Nhiên liệu cho ôtô từ không khí xung quanh(Thứ ba, 24/08/2010 00:00 GMT+7)
Các nhà nghiên cứu người Anh đang tiến hành một dự án trị giá 1,4 triệu Bảng nhằm thu CO2 từ không khí và biến nó thành nhiên liệu cho ôtô. Dự án này do các nhà nghiên cứu trường Đại học Bath phối hợp với các nhà nghiên cứu trường Đại học Bristol và Đại học UWE (University of the West of England) tiến hành.
Các nhà nghiên cứu người Anh đang tiến hành một dự án trị giá 1,4 triệu Bảng nhằm thu CO2 từ không khí và biến nó thành nhiên liệu cho ôtô. Dự án này do các nhà nghiên cứu trường Đại học Bath phối hợp với các nhà nghiên cứu trường Đại học Bristol và Đại học UWE (University of the West of England) tiến hành.
Dự án nhằm thiết kế các vật liệu xốp có khả năng hấp thu khí CO2 và chuyển nó thành các sản phẩm hoá học có thể được sử dụng để tạo ra nhiên liệu ôtô, tạo ra điện hoặc hydro. Toàn bộ quy trình này vận hành nhờ được cung cấp năng lượng mặt trời. Cụ thể trong dự án này, các nhà nghiên cứu sẽ phát triển các vật liệu kim loại-hữu cơ, là dạng vật liệu nano xốp có khả năng hấp thu khí như CO2. Ngoài ra họ còn sử dụng các chất xúc tác để tạo ra nhiên liệu. Họ hy vọng rằng trong tương lai các vật liệu xốp sẽ được sử dụng trong các ống khói của nhà máy để thu hồi các chất gây ô nhiễm như CO2, và như vậy giúp giảm hậu quả của biến đổi khí hậu.
TS. Frank Marken, chuyên gia hoá học tại Đại học Bath, nói: “Các phương pháp hiện nay dựa trên những công nghệ riêng biệt để thu và sử dụng CO2, điều này làm cho quy trình không hiệu quả. Chỉ khi phối hợp được các quy trình thì mới có thể cải thiện được hiệu quả và giảm tối đa năng lượng cần thiết, từ đó giảm lượng khí thải CO2. Việc sử dụng năng lượng tái tạo để tái sử dụng CO2 sẽ là một biện pháp hiệu quả nhằm giảm lượng CO2 trong không khí”.
TS. David Fermin, trường Đại học Bristol cho biết, hiện nay trên thế giới vẫn chưa có công nghệ thu và xử lý CO2 từ không khí ở quy mô lớn, do CO2 bị pha loãng hơn trong khí quyển và hoạt động hoá học của nó là rất yếu. Bằng cách tạo ra một loại vật liệu “thông minh”, các nhà nghiên cứu hy vọng sẽ phát triển được một công nghệ xanh.
Theo bulletins-electroniques