Bộ GTVT sẽ tăng cường thanh tra, kiểm tra, giám sát đối với hoạt động quản lý,
vận hành khai thác, bảo trì và bảo vệ hạ tầng giao thông vùng Tây Nguyên (Ảnh minh họa).
Đây là nội dung quan trọng trong kế hoạch quản lý, vận hành khai thác, bảo trì và bảo vệ kết cấu hạ tầng giao thông nhằm góp phần phát triển kinh tế - xã hội và bảo đảm quốc phòng, an ninh vùng Tây Nguyên đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2045 vừa được Bộ GTVT ban hành.
Kế hoạch của Bộ GTVT nhằm khai thác có hiệu quả kết cấu hạ tầng giao thông các tỉnh vùng Tây Nguyên gồm 5 tỉnh: Kon Tum, Gia Lai, Đắk Lắk, Đắk Nông và Lâm Đồng, đảm bảo ATGT.
Để đạt được mục tiêu này, Bộ GTVT tiếp tục hoàn thiện hệ thống văn bản quy phạm pháp luật, tạo môi trường pháp lý đầy đủ, phù hợp với điều kiện thực tiễn; đẩy mạnh cải cách thủ tục hành chính. Thể chế hóa các giải pháp về phân cấp, phân quyền trong quản lý, vận hành khai thác, bảo trì; huy động, sử dụng nguồn lực ở trung ương và địa phương, tạo điều kiện thuận lợi để các địa phương cùng đầu tư ngân sách vào các hạ tầng giao thông dùng chung, hạ tầng giao thông kết nối các phương thức vận tải và kết nối liên vùng.
Để nâng cao chất lượng, hiệu quả công tác quản lý, vận hành khai thác, bảo trì và bảo vệ hạ tầng giao thông vùng Tây Nguyên, Bộ GTVT sẽ tăng cường kiểm tra, giám sát, kịp thời phát hiện, xử lý hoặc lập kế hoạch xử lý các hư hỏng. Bên cạnh đó, nâng cao chất lượng bảo dưỡng thường xuyên, đẩy nhanh tiến độ công tác sửa chữa định kỳ, đảm bảo chất lượng công trình.
Xác định thứ tự ưu tiên, bảo trì trọng tâm, trọng điểm, tập trung ưu tiên bảo trì tại những điểm nghẽn trên đường bộ: Điểm đen, điểm tiềm ẩn nguy cơ gây mất ATGT, cầu yếu hạn chế tải trọng, cầu hẹp trên quốc lộ huyết mạch kết nối các vùng kinh tế trọng điểm, sửa chữa các đoạn hư hỏng, khắc phục sự cố do thiên tai gây ra trên quốc lộ. Đối với hàng không là các đường lăn, đường cất hạ cánh đảm bảo an toàn bay.
Đẩy mạnh cơ giới hóa trong công tác bảo trì, ứng dụng các công nghệ tiên tiến, sử dụng các loại vật liệu mới, vật liệu thay thế thân thiện môi trường, đẩy mạnh nghiên cứu, ứng dụng tái sử dụng vật liệu trong công tác bảo trì; tổ chức đấu thầu công tác bảo trì đảm bảo tính minh bạch, nâng cao chất lượng và hiệu quả vận hành khai thác.
Chủ động rà soát, xây dựng dự báo nhu cầu nguồn vốn cho công tác bảo trì trong xây dựng dự toán chi hàng năm, báo cáo Chính phủ xem xét bố trí đủ nguồn vốn đáp ứng với yêu cầu thực tiễn.
Về công nghệ, Bộ GTVT cũng tăng cường ứng dụng công nghệ thông tin, xây dựng, hoàn thiện hệ thống cơ sở dữ liệu về hạ tầng giao thông và các phần mềm ứng dụng công nghệ thông tin phục vụ quản lý, vận hành khai thác, bảo trì và bảo vệ hạ tầng giao thông đảm bảo đồng bộ, thống nhất, kết nối chia sẻ dữ liệu giữa các cơ quan quản lý nhà nước và các đơn vị vận hành khai thác
Hoàn thiện và đổi mới mô hình quản lý, vận hành khai thác và bảo trì theo hướng ứng dụng mạnh mẽ khoa học công nghệ và trí tuệ nhân tạo (AI) để dự báo, phát hiện các hư hỏng công trình; tổ chức triển khai ứng dụng BIM cho các cơquan, đơn vị thực hiện quản lý, vận hành khai thác, bảo trì, các nhà đầu tư khai thác đường bộ.
Triển khai có hiệu quả các nhiệm vụ, giải pháp nêu tại đề án xây dựng và quản lý, vận hành khai thác, bảo trì và bảo vệ hệ thống kết cấu hạ tầng giao thông đáp ứng yêu cầu của cuộc Cách mạng công nghiệp lần thứ tư đã được Thủ tướng Chính phủ phê duyệt.