng dịch vụ xe đạp công cộng tại Hà Nội đã nhanh chóng thu hút nhiều người sử dụng. Chị Nguyễn Thu Huyền, trú tại quận Hoàn Kiếm cho rằng, việc sử dụng xe đạp công cộng rất tiện lợi, vì có thể thuê và trả ở khắp mọi nơi, giá lại rẻ, phù hợp với rất nhiều người dân, cũng như đường sá của Hà Nội. "Từ khi có xe đạp công cộng, tôi thường sử dụng phương tiện này để đi lại hằng ngày. Có những hôm thời tiết thuận lợi, tôi sử dụng cả xe đạp công cộng để đi làm", chị Huyền chia sẻ.
Ông Đỗ Bá Dân, Chủ tịch Hội đồng quản trị Tập đoàn Trí Nam cho biết: "Giai đoạn đầu, doanh nghiệp đưa vào hoạt động 1.000 phương tiện xe, trong đó 500 xe đạp điện và 500 xe đạp cơ tại 79 điểm bố trí tại nhiều khu vực nội thành. Các trạm xe đạp được bố trí tại các điểm dừng xe buýt, công viên, các điểm du lịch, bảo đảm cho người dân tiếp cận dịch vụ thuận lợi".
Tiện ích như vậy, cho nên chỉ sau gần nửa tháng đi vào hoạt động, dịch vụ xe đạp công cộng trên địa bàn Hà Nội đã có hơn 36 nghìn tài khoản mở mới; 25.208 chuyến xe đạp công cộng được vận hành với 163.600 km, tổng số giờ thuê là 25.649 giờ.
Với việc đưa xe đạp vào khai thác, Hà Nội đang từng bước cụ thể hóa mục tiêu "xanh hóa" phương tiện giao thông công cộng. Theo các chuyên gia môi trường, để cải thiện chất lượng không khí một cách bền vững, việc phát triển giao thông xanh là rất cần thiết, nhằm hạn chế thải khí CO2 và các loại khí thải độc hại khác ra môi trường.
Bởi lẽ, giao thông xanh sử dụng năng lượng tái tạo, điện, khí thiên nhiên nén. Việc sử dụng xe đạp, xe máy, ô tô điện, xe chạy bằng khí nén CNG, xe sử dụng năng lượng mặt trời, năng lượng gió... chính là tham gia giao thông xanh, bảo đảm môi trường.
Xác định rõ mục tiêu này, Hà Nội đã tập trung đầu tư và đến nay đã đạt được những kết quả tích cực. Đó là việc đầu tư xây dựng và đưa vào sử dụng tuyến đường sắt đô thị Cát Linh - Hà Đông; 10 tuyến xe buýt điện, 7 tuyến buýt sử dụng xe chạy bằng khí nén CNG.
Mới đây, Tổng công ty Vận tải Hà Nội cũng đã ký kết thỏa thuận hợp tác với một doanh nghiệp của Nga, chuẩn bị cho ra đời nhiều tuyến buýt sạch khác. Cùng với đó, thành phố đã cấp phép hoạt động cho hàng nghìn xe taxi điện; đưa xe đạp, xe đạp điện công cộng vào phục vụ nhu cầu đi lại của người dân tại một số quận nội thành.
Dự kiến vào cuối năm nay, tuyến đường sắt đô thị số 3, đoạn trên cao Nhổn - Cầu Giấy sẽ được đưa vào vận hành, gia tăng tỷ trọng vận tải hành khách công cộng bằng phương tiện xanh.
Theo lãnh đạo Sở Giao thông vận tải, Hà Nội đã đi đúng hướng trên con đường chuyển đổi phương thức vận tải hành khách công cộng. Việc sử dụng phương tiện xanh trong vận tải hành khách công cộng không chỉ góp phần tích cực bảo vệ môi trường, mà còn tạo nên sức hút mạnh mẽ với người dân, dần thay đổi thói quen sử dụng phương tiện giao thông, chuyển từ xe cá nhân sang tàu điện, xe buýt.
Anh Lê Thanh Hải (phường Thụy Khuê, quận Tây Hồ) cho rằng: "Tàu điện có lợi thế chạy rất nhanh, xe buýt, ta-xi điện thì vẫn bị ảnh hưởng ít nhiều bởi tắc đường. Nhưng điểm chung của các loại phương tiện này là sạch sẽ, văn minh, tạo cảm giác dễ chịu hơn hẳn xe chạy bằng xăng, dầu, cho nên được hành khách ưa chuộng hơn hẳn. Bản thân tôi cũng đã chuyển sang đi xe buýt từ khi có xe buýt điện".
Chưa kể xe buýt điện, taxi và xe đạp điện công cộng khi kết nối với đường sắt đô thị sẽ phát huy hiệu quả hơn, thuận tiện và hiện đại hơn rất nhiều. Các loại hình vận tải hành khách công cộng sử dụng nhiên liệu sạch không chỉ bổ trợ cho nhau về tính kết nối, vận chuyển mà còn đang cùng góp phần hình thành một hệ sinh thái của giao thông xanh.
Theo nhiều chuyên gia, để xây dựng Hà Nội trở thành một đô thị văn minh, hiện đại, nơi đáng sống với mạng lưới giao thông xanh, nguồn lực đầu tiên cần đến là chính sách. Trong đó, các vấn đề như hạn chế xe cá nhân, đầu tư cho vận tải hành khách công cộng; phát triển xe chạy bằng nhiên liệu sạch; phổ biến xe đạp hay khuyến khích người dân đi bộ đều cần có chính sách rõ ràng, cụ thể và phù hợp.
Thành phố cần tăng thêm nhiều ưu đãi để thúc đẩy các doanh nghiệp kinh doanh vận tải hành khách công cộng sử dụng phương tiện chạy bằng khí thiên nhiên, điện. Bên cạnh đó, thành phố cần có thêm nhiều chính sách thu hút nguồn lực xã hội đầu tư cho đường sắt đô thị và các loại hình phương tiện xanh khác. Có như vậy, vận tải hành khách công cộng mới thật sự hút khách và hiện thực hóa mục tiêu xây dựng giao thông xanh cho Thủ đô.