Thứ tư, ngày 15/01/2025

Đà Nẵng: An toàn giao thông đường sắt - Công tác tuyên truyền gặp khó

Thứ tư, 13/03/2013 00:00 GMT+7
Trong số hơn chục vụ tai nạn giao thông (TNGT) đường sắt xảy ra trên địa bàn thành phố trong các năm 2011-2012 và 2 tháng đầu năm 2013, nạn nhân chủ yếu là người các địa phương khác. Đây là một khó khăn, bởi công tác tuyên truyền khó đến được với những đối tượng này.
Trong số hơn chục vụ tai nạn giao thông (TNGT) đường sắt xảy ra trên địa bàn thành phố trong các năm 2011-2012 và 2 tháng đầu năm 2013, nạn nhân chủ yếu là người các địa phương khác. Đây là một khó khăn, bởi công tác tuyên truyền khó đến được với những đối tượng này.

Điển hình như vụ tai nạn xảy ra tại Km 799+200, quận Cẩm Lệ cuối năm 2012 vừa qua, tàu TN1 đã tông vào anh T.H.L ở Tam Kỳ, Quảng Nam đang điều khiển xe máy băng qua đường sắt, làm anh bị thương nặng và sau đó tử vong tại bệnh viện. Hoặc 2 vụ tai nạn đường sắt xảy ra đầu năm 2013 làm chết 2 người thì nạn nhân đều là người ở địa phương khác đến Đà Nẵng.

Ông Nguyễn Văn Ca, nhân viên gác chắn đường sắt tại Km 778+760, thuộc phường Hòa Hiệp Nam, quận Liên Chiểu cho biết: Trước đây chưa có gác chắn, tại vị trí này là “điểm đen” về TNGT đường sắt, và phần đông số nạn nhân là người địa phương khác. Sau khi gác chắn được hình thành thì số người vi phạm cố tình băng qua đường sắt khi tàu sắp đến vẫn chủ yếu là người từ nơi khác đến, còn người dân địa phương đã được tuyên truyền nên họ có ý thức hơn. Ông Mai Xuân, nhân viên tổ cảnh giới đường sắt tại vị trí Km 799+200, thuộc phường Hòa Thọ Tây, quận Cẩm Lệ cũng có nhận xét tương tự: “Mặc dù tỷ lệ người địa phương khác tham gia lưu thông qua đường ngang này ít so với người dân địa phương, nhưng họ luôn chiếm phần lớn trong số người vi phạm vượt rào chắn băng qua đường sắt lúc tàu sắp đến. Đặc biệt, người từ các địa phương khác đến rất hay gây gổ khi chúng tôi ngăn không cho họ băng qua đường sắt”.

Để hạn chế tình hình TNGT đường sắt trên địa bàn, từ năm 2007 đến nay thành phố đã phối hợp với ngành đường sắt tiến hành đóng 27 đường ngang trái phép, đồng thời tổ chức thành lập 5 tổ cảnh giới đường sắt có người gác. Hằng ngày, các nhân viên tổ cảnh giới này duy trì lịch trực từ 5 giờ đến 19 giờ, vì vậy TNGT đường sắt trên địa bàn đã giảm dần qua các năm. Đặc biệt, ngành đường sắt cũng có nhiều nỗ lực lập lại trật tự hành lang an toàn đường sắt, mà nổi bật là nâng chiều cao hàng rào từ 1 mét lên 2 mét để ngăn chặn tình trạng người đi đường leo rào băng qua đường sắt. Tại 30 trạm gác trên các ba-ri-e cũng thường xuyên có các băng-rôn, khẩu hiệu tuyên truyền nhắc nhở người đi đường không vi phạm an toàn giao thông đường sắt. Thành phố Đà Nẵng cũng lên kế hoạch trong thời gian đến sẽ lập thêm từ 5 đến 7 tổ cảnh giới đường sắt có người gác; đồng thời kiến nghị ngành đường sắt nâng cấp, nối dài các thanh ba-ri-e ở một số đường bộ giao với đường sắt như các đường Nguyễn Chánh, Phan Văn Định, Ngô Thì Nhậm, Lê Trọng Tấn... để bảo đảm an toàn cho người đi đường tại các vị trí này.

Theo ông Nguyễn Hữu Cường, Chánh Văn phòng Ban An toàn giao thông (ATGT) thành phố, cái khó vẫn là làm sao hạn chế người địa phương khác đến sinh sống, học tập và làm việc tại Đà Nẵng vi phạm các lỗi nguy hiểm dẫn đến TNGT. Thời gian qua, Ban ATGT thành phố, các quận, huyện và ngành đường sắt đã tổ chức nhiều chiến dịch tuyên truyền về giao thông nói chung và đường sắt nói riêng hướng đến đối tượng là công nhân, học sinh, sinh viên và người lao động ở các địa phương khác đang sinh sống, làm việc, học tập ở Đà Nẵng. Thế nhưng, hiệu quả tuyên truyền chưa được như mong muốn.

Nguồn: Báo Đà Nẵng
Tìm theo ngày :

Đánh giá

(Di chuột vào ngôi sao để chọn điểm)