Thứ tư, ngày 15/01/2025

Lạng Sơn: Chủ động khi tết đến xuân về ngăn ngừa TNGT do rượu bia

Thứ tư, 06/02/2013 00:00 GMT+7
Theo thống kê của các ngành chức năng, dịp Tết Nguyên đán và lễ hội xuân hàng năm, tai nạn giao thông (TNGT) xảy ra trên địa bàn Lạng Sơn thường tăng cao. Một trong những nguyên nhân của tình trạng này là việc người điều khiển phương tiện giao thông sử dụng rượu, bia quá nồng độ cồn cho phép, dẫn tới không làm chủ tay lái, phóng nhanh, vượt ẩu…
Theo thống kê của các ngành chức năng, dịp Tết Nguyên đán và lễ hội xuân hàng năm, tai nạn giao thông (TNGT) xảy ra trên địa bàn Lạng Sơn thường tăng cao. Một trong những nguyên nhân của tình trạng này là việc người điều khiển phương tiện giao thông sử dụng rượu, bia quá nồng độ cồn cho phép, dẫn tới không làm chủ tay lái, phóng nhanh, vượt ẩu…

Dịp Tết Nguyên đán năm ngoái, chỉ trong 6 ngày (21-27/1/2012), Bệnh viện Đa khoa trung tâm tỉnh Lạng Sơn tiếp nhận tới 81 ca TNGT, chiếm trên 57% tổng số ca cấp cứu, trong số này có 7 ca chấn thương sọ não. Mặc dù Bệnh viện chưa thống kê cụ thể song khá nhiều trường hợp nạn nhân TNGT nhập viện trong tình trạng hơi thở có hoặc nồng nặc mùi bia, rượu. Bác sỹ Trần Tuấn Việt, Khoa Ngoại-Chấn thương, bỏng cho biết: Hầu như năm nào cũng vậy, dịp Tết nguyên đán luôn là thời điểm mà số ca cấp cứu vì TNGT tăng cao so với ngày thường, riêng Khoa Ngoại-chấn thương, bỏng đã có lúc tiếp nhận khoảng 20 ca TNGT/ngày, trong đó nhiều trường hợp bị TNGT sau khi sử dụng rượu, bia. Do không làm chủ tay lái, phóng nhanh, vượt ẩu, thậm chí lạng lách, đánh võng nên nạn nhân TNGT liên quan đến rượu bia thường bị thương nặng như: gãy chân (tay), chấn thương sọ não, đa chấn thương…

Mời nhau chén rượu, cốc bia, chúc nhau một năm mới an khang, thịnh vượng lâu nay đã trở thành một nét văn hoá của người dân Việt Nam mỗi dịp tết đến xuân về. Với một tỉnh miền núi như Lạng Sơn, do tập quán địa phương, vào những ngày lễ tết, hội hè, tình trạng người tham gia giao thông có sử dụng rượu, bia khá phổ biến. Thói quen này cộng với tâm lý chủ quan, nhiều người sử dụng rượu, bia quá đà mà vẫn vô tư điều khiển phương tiện giao thông để rồi chính họ “góp phần” làm tăng nguy cơ tai nạn. Xuất phát từ thực tế đó, dịp Tết nguyên đán và lễ hội xuân hàng năm, các lực lượng chức năng của tỉnh nòng cốt là lực lượng CSGT đều triển khai đợt cao điểm đảm bảo TTATGT, tập trung xử lý các vi phạm về nồng độ cồn - một trong những nguyên nhân chủ yếu dẫn tới TNGT. Đợt cao điểm đảm bảo TTATGT Tết Nguyên đán và lễ hội xuân năm nay được triển khai từ khá sớm - 16/12/2012 và kéo dài đến 15/3/2013. Thiếu tá Nguyễn Hữu Minh, Phó Đội trưởng Đội Tuần tra kiểm soát (TTKS) số 1 Phòng CSGT Công an tỉnh cho biết: Để chủ động ngăn ngừa TNGT liên quan đến rượu bia, ngay từ đầu đợt cao điểm, chúng tôi đã tăng cường lực lượng, huy động tối đa phương tiện, kỹ thuật nghiệp vụ tập trung kiểm tra, phát hiện và xử lý nghiêm người điều khiển phương tiện giao thông sử dụng rượu, bia. Ngoài việc xử lý hành chính đối với các trường hợp vi phạm về nồng độ cồn, lực lượng chức năng sẽ tạm giữ phương tiện để răn đe, giáo dục, đồng thời đảm bảo an toàn cho bản thân người vi phạm và những người tham gia giao thông.

Thực hiện đợt cao điểm, chỉ tính riêng từ 1-31/1/2013, lực lượng CSGT toàn tỉnh đã xử lý gần 60 trường hợp vi phạm về nồng độ cồn. Song song với kiểm tra, xử lý vi phạm, trong quá trình TTKS, lực lượng CSGT cũng lồng ghép tuyên truyền về tác hại của việc điều khiển phương tiện giao thông sau khi sử dụng rượu, bia; các quy định của Luật Giao thông đường bộ, mức xử phạt vi phạm về nồng độ cồn nhằm để người tham gia giao thông hiểu và nâng cao ý thức chấp hành pháp luật. Anh Lê Thanh Nhượng (ở huyện Phú Mỹ, Bình Định), lái xe 77C-03177 tuyến Bình Định-Lạng Sơn sau một chầu nhậu với bạn bè, người đã chếnh choáng hơi men nhưng vẫn cố lái xe, trên đường Đồng Đăng về Lạng Sơn thì bị CSGT tuýt còi. Bị phạt tới 12 triệu 500 ngàn đồng, tước quyền sử dụng giấy phép lái xe 60 ngày, anh Nhượng hoàn toàn tâm phục khẩu phục: Lúc được thông báo kết quả kiểm tra nồng độ cồn, tôi cũng giật mình bởi nó vượt quá xa giới hạn cho phép, rất may tôi bị “thổi còi” đúng lúc, chứ nếu tiếp tục lái xe thì không biết sẽ xảy ra hậu quả gì…

Được biết, hiện tại riêng Phòng CSGT Công an tỉnh được trang bị 5 máy đo nồng độ cồn, công an các huyện, thành phố mỗi đơn vị có ít nhất 1 máy đo để phục vụ công tác kiểm tra, xử lý vi phạm. Trong những ngày Tết Nguyên đán và lễ hội xuân, tại các địa bàn trọng điểm như TP Lạng Sơn, huyện Cao Lộc, Chi Lăng, Hữu Lũng…, các tuyến quốc lộ, lực lượng CSGT tiếp tục tăng cường TTKS, sử dụng các biện pháp nghiệp vụ để kiểm tra, phát hiện, xử lý vi phạm TTATGT, đặc biệt là vi phạm về nồng độ cồn, tình trạng thanh thiếu niên sử dụng rượu bia, tụ tập lạng lách, đánh võng gây mất ATGT và trật tự công cộng… Tuy nhiên, để ngăn ngừa TNGT dịp này thì riêng nỗ lực của lực lượng chức năng chưa đủ mà mỗi người tham gia giao thông cần nhận thức rõ những hiểm họa TNGT do lạm dụng rượu, bia, từ đó tự giác chấp hành quy định về trật tự ATGT, đảm bảo cho cộng đồng và chính mình vui xuân, đón tết an toàn.

Nguồn: Báo Lạng Sơn
Tìm theo ngày :

Đánh giá

(Di chuột vào ngôi sao để chọn điểm)