TP. Hồ Chí Minh: Xe buýt vẫn là số một

Thứ tư, 07/12/2011 07:45 GMT+7
Với tiến độ thực hiện các tuyến metro, xe điện mặt đất như hiện nay, TP. Hồ Chí Minh xác định đến năm 2020, xe buýt vẫn là phương tiện chủ đạo trong vận tải công cộng của thành phố.

Với tiến độ thực hiện các tuyến metro, xe điện mặt đất như hiện nay, TP. Hồ Chí Minh xác định đến năm 2020, xe buýt vẫn là phương tiện chủ đạo trong vận tải công cộng của TP.

Theo Phó Chủ tịch UBND TP. Hồ Chí Minh Nguyễn Hữu Tín sau 3 năm nghiên cứu và thành lập, “Đề án quy hoạch phát triển vận tải hành khách công cộng TP. Hồ Chí Minh đến năm 2025” sẽ sớm được phê duyệt trong năm 2011 để triển khai thực hiện theo từng giai đoạn 5 năm.

Xây dựng mạng lưới tuyến thuận lợi nhất

Theo phân tích của Sở GTVT TP. Hồ Chí Minh với tiến độ thực hiện các tuyến metro, xe điện mặt đất như hiện nay thì đến năm 2020, TP chỉ có thể có 3 tuyến tàu điện ngầm (tuyến số 1, 2 và 5) và một tuyến tàu điện mặt đất đi vào hoạt động. Như vậy, xe buýt vẫn là phương tiện chủ đạo trong vận tải công cộng của TP, do đó, đề án trên sẽ được triển khai ngay sau khi TP phê duyệt. Theo ông Dương Hồng Thanh, Phó Giám đốc Sở GTVT TP, trong tuần sau, Sở GTVT sẽ trình UBND TP đề án chỉnh sửa, bổ sung một số nội dung để cụ thể hóa chi tiết trong từng giai đoạn thực hiện (mỗi giai đoạn là 5 năm).

Nhóm nghiên cứu quy hoạch tổng thể và nghiên cứu khả thi về GTVT đô thị khu vực TP. Hồ Chí Minh (HOUTRANS) đưa ra các kịch bản dự báo về nhu cầu và sản lượng vận tải hành khách công cộng trên địa bàn TP trong giai đoạn 2010-2025. Theo đó, đến năm 2015, tổng sản lượng vận tải hành khách công cộng đạt 5,6 triệu chuyến/ngày, đến năm 2020 và 2025, tổng sản lượng lần lượt là 9 triệu chuyến/ngày và 13,78 triệu chuyến/ngày, đáp ứng 25% nhu cầu đi lại của người dân.

Để thuận tiện cho người sử dụng, mạng lưới tuyến sẽ được phân cấp thành 4 hình thức: Tuyến xe buýt trọng yếu gồm các tuyến đường sắt đô thị và tuyến xe buýt khối lượng lớn; tuyến xe buýt cấp I  là xe buýt B80 (80 chỗ đứng và ngồi), kế đến là tuyến xe buýt cấp II và III với số chỗ ít hơn. Ngoài ra, có 24 tuyến xe buýt chạy trên 24 hành lang trục chính bên cạnh hệ thống tuyến hiện tại.

Cần nhiều chính sách ưu đãi

Phó Chủ tịch Nguyễn Hữu Tín yêu cầu Sở GTVT và các sở, ngành liên quan phải nhanh chóng thành lập cơ quan điều hành giao thông công cộng quản lý tất cả các phương tiện như metro, monorail, xe buýt… Để khuyến khích người dân tham gia phương tiện vận tải công cộng, TP sẽ chú trọng hiện đại hóa hệ thống điều hành xe buýt, ứng dụng công nghệ cao như thẻ thông minh liên kết tất cả các phương tiện sao cho thật tiện ích để người dân dễ sử dụng. Sở GTVT cần sớm triển khai quy hoạch mạng lưới taxi, theo dạng tỉ lệ nghịch với xe buýt.

Ông Thanh cho rằng đề án được triển khai khá công phu và mất 3 năm thai nghén, tuy nhiên, trong quá trình thực hiện vẫn gặp một số khó khăn. Lý do chính sách ưu đãi cho ngành xe buýt vẫn chưa cao, đường ưu tiên, đường dành riêng cho xe buýt dù được đề xuất nhiều lần nhưng chưa thể triển khai. Do đó, để phát triển mạnh phương tiện vận tải hành khách công cộng, Sở GTVT kiến nghị TP tiếp tục ủng hộ mạnh mẽ bằng các chính sách ưu tiên cần được duy trì liên tục như trợ giá, nghiên cứu các tuyến đường ưu tiên, đầu tư phát triển xe buýt sạch, thân thiện môi trường.

Cũng theo ông Thanh, TP cần sớm đưa ra chủ trương định hướng phát triển các lực lượng vận tải hành khách công cộng trên địa bàn TP theo hướng doanh nghiệp Nhà nước vận hành các tuyến đường sắt đô thị, các tuyến xe buýt cấp I và một số tuyến xe buýt cấp II; các doanh nghiệp xã hội hóa vận hành các tuyến cấp II, cấp III và hoạt động vận tải công cộng sức chứa nhỏ. Việc quản lý theo mô hình này sẽ giúp Nhà nước quản lý dễ dàng và hoạt động hiệu quả hơn.

Theo Người lao động

Tìm theo ngày :

Đánh giá

(Di chuột vào ngôi sao để chọn điểm)