Thực hiện kế hoạch 238/UBATGTQG ngày 15 tháng 7 năm 2009 của Ủy ban an toàn giao thông Quốc gia về triển khai kế hoạch thực hiện Tháng An toàn giao thông năm 2009 với chủ đề trọng tâm là “Tháng văn hóa giao thông”. Ngày 04 tháng 8 năm 2009, Cục Đường thủy nội địa Việt Nam đã có kế hoạch số 1169/CĐTNĐ-PCVT&ATGT về hoạt động tháng an toàn giao thông, tháng 9 năm 2009 với chủ đề “Tháng văn hóa giao thông”.
Nội dung hoạt động trọng tâm của Ngành đường thủy nội địa gồm:
1. Công tác tuyên truyền, phổ biến giáo dục pháp luật:
* Nội dung tuyền truyền: Tập trung tuyên truyền, phổ biến và hướng dẫn thực hiện các tiêu chí văn hóa giao thông, biểu dương những người tốt, việc tốt trong thực hiện văn hóa giao thông, phê phán những cá nhân, tập thể có hành vi thiếu văn hóa giao thông.
* Các khẩu hiệu được sử dụng trong tuyền truyền là:
- Văn hóa giao thông là tự giác chấp hành pháp luật về giao thông;
- Phương tiện tham gia giao thông phải được đăng ký, đăng kiểm theo quy định;
- Người điều khiển phương tiện phải có bằng, chứng chỉ theo quy định;
- Không được chở quá tải trọng theo quy định;
- Hãy mặc áo phao khi đi đò;
- Không được điều khiển phương tiện khi đã uống rượu, bia;
- Nghiêm chỉnh chấp hành Luật giao thông đường thủy nội địa.
* Phương pháp tuyên truyền:
- Tuyên truyền rộng rãi trên các phương tiện thông tin đại chúng;
- Sử dụng áp phích, băng rôn, khẩu hiệu hoặc phân phát tờ rơi cho các đối tượng tham gia giao thông;
- Phối hợp với các tổ chức đoàn thể, các tổ chức chính trị - xã hội và chính quyền các xã, phường, các trường học để tuyên truyền đến mọi người, mọi nhà, mọi cơ quan, tổ chức.
2. Tăng cường công tác kiểm tra, xử lý vi phạm
* Lực lượng thanh tra giao thông đường thủy nội địa:
- Tập trung kiểm tra việc chấp hành các quy định bảo đảm trật tự, an toàn trong hoạt động tại các bến khách ngang sông; kiểm tra việc chấp hành quy định pháp luật giao thông đường thủy nội địa của các cơ sở đóng mới, hoán cải, sửa chữa phương tiện thủy;
- Kiểm tra việc thực hiện các quy định về quản lý, bảo trì và bảo vệ kết cấu hạ tầng giao thông đường thủy nội địa; kiểm tra việc thực hiện các biện pháp bảo đảm trật tự, an toàn giao thông trên đường thủy nội địa trong mùa mưa bão của các phương tiện, thuyền viên, người lái phương tiện; kiểm tra việc đậu, đỗ đúng quy định của các phương tiện;
- Phối hợp với các địa phương kiên quyết xử lý các hành vi vi phạm trong phạm vi trách nhiệm được giao.
* Lực lượng cảng vụ đường thủy:
- Đẩy mạnh kiểm tra việc chấp hành các quy định của pháp luật về trật tự, an toàn giao thông đường thủy và phòng ngừa ô nhiễm môi trường của các chủ cảng, bến thủy nội địa;
- Tăng cường kiểm tra, đôn đốc cảng vụ viên thực hiện nghiêm các quy định về trình tự, thủ tục kiểm tra phương tiện ra, vào hoạt động tại cảng, bến thủy nội địa; chỉ đạo các đại diện cảng vụ kiên quyết không tiếp nhận làm thủ tục cho các phương tiện ra, vào bến mà không có đăng ký, đăng kiểm, chất lượng không đảm bảo an toàn, thuyền trưởng, người điều khiển không có bằng, chứng chỉ chuyên môn phù hợp với quy định;
- Tổ chức xử lý nghiêm các chủ cảng, bến, người lái phương tiện không chấp hành các quy định của Luật Giao thông đường thủy nội địa, nhất là phương tiện chở quá tải.
3. Công tác đảm bảo giao thông
- Các đơn vị quản lý đường thủy làm tốt công tác quản lý, bảo trì các tuyền đường thủy nội địa trong phạm vi trách nhiệm được giao; theo rõi tình hình diễn biến thủy văn, thường xuyên điều chỉnh hệ thống báo hiệu cho phù hợp, kiểm tra phát hiện xử lý kịp thời vật chướng ngại và các tình huống xuất hiện đột xuất trên tuyến bảo đảm giao thông an toàn, thông suốt;
- Triển khai thực hiện tốt phương án điều tiết khống chế, cứu nạn tại các khu vực trọng điểm, các nơi xung yếu, không để xảy ra sự cố tại nạn hoặc ùn tắc giao thông;
- Chi cục đường thủy nội địa phía Bắc, các Đoạn quản lý đường thủy nội địa số 4, 9, 12, 13, 14 triển khai phát cặp phao cứu sinh cho học sinh đi học bằng đò theo đúng kế hoạch được giao.
Các đơn vị thuộc Cục Đường thủy nội địa Việt Nam sẽ ra quân hưởng ứng tháng an toàn giao thông năm 2009 vào ngày 31 tháng 8 năm 2009.
ĐTH