Thứ hai, ngày 13/01/2025

Tiền Giang: Cần lập lại trật tự ATGT trên các tuyến tỉnh-huyện lộ, lộ nông thôn

Thứ tư, 14/08/2013 00:00 GMT+7
Nhằm thúc đẩy phát triển kinh tế - xã hội, tạo điều kiện giao thương dễ dàng, thời gian qua, các cấp chính quyền đã tăng cường nâng cấp, mở rộng các đường, đặc biệt là các tỉnh lộ, huyện lộ và các lộ nông thôn… Điều này đã kéo theo hệ lụy không mong muốn, đó là số vụ TNGT trên các tuyến lộ này có chiều hướng gia tăng so với cùng kỳ các năm trước.
Nhằm thúc đẩy phát triển kinh tế - xã hội, tạo điều kiện giao thương dễ dàng, thời gian qua, các cấp chính quyền đã tăng cường nâng cấp, mở rộng các đường, đặc biệt là các tỉnh lộ, huyện lộ và các lộ nông thôn… Điều này đã kéo theo hệ lụy không mong muốn, đó là số vụ TNGT trên các tuyến lộ này có chiều hướng gia tăng so với cùng kỳ các năm trước.

Trong 6 tháng đầu năm 2013, toàn tỉnh Tiền Giang xảy ra 286 vụ TNGT, làm chết 130 người, bị thương 275 người. Trong đó, số vụ TNGT xảy ra ở tỉnh lộ chiếm 25,98%, đường huyện chiếm 16,01%.

Mặc dù các ngành chức năng đã tăng cường nhiều biện pháp như: tuần tra, kiểm soát trên các tuyến đường, đặc biệt là các tuyến tỉnh lộ, lộ nông thôn; phối hợp với các ngành, các cấp tuyên truyền trong nhân dân về việc chấp hành các quy định về an toàn giao thông (ATGT) cả chiều rộng lẫn chiều sâu; xử lý nghiêm các trường hợp vi phạm… nhưng TNGT trên các tỉnh lộ, huyện lộ lại có chiều hướng gia tăng.

Nguyên nhân TNGT năm nay tăng hơn nhiều so với cùng kỳ năm trước là do các tỉnh lộ, lộ nông thôn được sửa chữa, nâng cấp, mở rộng, đã tạo điều kiện thuận lợi cho các loại phương tiện tham gia giao thông dễ dàng, nhưng kèm theo đó là ý thức của một bộ phận người tham gia giao thông còn kém.

Một số trường hợp không có giấy phép lái xe cũng tham gia giao thông, có giấy phép lái xe nhưng hiểu biết về luật giao thông còn hạn chế hay một số trường hợp cố tình vi phạm như say rượu, bia khi tham gia giao thông…

Ngoài ra, công tác tuyên truyền chưa thường xuyên, sâu sát, còn mang tính hình thức, qua loa. Mặt khác, có một số địa phương do địa bàn rộng, lực lượng cảnh sát giao thông mỏng, nên rất khó đảm đương hết địa bàn…

Khi kinh tế phát triển, nhiều gia đình ở nông thôn không tiếc tiền mua sắm xe gắn máy, nhưng không ít người thiếu kiến thức trong vận hành, lưu thông trên đường. Người điều khiển xe gắn máy ở nông thôn đa số là thanh niên chưa có bằng lái, họ cũng chưa ý thức trong việc đội nón bảo hiểm khi tham gia giao thông.

Thực tế cho thấy, một số người dân nông thôn khi tham gia giao thông trên lộ nông thôn thường phóng nhanh, vượt ẩu... Công an xã là lực lượng trực tiếp giữ gìn trật tự ATGT trên địa bàn nông thôn, nhưng có lúc chưa thực sự làm hết trách nhiệm kiểm soát, xử lý.

Bên cạnh đó, Bộ Công an đã có văn bản cho phép lực lượng công an xã được xử lý các hành vi vi phạm như lấn chiếm, sử dụng trái phép lòng đường, lề đường, hành lang ATGT; mở đường ngang, bến bãi trái phép; môtô chở quá số người theo quy định, chở hàng hóa cồng kềnh, điều khiển xe lạng lách...

Nhưng điều đáng nói là những hành vi vi phạm ở các tuyến đường liên xã, liên ấp dễ được “thông cảm”. Vì vậy, đã vô tình tiếp tay cho sự bất chấp quy định về ATGT trên đường quê và kéo theo những tai nạn đáng tiếc.

Thiết nghĩ, ngành chức năng cần đẩy mạnh công tác đảm bảo trật tự ATGT trên địa bàn, đặc biệt là trên tỉnh lộ, huyện lộ và lộ nông thôn. Xác định địa bàn nào phức tạp thì phối hợp với địa phương đó đẩy mạnh tuần tra, kiểm soát, xử lý nghiêm những trường hợp vi phạm. Tăng cường kiểm tra giấy phép lái xe của người tham gia giao thông… để tình hình TNGT từ nay đến cuối năm giảm cả 3 mặt.

Nguồn: Báo Ấp Bắc
Tìm theo ngày :

Đánh giá

(Di chuột vào ngôi sao để chọn điểm)