Ngày 14/11, Tổng cục Đường bộ Việt Nam đã có Công điện khẩn gửi các Khu Quản lý đường bộ V và VII; các Sở GTVT Quảng Nam, Quảng Ngãi, Bình Định, Phú Yên, Khánh Hòa, Ninh Thuận, Bình Thuận, Bà Rịa - Vũng Tàu; các Ban Quản lý dự án 5 và 8 về triển khai công tác phòng, chống khắc phục thiệt hại của áp thấp nhiệt đới.
Tổng cục Đường bộ Việt Nam triển khai công tác
phòng chống, khắc phục thiệt hại của áp thấp nhiệt đới
Theo đó, Tổng cục Đường bộ Việt Nam yêu cầu Khu Quản lý đường bộ V và VII; các Sở GTVT; các Ban Quản lý dự án 5 và 8 chủ động triển khai phương án đảm bảo giao thông và có biện pháp bảo vệ các công trình đường, cầu, cống, kho tàng, phương tiện, máy móc thi công để hạn chế thiệt hại đo áp thấp nhiệt đới gây ra; chuẩn bị thiết bị, máy thi công, dầm, phao, nhân lực sẵn sàng đảm bảo giao thông khi xảy ra sự cố cầu, đường; duy trì lực lượng, phương tiện sẵn sàng tham gia ứng cứu đảm bảo giao thông nhằm hạn chế thấp nhất mức độ thiệt hại; thực hiện phân luồng giao thông ngay khi ách tắc giao thông, chỉ đạo lực lượng Thanh tra giao thông đường bộ chủ động phối hợp với chính quyền địa phương, cảnh sát giao thông khi phân luồng.
Tổng cục Đường bộ Việt Nam yêu cầu Khu Quản lý đường bộ V và VII; các Sở GTVT; các Ban Quản lý dự án 5 và 8 phối hợp với Ban chỉ huy phòng chống bão lụt địa phương, đảm bảo tổ chức lực lượng ứng cứu đảm bảo giao thông 24/24h; áp thấp nhiệt đới dự kiến đổ bộ vào đất liền vào ngày nghỉ cuối tuần, do vậy phải thường xuyên theo dõi chặt chẽ diễn biến của áp thấp nhiệt đới; đồng thời yêu cầu các đơn vị tổ chức trực ban nghiêm túc; báo cáo thường xuyên tình hình diễn biến ảnh hưởng của áp thấp nhiệt đới về Tổng cục Đường bộ Việt Nam.
Theo dự báo của Trung tâm Khí tượng thủy văn Trung ương, hồi 4 giờ ngày 14/11, vị trí tâm áp thấp nhiệt đới ở vào khoảng 12,0 độ vĩ Bắc; 114,8 độ kinh Đông, trên vùng biển phía Bắc quần đảo Trường Sa. Sức gió mạnh nhất ở vùng gần tâm áp thấp nhiệt đới mạnh cấp 7 (tức là từ 50 đến 61 km một giờ), giật cấp 8, cấp 9.
X.N