PGS, TS Vũ Anh Tuấn - Giám đốc Trung tâm Nghiên cứu GTVT, Trường Đại học Việt Đức
cho rằng, giao thông thông minh sẽ tập trung vào các giải pháp CNTT và chuyển đổi năng lượng
PGS.TS Vũ Anh Tuấn, Giám đốc Trung tâm Nghiên cứu Giao thông vận tải, Trường đại học Việt Đức cho rằng, cuộc cách mạng công nghiệp 4.0 đã mang đến nhiều đổi mới, tuy nhiên nó cũng tác động nhiều đến hệ thống giao thông trên khắp thế giới và Việt Nam, đặc biệt là biến đổi khí hậu, sức khỏe con người.
Trong đó, phương tiện động cơ đốt trong đã gây biến đổi khí hậu trên toàn cầu, bụi mịn thải ra hằng ngày đã gây ra những "cái chết thầm lặng" tác động nhất định đến sức khoẻ người dân.
Xe buýt điện hoạt động tại Thành phố Hồ Chí Minh bảo vệ môi trường do hạn chế phát thải.
Vì vậy, trong thời đại giao thông thông minh, sử dụng chung phương tiện và kết nối phương tiện là vấn đề cốt lõi, giúp bảo vệ môi trường, giảm ùn tắc giao thông, bảo vệ sức khoẻ người dân. Mỗi xe ô-tô sẽ là trung tâm dữ liệu nhỏ để kết nối với đèn tín hiệu trên đường, phương tiện kết nối với phương tiện, người đi bộ hay trong tương lai khi ngồi trên xe ô-tô chúng ra không cần phải tham gia cuộc họp trực tiếp mà hoàn toàn là trực tuyến.
“Lúc này, giao thông thông minh sẽ tập trung vào các giải pháp công nghệ thông tin và chuyển đổi năng lượng để thúc đẩy các hệ thống giao thông xanh, bền vững và thông minh. Con người sẽ là trung tâm trong giao thông thông minh.
Tuy nhiên, khi xuất hiện một giải pháp, hệ thống mới cần được ứng dụng rộng rãi, được xã hội chấp nhận với các khung pháp lý, quy hoạch đô thị phù hợp và hỗ trợ giải pháp giao thông thông minh”, ông Tuấn nhấn mạnh.
Khi thực hiện Giao thông thông minh cũng đòi hỏi các công tác quy hoạch và quản lý phát triển đô thị, hạ tầng giao thông, hạ tầng liên quan phải có sự thay đổi để tạo nền tảng phát triển giao thông thông minh. Giao thông thông minh cũng sẽ tạo ra những thay đổi lớn trong quy hoạch đô thị và vùng.
Ông Richard Liu, Giám đốc Partner Ecosystem Development & MKT đã chia sẻ với Tọa đàm về 10 xu hướng mạng lưới trạm sạc thông minh trên thế giới trong năm 2024, như là bước tiến để biến ước mơ công nghệ sạc nhanh trở thành hiện thực ở các đô thị và trên toàn quốc.
Trong đó, hạ tầng trạm sạc phát triển là điều kiện nền tảng thúc đẩy sở hữu và sử dụng phương tiện điện hướng tới mục tiêu đến 2040 toàn bộ phương tiện cơ giới ở Việt Nam là phương tiện điện.
Mạng lưới hạ tầng trạm sạc thông minh cũng là cơ sở nền móng cho phát triển giao thông thông minh, sử dụng năng lượng hiệu quả.
Theo TS Hà Thúc Viên, Phó Hiệu trưởng Trường Đại học Việt Đức: "Đô thị hóa và tăng trưởng kinh tế làm gia tăng nhanh chóng số lượng phương tiện cơ giới cá nhân sử dụng động cơ đốt trong với nhiên liệu hoá thạch.
Trong điều kiện cơ sở hạ tầng hạn chế và giao thông công cộng chậm phát triển, điều này gây ra các vấn nạn như ùn tắc giao thông, tai nạn giao thông, ô nhiễm môi trường và an ninh năng lượng. Đồng thời, các hiện tượng biến đổi khí hậu như mưa lớn, triều cường dâng cao gây ngập đô thị càng làm trầm trọng hơn các vấn nạn".
TS Viên chia sẻ, để giải quyết căn cơ các thách thức, song song với tiếp tục phát triển cơ sở hạ tầng và cải thiện giao thông công cộng, các thành phố đang đứng trước một cơ hội rất lớn trong cách tiếp giải quyết vấn đề hướng tới giao thông bền vững và bảo vệ môi trường.
Đó là, cuộc cách mạng công nghệ (Công nghiệp 4.0) trong điện khí hóa phương tiện, tự động hóa điều khiển phương tiện, phương tiện kết nối vạn vật và chia sẻ phương tiện.
Cuộc cách mạng này đang làm thay đổi toàn diện và sâu sắc các hoạt động giao thông vận tải trên khắp Thế giới và tại Việt Nam-đó là xu hướng lớn Smart Mobility (Giao thông thông minh).
Xu hướng Giao thông thông minh cũng yêu cầu phải đào tạo ra các thế hệ kỹ sư giao thông “mới” có kiến thức và kỹ năng đa lĩnh vực công nghệ để làm việc cho các doanh nghiệp, cơ quan quản lý và các tổ chức có liên quan đến giao thông vận tải, logistics...
Theo Báo Nhân Dân