Nhằm đảm bảo giao thông thông suốt trên các tuyến quốc lộ, tỉnh lộ, phục vụ đắc lực công tác cứu hộ, cứu nạn khi có sự cố xẩy ra do mưa bão, ngành GTVT Hà Tĩnh đã xây dựng nhiều phương án từ những tình huống bất lợi nhất để chủ động đối phó trong mùa mưa bão năm nay...
Thông suốt các tuyến đường giao thông trên địa bàn tỉnh trong mùa mưa bão năm 2013 không chỉ đảm bảo an toàn cho người và phương tiện tham gia lưu thông mà có ý nghĩa hết sức quan trọng cho công tác cứu hộ, cứu nạn khi xẩy ra sự cố. Ông Nguyễn Việt Thắng - Phó Giám đốc Sở GTVT Hà Tĩnh cho biết: Với mục tiêu trên, ngành đã phân tích, đánh giá tình hình, dự báo các tình huống có thể xảy ra để xây dựng phương án chuẩn bị đối phó sát đúng và khả thi. Trong đó, rút ra những bài học kinh nghiệm từ những năm trước về điều tiết cục bộ, cảnh báo nguy hiểm tại các công trình đang thi công; kiểm soát an toàn các công trình trong mùa mưa bão cũng như xây dựng phương án huy động phương tiện cứu hộ các công trình trọng điểm, di dời dân ra khỏi các khu vực nguy hiểm.
Theo đó, ngành phối hợp với các đơn vị quản lý các tuyến QL lộ 1A, 8A, 12C và đường Hồ Chí Minh, đường Bắc - Nam, kiểm tra, đôn đốc để đảm bảo giao thông thông suốt, an toàn. Riêng về hệ thống quốc lộ ủy thác và các tuyến tỉnh lộ bố trí lực lượng túc trực, kiểm tra thường xuyên khả năng khai thác và tình trạng an toàn của hệ thống cầu đường. Khi phát hiện sự cố, ngập lụt thì báo cáo kịp thời, điều tiết phân luồng hợp lý, đảm bảo an toàn cho người và phương tiện giao thông trên tuyến.
Ông Trần Phi Được - Giám đốc Công ty CP Quản lý và Xây dựng công trình giao thông Hà Tĩnh cho biết: Sau khi kiểm tra, phát hiện tại các tuyến tỉnh lộ 9, 3, 6, 17 và 22/12, một số đoạn đường bị bong tróc, xuất hiện ổ gà, đơn vị đã tiến hành khắc phục, đồng thời đẩy nhanh tiến độ sửa chữa cầu treo Hương Giang (Hương Khê). Tỉnh lộ 5 đoạn km 20 - km 47 và tỉnh lộ 17 đoạn km 56 - km 74 có nhiều vị trí taluy, sân cống, thân cống bị sạt lở, nền đường bị sình lún, có nguy cơ tắc đường, hiện công ty đã báo cáo, đề nghị cấp kinh phí để sửa chữa... Đây là 2 tuyến đường độc đạo nối đường Hồ Chí Minh với các xã miền núi huyện Hương Khê và Vũ Quang thường xuyên bị ngập lụt.
Trước thực trạng trên, ngành giao thông đã có phương án chủ động, đối với các cầu treo sẽ tăng cường công tác giám sát, kiểm tra trọng tải xe. Nếu bão trên cấp 10, cấm không cho người và phương tiện qua cầu; tình huống nước lũ ngập sâu các vùng phụ cận, có giải pháp tránh người dân, phương tiện tập kết trên cầu. Tỉnh lộ 5, 17 trong trường hợp sạt lở không khắc phục được bằng kè rọ đá thì tổ chức hốt đất sụt, bắc cầu tạm để đảm bảo thông xe tạm thời (tối đa 4 ngày). Bên cạnh đó, các tuyến đường địa phương quản lý sẽ được bố trí thuyền để chuyển tải nhằm đảm bảo giao thông thông suốt, trong trường hợp cần thiết sẽ huy động lực lượng giao thông cấp tỉnh ứng cứu...
Khi xảy ra sự cố hoặc tiềm ẩn nguy cơ mất an toàn thì việc mở luồng điều tiết để đảm bảo tuyệt đối an toàn cho các phương tiện tham gia giao thông là hết sức quan trọng. Từ thực trạng của hệ thống tỉnh lộ khi đoạn km 6+200 - km 6+600 (cầu Sông) trên tuyến QL 15B bị ngập, ngành GTVT Hà Tĩnh sẽ điều tiết phân luồng theo tỉnh lộ 6 và 3.
Hiện ngành GTVT Hà Tĩnh cũng đã chuẩn bị vật tư dự phòng, bao gồm một bộ cầu tạm dầm I, 2 bộ cầu lắp ghép trọng tải 17 tấn, nhà bạt, máy xúc, cưa xăng và biển báo ngập lụt, sào chắn... được tập kết tại các huyện Hương Khê, Đức Thọ, Nghi Xuân, Kỳ Anh, Can Lộc và TP Hà Tĩnh.
Với địa hình phức tạp, nhiều địa phương có sông suối, hồ đập và vùng dân cư gần sông không có đê bao nên việc bị chia cắt và cô lập trong mưa bão là không thể tránh khỏi. Vì vậy, ngành đã chủ động xây dựng phương án điều động phương tiện cứu hộ tại các công trình trọng điểm. Trong đó, bố trí hơn 60 xe ô tô, máy đào, máy ủi, thuyền... để ứng cứu đập Kẻ Gỗ - Bộc Nguyên, đê La Giang, Sông Rác, hồ Kim Sơn..., đồng thời có phương án điều động sơ tán dân, nhất là các vùng có nguy cơ cao lũ quét, sạt lở đất và vùng thường xuyên bị ngập lụt...
Thời gian này, các đơn vị trong ngành GTVT Hà Tĩnh luôn chủ động, chuẩn bị tốt nhất các điều kiện về vật tư, phương tiện, nhân lực, đảm bảo giao thông nhằm thực hiện có hiệu quả công tác PCLB, hạn chế thấp nhất các thiệt hại do thiên tai gây ra./.
Nguồn: Báo Hà Tĩnh