Nhìn lại hiện trạng TTATGT năm 2009 qua báo cáo của cơ quan Công an (CA), điểm sáng thì ít, mà bất cập, khó khăn thì còn nhiều. Những số liệu cơ bản vẫn thể hiện việc TNGT được kiềm chế nhưng chưa cho thấy bước chuyển cụ thể nào trong việc giải quyết hàng loạt vấn nạn trong lĩnh vực giao thông...
Bức tranh không nhiều màu sáng
Phải khẳng định rằng, công tác bảo đảm TTATGT, nhất là việc kiềm chế TNGT luôn được Chính phủ, Bộ CA, UB ATGT quốc gia, Tổng cục Cảnh sát chỉ đạo quyết liệt. Kết quả của nhữmg nỗ lực đó là tình hình TNGT tiếp tục được kiềm chế và có giảm trên cả 3 mặt. Tuy nhiên, theo Trung tướng Cao Xuân Hồng, Phó Tổng cục trưởng Tổng cục Cảnh sát, kết quả đó chưa bền vững và thực tế là số vụ TNGT, số người chết, bị thương do TNGT vẫn rất cao, khiến cho dư luận lo lắng, bức xúc. Ngoài ra, dù TNGT có giảm nhưng số vụ TNGT đặc biệt nghiêm trọng lại tăng (14,4%), TNGT đường sắt tăng về số người chết và bị thương, ùn tắc giao thông cũng tăng...
Nhiều vấn đề liên quan đến ANTT trên các tuyến giao thông cũng trở nên nóng bỏng hơn bao giờ hết. Đó là tình trạng chống người thi hành công vụ với 93 vụ, xảy ra tại 25 tỉnh, thành, làm bị thương 32 CBCS. Các vụ việc chống người thi hành công vụ trên lĩnh vực giao thông ngày càng nghiêm trọng. Có đến 26 vụ đối tượng vi phạm lái xe đâm thẳng vào lực lượng làm nhiệm vụ khi CSGT mới ra hiệu lệnh dừng xe để kiểm tra, khiến CBCS không kịp phản ứng, dẫn đến thương vong. Riêng tại địa bàn Hà Nội có đến 6 vụ cảnh sát phải đu bám trên đầu xe hàng chục kilômét do lái xe cố tình điều khiển xe chạy lòng vòng nhằm hất cảnh sát xuống đường. Ngoài ra, tệ nạn đua xe trái phép, hiện tượng tụ tập phương tiện gây rối TTCC có dấu hiệu nhen nhóm trở lại, cũng đi kèm với các hành vi khiêu khích, chống đối lực lượng làm nhiệm vụ.
Trên đường thủy, nguy cơ xảy ra tai nạn vẫn tiềm ẩn khi còn hơn 75% phương tiện không đăng ký, hơn 57,5% phương tiện không đăng kiểm, 77,56% số người điều khiển phương tiện không có bằng, chứng chỉ chuyên môn theo quy định. Nhiều phương tiện chở khách ngang sông không đáp ứng được yêu cầu an toàn khi thiếu dụng cụ cứu sinh, chống đắm, phòng cháy, lại vẫn ngang nhiên chở quá tải. Hệ quả là đã có 11 vụ TNGT đường thủy đặc biệt nghiêm trọng liên quan đến loại phương tiện chở người qua ngang sông, làm 81 người chết, dẫn đến việc thống kê số người chết do TNGT đường thủy tăng cao so với năm 2008.
Nguyên nhân và giải pháp đều cũ
Có thể nêu ra một số nguyên nhân chính, đó là việc mật độ phương tiện tham gia giao thông ngày càng cao; trong khi hạ tầng vật chất chưa đủ đáp ứng; ý thức chấp hành pháp luật của người tham gia giao thông không tăng. Dù công tác tuyên truyền, phổ biến pháp luật, văn hóa giao thông đã được chú trọng nhưng vẫn có đến 85,5% số vụ TNGT là do lỗi của người tham gia giao thông...
Ngoài những nguyên nhân cơ bản như trên, thái độ chưa trách nhiệm của các cơ quan quản lý cũng tạo điều kiện để sai phạm hình thành và tồn tại. Khi đưa ra thực trạng là xe khách gây tai nạn ngày càng nhiều, cơ quan CA khẳng định nhiều doanh nghiệp, nhất là doanh nghiệp tư nhân chạy theo lợi nhuận, đầu tư xe chất lượng thấp, khoán cao cho lái xe, dẫn đến áp lực chạy nhanh, chạy ẩu, tranh giành khách. Vì vậy, 80% số vụ TNGT đặc biệt nghiêm trọng là do xe khách gây ra và chủ quản lý xe là tư nhân... Trên lĩnh vực đường thủy, công tác quản lý cũng bị buông lỏng, nhất là đối với hoạt động của đò ngang chở khách. Hầu hết loại phương tiện này rơi vào tình trạng "3 không": không có cơ quan quản lý, người lái không có bằng và phương tiện không bảo đảm an toàn.
Về phía cơ quan CA, trong tình cảnh lực lượng thiếu, chưa đáp ứng được yêu cầu công tác, thì giải pháp để khắc phục những khó khăn trên chủ yếu vẫn là "căng" người và phương tiện ra đường. Trên tất cả các tuyến giao thông, Tổng cục Cảnh sát tiếp tục chỉ đạo Cục CSGT đường bộ - đường sắt, CSGT đường thủy, CA các địa phương tăng cường lực lượng tuần tra, kiểm soát, xử lý nghiêm các hành vi vi phạm nguy hiểm. Nhưng cơ quan CA cũng thừa nhận: Lực lượng trực tiếp làm công tác bảo đảm TTATGT tuy đã được bổ sung nhưng so với yêu cầu nhiệm vụ còn chưa đáp ứng được. CSGT cấp huyện phải đảm đương nhiều nhiệm vụ ngoài nhiệm vụ bảo đảm TTATGT. Do đó, nhiều tuyến đường, nhất là đường giao thông nông thôn bị bỏ trống... Trong khi đó, việc áp dụng các biện pháp có tính cơ bản, đồng bộ và lâu dài phải có sự phối hợp của nhiều ngành, cấp, đòi hỏi kinh phí vật chất lớn, lại chưa thể phát huy hiệu quả sớm.
Nhìn ra được thực trạng và chỉ ra được giải pháp, song trước mắt, về phía cơ quan CA, các biện pháp triển khai để bảo đảm TTATGT, giảm TNGT vẫn chưa có những giải pháp mới, có tính đột phá. Thực tế, nếu chỉ có vai trò xử lý vi phạm của CA thì TNGT chỉ có thể được kiềm chế, còn TTATGT chưa thể có diện mạo mới.
Theo cpv.org.vn