Sinh viên Khoa Công nghệ ô tô, Trường Cao đẳng Đại Việt Sài Gòn
trong giờ thực hành. Ảnh: Mạnh Tùng
Tuy nhiên, sinh viên công nghệ, kỹ thuật ngành này chưa đáp ứng được nhu cầu của doanh nghiệp do công tác đào tạo chưa theo kịp thời đại.
Công nghệ ô tô phát triển vũ bão
PGS.TS Đỗ Văn Dũng - Phó Chủ tịch Hội Ô tô - Máy động lực TPHCM cho biết, cuộc cách mạng công nghiệp lần thứ tư ảnh hưởng mạnh mẽ đến công nghiệp ô tô với nhiều thay đổi lớn về ứng dụng công nghệ, chuỗi giá trị cung ứng, sản xuất và kinh doanh.
Dựa trên nền tảng của công nghệ trí tuệ nhân tạo (AI) và xe điện (EV), các dòng ô tô thông minh chạy điện là định hướng chiến lược cho sự phát triển của ngành công nghiệp ô tô toàn cầu, bao gồm cả Việt Nam. Nhiều công ty đã đẩy nhanh tiến độ đổi mới và phát triển ô tô thông minh, đồng thời đề xuất một hệ thống đổi mới công nghệ, hệ sinh thái đi kèm. Theo đó, cơ sở hạ tầng, quy định và tiêu chuẩn, giám sát sản phẩm và an ninh mạng cho ô tô thông minh sẽ được áp dụng vào vài năm tới.
Theo ông Đỗ Văn Dũng, sự phát triển nhanh chóng của ô tô điện trong những năm gần đây xuất phát từ nhiều lý do. Đó là thành quả của tiến bộ trong công nghệ pin, giúp cải thiện mật độ năng lượng và quy trình sản xuất, giúp cung cấp phạm vi lái xe dài hơn, trong khi thời gian sạc nhanh hơn.
Sau sự kiện COP26 (Hội nghị lần thứ 26 các bên tham gia Công ước Khung của Liên Hợp Quốc về biến đổi khí hậu - PV), chính phủ các nước, người tiêu dùng có xu hướng tìm kiếm các lựa chọn giao thông sạch, thúc đẩy nhu cầu về xe điện. Nhiều nước đã thực hiện các chính sách ưu đãi để thúc đẩy việc áp dụng xe điện, như tín dụng thuế, giảm giá và mục tiêu phát thải.
Những chính sách này khuyến khích các nhà sản xuất đầu tư vào phát triển xe điện. Thêm vào đó, giá pin giảm đã làm giảm giá xe điện khiến chúng dễ tiếp cận hơn với nhiều người tiêu dùng. Nhiều nước đã đầu tư vào mạng lưới sạc đã làm giảm bớt lo lắng của người lái khi đi đường xa.
PGS.TS Đỗ Văn Dũng cho rằng, sự phát triển mạnh mẽ của xe điện, ứng dụng rộng rãi AI, EV và các phần mềm trong ô tô đã trở thành một hướng phát triển chủ đạo trong ngành công nghiệp ô tô trong thời gian vừa qua. Điều này đặt ra yêu cầu cao hơn với các sinh viên tốt nghiệp ngành công nghệ kỹ thuật ô tô. Dưới nền tảng của AI, EV, các công ty đưa ra những yêu cầu mới về khả năng và chất lượng đào tạo của sinh viên ngành này.
“Do công nghệ phát triển quá nhanh nên hiện có một khoảng cách lớn giữa chuẩn đầu ra của sinh viên tốt nghiệp và yêu cầu của các doanh nghiệp. Các trường đại học cần phải nhanh chóng cải cách và cải tiến mô hình đào tạo hiện tại”, PGS.TS Đỗ Văn Dũng đề xuất.
Sinh viên Khoa Cơ khí động lực, Trường Đại học Sư phạm Kỹ thuật TPHCM
trong giờ thực hành ở xưởng ô tô. Ảnh: Mạnh Tùng
Đào tạo phải thay đổi
Tại Hội thảo khoa học “Xu hướng ứng dụng công nghệ cao cho công nghiệp ô tô trong bối cảnh cách mạng công nghiệp lần thứ 4” do Trường Đại học Nam Cần Thơ tổ chức hôm 3/11, các chuyên gia đề xuất cải cách công tác đào tạo ngành ô tô với 4 nội dung chính, gồm: Thiết kế lại chương trình đào tạo; xây dựng đội ngũ giảng viên; liên kết giữa nhà trường và doanh nghiệp; tăng cường đào tạo hướng cá nhân hóa sinh viên.
Tham luận của nhóm tác giả Nguyễn Văn Cương, Nguyễn Quan Thanh, Nguyễn Hữu Cường, Đinh Ngọc Bảo Toàn đến từ Khoa Kỹ thuật cơ khí, Trường Bách khoa (Trường Đại học Cần Thơ) cho thấy, một kỹ sư ô tô trong tương lai phải có được những kiến thức, kỹ năng và thái độ thích ứng được với điều kiện làm việc trong thời đại công nghiệp 4.0.
Những kỹ năng, kiến thức này gồm: Chuyên môn về ô tô vững vàng; tiếng Anh chuyên ngành tốt; sử dụng máy tính và công nghệ 4.0; sử dụng công cụ chẩn đoán; giao tiếp hiệu quả, kết nối cộng đồng; tiếp cận công nghệ mới…
Mới đây, tại Hội thảo “Đào tạo ngành công nghệ kỹ thuật ô tô: Thay đổi để bắt kịp xu thế phát triển” diễn ra tại Trường Đại học Sư phạm Kỹ thuật TPHCM, TS Võ Trọng Cang (Trường Đại học Bình Dương) đưa ra một số giải pháp đào tạo ngành công nghệ kỹ thuật ô tô phù hợp với xu thế phát triển.
Theo đó, chương trình học cần liên tục cập nhật để phản ánh những tiến bộ mới nhất trong công nghệ ô tô, bao gồm các hệ thống tự lái, xe điện, xe tự hành, và các công nghệ liên quan đến bền vững và tiết kiệm năng lượng. Chương trình cần chú trọng nội dung về bền vững và tiết kiệm năng lượng bởi đây là xu hướng chung của thời đại.
Công tác đào tạo công nghệ kỹ thuật ô tô cũng cần chú trọng vào các khía cạnh liên quan đến công nghệ số như phần mềm điều khiển, quản lý dữ liệu, kết nối mạng và trí tuệ nhân tạo trong xe ô tô. Sinh viên cần được trang bị kiến thức về lập trình, xử lý dữ liệu và các ứng dụng trí tuệ nhân tạo. Ngoài ra, xu thế phát triển ô tô đang ngày càng tích hợp nhiều lĩnh vực khác nhau như điện tử, cơ khí, điện và phần mềm. Do đó, cần khuyến khích sinh viên học tập đa ngành để có cái nhìn toàn diện và khả năng làm việc đa dạng trong ngành.
Cũng theo TS Võ Trọng Cang, nhà trường cần hướng dẫn thực tế và thực hành, hợp tác với các công ty ô tô và doanh nghiệp liên quan để cung cấp cơ hội thực tập, dự án thực tế cho sinh viên.
Theo nghiên cứu của PGS.TS Đỗ Văn Dũng, hệ thống đào tạo về AI và EV trong lĩnh vực ô tô ở nhiều nước, ngay cả các nước có nền công nghiệp ô tô mạnh, vẫn còn tụt hậu. Đặc biệt, có sự thiếu hụt trầm trọng nhân lực có khả năng áp dụng công nghệ AI và EV vào kỹ thuật ô tô.
Theo báo cáo phát triển nhân lực phương tiện kết nối thông minh Trung Quốc, tính đến cuối năm 2018, tổng số chuyên gia tham gia vào phương tiện kết nối thông minh và xe tự hành khoảng 12.000 trong số 91 công ty tham gia trong cuộc khảo sát. Tổng số nhân lực liên ngành ước tính dưới 20.000.
Trong số 91 công ty, tỷ lệ thiếu kỹ sư R&D công nghệ lái xe thông minh là 25%; kỹ sư các lĩnh vực R&D hệ thống ADAS (hệ thống hỗ trợ lái xe nâng cao), bảo mật hệ thống và phân tích dữ liệu lớn cũng thiếu hụt.