Chủ nhật, ngày 19/01/2025

Hung thần trên sông

Thứ năm, 16/06/2011 00:00 GMT+7
Vụ sà lan trọng tải 902 tấn đụng chìm hàng chục ghe, xuồng, sập một nhà dân ven sông Hậu vừa xảy ra tại xã Mỹ Hòa, huyện Bình Minh, tỉnh Vĩnh Long một lần nữa gióng lên hồi chuông cảnh báo về tai nạn nguy hiểm do những “hung thần” đường sông gây ra.
Vụ sà lan trọng tải 902 tấn đụng chìm hàng chục ghe, xuồng, sập một nhà dân ven sông Hậu vừa xảy ra tại xã Mỹ Hòa, huyện Bình Minh, tỉnh Vĩnh Long một lần nữa gióng lên hồi chuông cảnh báo về tai nạn nguy hiểm do những “hung thần” đường sông gây ra.
Ám ảnh
Ở ĐBSCL, sà lan là phương tiện phổ biến trong vận chuyển hàng hóa bằng đường thủy. Trên các tuyến sông lớn như sông Tiền, sông Hậu, sông Cần Thơ, kênh Chợ Gạo, kênh Phụng Hiệp… những nơi có lưu lượng phương tiện đông, đa số những vụ tai nạn lớn đều do sà lan gây ra.
Trước vụ sà lan 902 tấn đâm chìm hàng chục, ghe, xuồng, người dân xã Mỹ Hòa, huyện Bình Minh, tỉnh Vĩnh Long vẫn còn nhớ vào tháng 6-2009, sà lan chở 500 tấn xi măng bị lật chìm ngay khu vực chân cầu Cần Thơ. Nguyên nhân tai nạn do sà lan chở quá tải, bị nghiêng và lập úp. Rất may cả 7 thủy thủ trên sà lan đều kịp nhảy xuống sông thoát nạn.
Cũng trên sông Hậu, cuối năm 2010, người dân khu vực chợ Cái Sắn, phường Mỹ Thạnh, TP Long Xuyên, tỉnh An Giang gặp phen hoảng loạn khi sà lan trọng tải hàng ngàn tấn tông sập 10 căn nhà cặp bờ sông. Hay mới đây, ngày 21-2, tại khu vực ven sông xã Mỹ Hòa Hưng, TP Long Xuyên, sà lan AG-13564H chạy hướng Châu Đốc về Long Xuyên đã đụng chìm một bè cá đang neo đậu cách bờ 200m, làm một người chết và gây thiệt hại khoảng 500 triệu đồng.

Trên tuyến sông Cần Thơ (tuyến giao thông huyết mạch từ Cần Thơ đi Hậu Giang, Kiên Giang) cũng thường xuyên xảy ra những vụ tai nạn nghiêm trọng do sà lan gây ra. Mới đây nhất, ngày 25-5, sà lan CM 21897, trọng tải hàng ngàn tấn đã tông chìm một ghe của người dân đang đậu cặp mé sông. Cũng tại tuyến sông này, trong tháng 3-2010, trong vòng chưa đầy 10 ngày đã có 3 vụ tai nạn do sà lan gây ra.
Cần siết chặt quản lý
Theo Phòng CSGT đường thủy Công an TP Cần Thơ, từ đầu năm 2011 đến nay đã phát hiện và xử phạt hành chính 2.229 trường hợp vi phạm an toàn giao thông đường thủy; trong đó lỗi vi phạm nhiều nhất là chở quá tải và không có bằng lái, chứng chỉ chuyên môn. Đơn vị đã xử phạt tổng số tiền gần 2 tỷ đồng. Tại Đồng Tháp, 6 tháng đầu năm nay, Phòng CSGT đường thủy phát hiện đến 8.000 trường hợp vi phạm, xử phạt 7.524 vụ; trong đó lỗi nhiều nhất vẫn là chở quá tải (63%) và không bằng lái, chứng chỉ chuyên môn (24%).
Trung tá Vũ Đức Hưng, Đội trưởng Đội xử lý Phòng CSGT đường thủy (Công an TP Cần Thơ), cho biết: “Một trong những nguyên nhân dẫn đến tai nạn của các phương tiện lớn như sà lan là do sự chủ quan của người điều khiển. Hầu hết sà lan đều dùng để vận chuyển hàng hóa đường dài nên các thuyền trưởng không điều khiển suốt cả chuyến đi mà thường giao cho thủy thủ không có chứng chỉ chuyên môn cầm lái. Lúc xảy ra sự cố thì không phản ứng không kịp”.
Tại Cần Thơ, trong tổng số trên 1.500 thuyền trưởng đang hành nghề chỉ khoảng 200 người có chứng chỉ chuyên môn sử dụng phương tiện. Qua đó có thể thấy, việc tuân thủ các quy định khi tham gia điều khiển phương tiện thủy chưa được quan tâm. Ý thức chấp hành các quy định về bảo đảm an toàn giao thông đường thủy của người điều khiển phương tiện còn kém.
Để hạn chế tai nạn giao thông đường thủy nói chung và những tai nạn nghiêm trọng do sà lan gây ra nói riêng, đòi hỏi cơ quan chức năng cần tăng cường hơn nữa tuần tra kiểm soát, tuyên truyền, phổ biến Luật Giao thông đường thủy. Bên cạnh đó, cần mạnh tay xử lý nghiêm những phương tiện, người điều khiển vi phạm; đình chỉ hoạt động đối với các phương tiện không đủ điều kiện tham gia giao thông để đảm bảo an toàn tính mạng, tài sản của nhân dân.
VTTH-Theo Báo Sài Gòn giải phóng
Tìm theo ngày :

Đánh giá

(Di chuột vào ngôi sao để chọn điểm)