Giải pháp ứng phó với biến đổi khí hậu trong lĩnh vực hàng không(Thứ tư, 13/04/2011 10:31 GMT+7)
Khí thải từ tàu bay có tác động lớn đến môi trường. Giao thông hàng không và các hoạt động của phương tiện mặt đất tại các sân bay lớn có thể gây ra ô nhiễm ở mức độ cao như trong trung tâm thành phố. Hoạt động của ngành công nghiệp này đã và đang có yếu tố ảnh hưởng tới khí quyển theo chiều hướng không tốt và cũng bị sự biến đổi khí hậu tác động ngược trở lại.
Khí thải từ tàu bay có tác động lớn đến môi trường. Giao thông hàng không và các hoạt động của phương tiện mặt đất tại các sân bay lớn có thể gây ra ô nhiễm ở mức độ cao như trong trung tâm thành phố. Hoạt động của ngành công nghiệp này đã và đang có yếu tố ảnh hưởng tới khí quyển theo chiều hướng không tốt và cũng bị sự biến đổi khí hậu tác động ngược trở lại.
Tác động hai chiều
Khí thải của ngành hàng không tác động đến khí hậu theo nhiều cách. Đó là việc thải trực tiếp khí nhà kính, đáng kể là đioxit carbon (CO2) và hơi nước (H2O); Tác động gián tiếp đến khí nhà kính: Phát thải ra các hạt aerosol, là những hạt nhỏ bay lơ lửng trong không khí, có thể ảnh hưởng tiềm tàng đến khí hậu là yếu tố gây nên sự thay đổi nhiệt độ của bề mặt trái đất.
Người ta dự đoán rằng số người đi lại bằng đường hàng không sẽ tăng gấp đôi trong vòng 15 năm tới. Điều này có nghĩa là công suất của các sân bay ngày càng tăng, nhiều chuyến bay hơn, ô nhiễm nhiều hơn và vùng trời ngày càng trở nên đông đúc.
Ngành công nghiệp hàng không tác động không tốt đến môi trường và chính nó cũng đang bị sự biến đổi khí hậu gây ảnh hưởng nặng nề. Theo Tổ chức Hàng không dân dụng quốc tế (ICAO), gần 20% các vụ tai nạn hàng không có liên quan đến vấn đề thời tiết và chiếm 8% tỉ lệ tử vong. Các hiện tượng thời tiết như mưa, gió, mưa đá, bão, sấm, chớp... đều là những thử thách đối với an toàn bay.
ICAO cũng nhấn mạnh rằng, các vụ tai nạn và những vụ việc nghiêm trọng gần đây đã nêu lên tác động tiềm tàng của hiện tượng khí hậu cực đoan đến an toàn bay. ICAO kêu gọi phải tập hợp các ý kiến chuyên gia để trả lời hàng loạt câu hỏi liên quan đến vấn đề liệu cộng đồng hàng không quốc tế có kế hoạch để thích ứng với môi trường khí hậu mới có hay không cần đưa ra thêm biện pháp giảm nhẹ nào liên quan đến vấn đề an toàn do tác động của biến đổi khí hậu bao gồm các hiện tượng thời tiết cực đoan không.
Các giải pháp giảm thiểu
Nhiệm vụ khó khăn và khẩn cấp của ngành hàng không hiện nay là đạt được sự cân bằng giữa hai yêu cầu: giảm thiểu lượng carbon trong khi vẫn đạt được sự tăng trưởng của mình. Trong cuộc họp lần thứ 37 của Hội đồng ICAO được tổ chức tháng 9/2010 tại Montreal, Canađa vừa qua, thỏa thuận toàn cầu đầu tiên giữa các chính phủ để ổn định lượng khí thải carbon đã được ký kết chính thức.
Quá trình tiến tới một ngành hàng không xanh hơn đã đạt được một số thành tựu và người ta đang tiếp tục nghiên cứu để phát triển các công nghệ. Pin nhiên liệu tiên tiến và công nghệ hyđrô hứa hẹn sẽ giảm bớt khí thải CO2. Ngành hàng không cũng không thể tránh khỏi sự phụ thuộc vào nhiên liệu hóa thạch, bởi vậy muốn tăng hiệu quả nhiên liệu của máy bay là phải giảm trọng lượng và cải thiện khí động lực học, thiết kế động cơ của máy bay và phát triển động cơ tiết kiệm nhiên liệu.
Airbus là công ty máy bay lớn đầu tiên nhận được chứng chỉ ISO 14001. Với dự án máy bay có thể tái chế, Airbus đang hướng tới chỉ tiêu 85% vật liệu của một máy bay có thể tái chế. Họ cũng đã đặt ra mục tiêu năm 2020 giảm 50% lượng phát thải CO2 và 80% lượng NOx. Để đạt được các mục tiêu trên, Airbus đã tiến hành các thử nghiệm với nhiên liệu thay thế trên máy bay A380 và đang tập trung sâu vào nhiên liệu sinh học. Hiện A380 là loại máy bay thương mại rộng rãi nhất, tiết kiệm nhiên liệu nhất và gây tiếng ồn ít nhất.
Việc phát triển công nghệ khung và động cơ máy bay, giảm trọng lượng thông qua việc sử dụng cấu trúc composite tiên tiến, giảm sức kéo, đặc biệt bằng việc ứng dụng công nghệ kiểm soát laminar flow, hứa hẹn giảm được nhiên liệu đốt cho ngành hàng không trong tầm nhìn dài hạn.
Bên cạnh đó, các phương pháp sử dụng nhiên liệu thay thế và nhiên liệu tái tạo cho ngành hàng không dân dụng đã được nhiều nước nghiên cứu, nhằm mục tiêu cả về lợi ích về mặt môi trường và vấn đề an ninh năng lượng. Nghiên cứu về tiềm năng cho nguồn năng lượng tái tạo trong ngành hàng không (PRESAV, 2003) đã chỉ ra rằng dầu diezen sinh học, hyđro hóa lỏng (H2) từ dầu lửa tổng hợp có thể phù hợp cho ngành hàng không.
Không chỉ với tàu bay mà ngay cả các phương tiện mặt đất hoạt động trong khu vực sân bay cũng cần hướng đến việc giảm phát thải, sử dụng năng lượng tiết kiệm và hiệu quả. Như vậy, đã đến lúc các nhà khoa học về khí quyển, nhà sản xuất máy bay, nhà quản lý không lưu phải hợp tác chặt chẽ hơn để giảm thiểu tác động của ngành hàng không đến khí hậu.
Thangnd (theo giaothongvantai)