Thứ sáu, ngày 24/01/2025

Nam Định: Tập trung kiểm soát, xử lý xe quá khổ, quá tải

Thứ hai, 05/05/2014 15:03 GMT+7
Thực hiện chỉ đạo của Chính phủ về việc kiểm tra, kiểm soát xe quá khổ, quá tải, thời gian qua, các ngành chức năng của tỉnh Nam Định đã quyết liệt “vào cuộc”, là 1 trong 7 địa phương trên toàn quốc được Chính phủ biểu dương tại hội nghị sơ kết nửa tháng triển khai.

Thực hiện chỉ đạo của Chính phủ về việc kiểm tra, kiểm soát xe quá khổ, quá tải, thời gian qua, các ngành chức năng của tỉnh Nam Định đã quyết liệt “vào cuộc”, là 1 trong 7 địa phương trên toàn quốc được Chính phủ biểu dương tại hội nghị sơ kết nửa tháng triển khai.

Theo tổng hợp của Sở GTVT, từ ngày 21/3 đến ngày 20/4, số xe vi phạm giảm mạnh. Kết quả kiểm tra tại Trạm cân lưu động cho thấy phần lớn các xe đã tự giác chấp hành chở hàng đúng tải. Các lực lượng chức năng đã kiểm tra 127 xe; trong đó có 106 xe không vi phạm sau cân, 21 xe vi phạm bị xử lý với tổng số tiền phạt là 94 triệu 650 nghìn đồng. Qua kiểm tra cơ động bằng cân xách tay, lực lượng CSGT, Thanh tra giao thông đã phát hiện 46 xe vi phạm bị xử lý, buộc phải hạ tải 284 tấn hàng hóa với tổng số tiền phạt là 211,5 triệu đồng; tước GPLX 42 trường hợp. Đạt được những kết quả trên, UBND tỉnh, các ngành chức năng và đội ngũ cán bộ thực thi công vụ đã tập trung thực hiện tốt từ khâu chỉ đạo, thực hiện nhiệm vụ. Lực lượng làm nhiệm vụ kiểm soát tải trọng xe đã chủ động phối hợp với các cơ quan thông tin đại chúng đẩy mạnh tuyên truyền để các doanh nghiệp vận tải, các chủ xe, lái xe biết, chấp hành sự kiểm tra, kiểm soát. Ngày 18/3/2014, Sở GTVT đã rà soát danh sách thống kê của Bộ GTVT về các chủ phương tiện có xe ô tô sản xuất, nhập khẩu hoặc cải tạo có thể tích thùng lớn trước thời điểm Thông tư 32/2012/TT-BGTVT và Thông tư 29/2012/TT-BGTVT có hiệu lực; có văn bản đề nghị các huyện, thành phố yêu cầu các chủ phương tiện có tên trong danh sách theo địa bàn quản lý ký cam kết chấp hành quy định tải trọng gửi về Phòng Quản lý vận tải, phương tiện người lái (Sở GTVT) và Phòng CSGT đường bộ, đường sắt (Công an tỉnh) trước ngày 31/3/2014. Nếu vi phạm và bị xử phạt sau 2 lần sẽ phải tự hoán cải thùng hàng, xi-téc bảo đảm thể tích phù hợp quy định của Thông tư 32. Lực lượng kiểm tra liên ngành đã sắp xếp, bố trí nhân lực phù hợp, bảo đảm đủ quân số làm việc 3 ca/ngày (24/24giờ) vào tất cả các ngày trong tuần. Đặc biệt, lực lượng cán bộ của hai ngành Công an và GTVT đã thường xuyên trao đổi thông tin, phối hợp chặt chẽ và chủ động giải quyết các vướng mắc theo thẩm quyền, không để xảy ra sai phạm, tiêu cực.

Tuy nhiên, trên thực tế công tác kiểm soát xe quá khổ, quá tải tiếp tục phát sinh một số khó khăn, vướng mắc như: Một số xe đã tìm cách trốn tránh bằng cách đỗ tại các cây xăng dầu, các hàng ăn tại khu vực cách xa địa điểm kiểm tra hoặc đi vòng, tránh né hoạt động kiểm soát của lực lượng chức năng. Một số lái, phụ xe khi bị các lực lượng chức năng xử lý có thái độ chống đối quyết liệt; cá biệt có trường hợp sử dụng đối tượng "nghiện hút, đầu gấu" uy hiếp lực lượng làm nhiệm vụ để cho xe vượt qua trạm kiểm soát. Một số đối tượng “cò mồi” cũng hoạt động gần khu vực đặt Trạm cân để nắm thông tin giờ nghỉ của nhân viên, đổi ca… để dắt lái xe vượt trạm. Đối với các phương tiện xe ô tô chở xi-téc, xi măng, xăng dầu, nhựa lỏng, chất lỏng khác, xe đông lạnh, xe chở công-ten-nơ kẹp chì vi phạm, việc xử lý gặp khó khăn do không có thiết bị kho bãi để hạ tải, ngoài ra còn phụ thuộc vào thời tiết mưa nhiều ảnh hưởng đến hiệu quả cân. Bên cạnh đó, phần mềm cài đặt trong thiết bị cân xe của Trạm kiểm tra tải trọng lưu động do Bộ GTVT cấp bị trục trặc, lỗi đường truyền gây khó khăn trong quá trình kiểm tra kết quả cân xe; số liệu của cân có sai lệch, gây khó khăn cho quá trình xử lý. Các điều kiện đảm bảo cho việc thực hiện kiểm soát tải trọng xe chưa đáp ứng yêu cầu. Đến thời điểm hiện nay, tỉnh ta vẫn chưa xây dựng được vị trí đặt Trạm kiểm tra tải trọng xe và bãi hạ tải theo quy chuẩn. Vị trí đặt cân trực tiếp trên mặt đường, thuê bãi hạ tải xa (từ 1 đến 3km) nên khó khăn cho các lực lượng khi áp tải xe đi hạ tải (nhất là các xe chống đối không chấp hành). Quy trình kiểm tra, xử lý xe quá tải từ khi phát hiện - vào cân - hạ tải - bảo quản hàng hoá là một quá trình chặt chẽ, nghiêm ngặt nhưng chưa đủ các điều kiện đảm bảo để thực hiện.

Để khắc phục các tồn tại trên, thời gian tới UBND tỉnh tiếp tục chỉ đạo đồng bộ các huyện, thành phố và các ngành chức năng tập trung giải quyết tình trạng xe chở hàng quá khổ, quá tải theo quy định. Hai ngành GTVT và Công an tỉnh tiếp tục tổ chức tập huấn nghiệp vụ và thực hành việc kiểm tra, xử lý đối với các trường hợp vi phạm đảm bảo chặt chẽ và đúng quy định của pháp luật; dự báo các tình huống xảy ra trong quá trình xử lý để có biện pháp giải quyết kịp thời, đảm bảo an toàn cho lực lượng thực thi nhiệm vụ. Tập trung làm tốt công tác điều tra cơ bản, nắm chắc tình hình trật tự ATGT, hoạt động vận tải tại các tuyến giao thông, các điểm dừng để xử lý, kho bãi hạ tải, xây dựng kế hoạch thực hiện và thường xuyên trao đổi, rút kinh nghiệm, giải quyết kịp thời những tồn tại, vướng mắc phát sinh. Chuẩn bị tốt các điều kiện phục vụ kiểm tra xe quá khổ, quá tải. Với những khó khăn, vướng mắc khách quan, không thuộc thẩm quyền khắc phục xử lý, Sở GTVT có kiến nghị, đề xuất để các bộ, ngành chức năng hỗ trợ. Đề nghị Bộ Quốc phòng có văn bản chỉ đạo Bộ CHQS các tỉnh cử người tham gia phối hợp lực lượng liên ngành. Đề nghị Bộ GTVT, Tổng cục Đường bộ Việt Nam nghiên cứu lộ trình kiểm soát tải trọng xe cho phù hợp thực tế hiện nay như: Đối với xe có trọng tải lớn, gây phá hoại cầu đường áp dụng biện pháp kiên quyết, xử lý triệt để ngay. Đối với xe có trọng tải nhỏ, chở quá tải thiết kế nhưng không quá tải cầu đường, cần có lộ trình nhất định (trước mắt xử lý ngay các xe cơi nới thùng hàng). Phần mềm của các Trạm cân cần được nâng cấp thường xuyên vì trong quá trình vận hành Trạm kiểm tra tải trọng xe lưu động hay bị nghẽn mạch, mắc lỗi đường truyền. Đến thời điểm hiện nay, Bộ GTVT đã quy định áp dụng thống nhất cách xác định tải trọng xe trên địa bàn cả nước theo quy định của Thông tư 07/2010/TT-BGTVT và Thông tư 03/2011/TT-BGTVT đã ban hành, đồng thời yêu cầu Cục Đăng kiểm rà soát lại toàn bộ giấy đăng kiểm xe ô tô theo hướng cho phép tải trọng lưu hành ở mức tối đa như các thông tư trên. Để xác định xem một chiếc xe đang lưu thông có chở quá tải hay không, một số trạm cân sẽ lấy tải trọng thực tế của xe, thể hiện trên bàn cân điện tử, so với tải trọng được phép ghi trong Giấy chứng nhận đăng kiểm; nếu tải trọng thực tế lớn hơn tải trọng được phép thì được coi là vi phạm lỗi chở quá tải. Để cân xe thực chất, kiên quyết đấu tranh với những hành vi tiêu cực, nhũng nhiễu, Bộ GTVT cần từng bước hoàn thiện cơ chế tiếp nhận, xử lý phản ánh về những vi phạm của người thực thi công vụ trong tuần tra, kiểm soát nói chung và tại các trạm cân xe nói riêng thông qua đường dây nóng của Bộ GTVT, Bộ Công an, Ủy ban ATGT quốc gia hoặc qua báo chí./.

Nguồn: Báo Nam Định

Tìm theo ngày :

Đánh giá

(Di chuột vào ngôi sao để chọn điểm)