Chủ nhật, ngày 12/01/2025

Hậu Giang: Cần siết chặt quản lý việc chấp hành Luật Giao thông đường thủy nội địa

Thứ sáu, 15/11/2013 00:00 GMT+7
Năm 2013, tình hình vi phạm Luật Giao thông đường thủy nội địa trên địa bàn tỉnh Hậu Giang có chiều hướng diễn biến phức tạp, nhất là tại các bến đò ngang. Một trong những nguyên nhân dẫn đến tình trạng trên là do ý thức chấp hành của các chủ phương tiện và người dân còn hạn chế.
Năm 2013, tình hình vi phạm Luật Giao thông đường thủy nội địa trên địa bàn tỉnh Hậu Giang có chiều hướng diễn biến phức tạp, nhất là tại các bến đò ngang. Một trong những nguyên nhân dẫn đến tình trạng trên là do ý thức chấp hành của các chủ phương tiện và người dân còn hạn chế.

10 tháng đầu năm 2013, Hậu Giang xảy ra 1 vụ tai nạn giao thông đường thủy, làm 1 người chết, giảm 2 vụ so với cùng kỳ. Tuy nhiên, số vụ vi phạm các quy định về trật tự an toàn giao thông đường thủy lại có đến 4.452 trường hợp, tăng 235 trường hợp so với cùng kỳ 2012; cơ quan chức năng đã phạt tiền 4.510 trường hợp, với số tiền trên 3 tỉ đồng. Theo một cán bộ cảnh sát giao thông đường thủy, hành vi vi phạm trật tự an toàn giao thông đường thủy tăng là do số phương tiện thủy tham gia tăng và việc tăng cường tuần tra, kiểm soát của lực lượng chức năng nên phát hiện nhiều trường hợp vi phạm. Các lỗi vi phạm thường là không có giấy phép hoạt động, chở quá số người quy định, các phương tiện không đủ điều kiện hoạt động. Bên cạnh đó, có nhiều trường hợp bến đò ngang bị xử lý vi phạm hành chính nhưng vẫn tái phạm.

Ngoài những trường hợp vi phạm cùng một lỗi nhiều lần thì các chủ phương tiện còn vi phạm nhiều lỗi khác nhau. Thực tế thì tình trạng các bến đò ngang hoạt động tự phát, đưa khách qua sông với các trang thiết bị, phương tiện không đảm bảo an toàn, không trang bị áo phao, phương tiện không đăng ký giấy phép và chủ phương tiện không có bằng chuyên môn vẫn còn xảy ra rất nhiều ở các địa phương trên địa bàn tỉnh. Việc đưa đò của mình vào hoạt động trong điều kiện như vậy dễ gây ra tai nạn đáng tiếc, nhất là trong thời điểm hiện nay.

Đối với người đi đò, theo quy định, nếu không mặc áo phao hoặc tay không cầm dụng cụ phao cứu sinh sẽ bị xử lý vi phạm hành chính. Nhưng do ý thức của họ, thêm vào đó là việc xử lý vi phạm chưa thực hiện đến nơi đến chốn, nên người dân cứ vô tư qua lại mà không sợ nguy hiểm. Về vấn đề này, ông Lư Văn Sĩ, Phó Chánh Thanh tra Sở Giao thông Vận tải tỉnh, cho biết: Việc xử lý khách qua đò vi phạm các quy định là rất khó, bởi lẽ, khi lập biên bản đối với họ thì phải tạm giữ tang vật vi phạm, nhưng trường hợp này không có tang vật”.

“Hiện nay, do không có bến, bãi tạm giữ phương tiện vi phạm, vì vậy, cơ quan chức năng chỉ có thể xử phạt vi phạm hành chính đối với phương tiện không đủ điều kiện. Bị xử phạt, đình chỉ hoạt động, thế nhưng chỉ vài ngày sau, các bến đò này vẫn tiếp tục lén lút đưa khách qua sông. Trong khi đó, số lượng bến đò nhỏ lẻ, hoạt động tự phát, không đủ điều kiện hoạt động là rất lớn” - thượng tá Nguyễn Văn Chính, Trưởng phòng CSGT đường thủy, Công an tỉnh, nói.

Ông Lư Văn Sĩ cho biết: Trong thời gian tới, Thanh tra giao thông tỉnh Hậu Giang sẽ tiếp tục phối hợp với các ngành liên quan tập trung đẩy mạnh công tác tuyên truyền pháp luật về giao thông đường thủy nội địa; phối hợp kiểm tra, rà soát lại và có biện pháp xử lý nghiêm đối với những bến đò hoạt động không đủ điều kiện. Còn ông Nguyễn Văn Chính đề nghị: Nên có quy định hình thức xử phạt mạnh hơn, chúng tôi sẽ kiên quyết xử lý những trường hợp vi phạm nhằm tránh xảy ra những tai nạn đáng tiếc do chủ các bến đò ngang không tuân thủ quy định của pháp luật. Hậu Giang cũng cần có điểm tập kết tạm giữ những phương tiện giao thông đường thủy vi phạm hành chính. Ngoài ra, về mặt thủ tục xử phạt nên quy định hợp nhất giữa biên bản và quyết định xử phạt nhằm tiết kiệm được thời gian cho lực lượng làm nhiệm vụ.

Toàn tỉnh hiện nay có 206 bến đò ngang đang hoạt động, trong đó có 120 bến đủ điều kiện được cấp phép hoạt động. Ý thức tuân thủ các quy định về an toàn giao thông đường thủy nội địa của các chủ bến đò, người dân, thậm chí là ở những bến đò ngang an toàn vẫn còn nhiều điều phải bàn. Mùa mưa lũ đang diễn biến phức tạp, việc nâng cao ý thức của mọi người khi tham gia lưu thông trên đường thủy cần được thực hiện nghiêm túc hơn.

Điều 55 Nghị định 93 của Chính phủ ngày 20/8/2013 quy định xử phạt hành chính trong lĩnh vực giao thông hàng hải, đường thủy nội địa, quy định:

- Phạt cảnh cáo hoặc phạt tiền từ 50.000 đồng đến 100.000 đồng đối với hành vi không chấp hành nội quy an toàn trên phương tiện, không chấp hành sự hướng dẫn của thuyền viên, người lái phương tiện.

- Phạt tiền từ 100.000 đồng đến 200.000 đồng đối với hành vi không mặc áo phao cứu sinh hoặc không mang dụng cụ nổi cứu sinh khi tham gia giao thông trên phương tiện vận tải hành khách sang sông.



Nguồn: Báo Hậu Giang
Tìm theo ngày :

Đánh giá

(Di chuột vào ngôi sao để chọn điểm)