Thứ tư, ngày 15/01/2025

Kiềm chế tai nạn giao thông: Cần nhiều giải pháp quyết liệt

Thứ hai, 11/07/2011 00:00 GMT+7
Hàng loạt vụ tai nạn giao thông (TNGT) đường bộ, đường sắt xảy ra gần đây, trong đó 3 vụ TNGT xảy ra đồng loạt hôm qua ở Hà Tĩnh, Nghệ An, Thừa Thiên - Huế, làm ít nhất 5 người chết, đã khiến dư luận bàng hoàng. Một lần nữa những hồi chuông cảnh báo về nguy cơ mất an toàn giao thông lại tiếp tục được gióng lên.
Hàng loạt vụ tai nạn giao thông (TNGT) đường bộ, đường sắt xảy ra gần đây, trong đó 3 vụ TNGT xảy ra đồng loạt hôm qua ở Hà Tĩnh, Nghệ An, Thừa Thiên - Huế, làm ít nhất 5 người chết, đã khiến dư luận bàng hoàng. Một lần nữa những hồi chuông cảnh báo về nguy cơ mất an toàn giao thông lại tiếp tục được gióng lên.

Số người chết do TNGT vẫn tăng

Theo báo cáo của Bộ GTVT, sau 4 năm thực hiện NQ số 32/2007/NQ - CP, tình hình TTATGT trên phạm vi cả nước đã chuyển biến tích cực, TNGT đã giảm cả 3 tiêu chí, ùn tắc ở 2 thành phố lớn đã được cải thiện.
Qua thống kê cho thấy, TNGT trong 3 năm (2008- 2010) giảm 791 vụ, số người chết giảm 13,2%, số người bị thương giảm 6%. Trong 5 tháng đầu năm 2011, xảy ra 5.705 vụ TNGT, làm 4.787 người chết, 4.399 người bị thương. Thế nhưng, điều đáng nói, so với cùng kỳ năm 2010 có giảm 15 vụ song số người chết và bị thương lại vẫn tăng. Thêm vào đó, những vụ TNGT thảm khốc vẫn tiếp tục xảy ra.
Rõ ràng, nỗ lực kiềm chế và giảm thiểu TNGT trong thời gian qua chưa có được kết quả thực sự bền vững, số người chết, bị thương do TNGT vẫn ở mức cao và luôn tiềm ẩn nguy cơ gia tăng, vẫn còn xảy ra các vụ TNGT đặc biệt nghiêm trọng trên đường bộ, đường sắt và đường thủy nội địa.
Bộ trưởng Bộ GTVT Hồ Nghĩa Dũng cho rằng, đảm bảo an toàn giao thông là vấn đề mang tính xã hội cấp bách, tuy nhiên sự yếu kém về nhiều mặt, đặc biệt là cơ sở hạ tầng, công trình và trang thiết bị đảm bảo an toàn giao thông còn thiếu, ý thức của người dân đang là nguyên nhân chính khiến TNGT gia tăng. Trong khoảng 10 năm trở lại đây, tốc độ gia tăng hạ tầng giao thông luôn thấp hơn tốc độ gia tăng phương tiện, cụ thể khối lượng vận tải mỗi năm đều tăng 8%-10%, số lượng phương tiện cơ giới đường bộ cũng tăng 13%/năm.
Thống kê mới nhất tại 3 bệnh viện lớn trực thuộc Trung ương (Chợ Rẫy, Huế, Việt - Đức), số người bị chấn thương sọ não vì TNGT đã tăng 14,3% trong năm 2010 và có khoảng 10% số người chết vì TNGT đường bộ có liên quan đến sử dụng rượu, bia.
Bên cạnh đó, việc quản lý phương tiện vẫn còn nhiều kẽ hở khiến dư luận xã hội bức xúc. Đơn cử một thực tế đang diễn ra trong kinh doanh vận tải hiện nay là, nhiều chủ phương tiện khoán thời gian chạy trên hành trình hoặc khoán doanh thu cho lái xe đối với xe khách, khoán chuyến xe đối với xe tải... đã gây sức ép cho lái xe dẫn đến các vụ TNGT do lái xe khách liên tỉnh và các lái xe chở đất đá, vật liệu xây dựng gây ra.
Xử lý mạnh người vi phạm
Trước thực trạng đáng lo ngại về an toàn giao thông đang diễn ra, Bộ GT-VT đã có tờ trình Dự thảo Nghị quyết của Chính phủ về tăng cường thực hiện các giải pháp trọng tâm bảo đảm trật tự ATGT. Bộ GTVT đề xuất tập trung vào một số giải pháp nhằm giảm bớt TNGT như tăng cường xử lý vi phạm người điều khiển phương tiện giao thông uống rượu bia quá liều lượng quy định; lái ô tô, xe máy vi phạm tốc độ lưu thông; không đội nón bảo hiểm. Đồng thời với đó sẽ tiến hành tổng kiểm tra phương tiện cơ giới đường bộ.
Trên cơ sở Nghị quyết 32/2007/NQ-CP, dự thảo nghị quyết tới đây sẽ bổ sung thêm một số giải pháp trong điều kiện Luật Giao thông đường bộ sửa đổi mới được Quốc hội ban hành cũng như phù hợp với một số cam kết quốc tế và tình hình mới có phát sinh. Theo dự thảo nghị quyết đã được Chính phủ xem xét, sẽ bổ sung các giải pháp để kiềm chế và ngăn chặn TNGT trong 3 lĩnh vực có nguy cơ gây tai nạn cao trong thời gian qua là đường bộ, đường sắt và đường thủy nội địa.
Đơn cử đường bộ, nếu trước đây khi triển khai Nghị quyết 32/2007/NQ-CP việc lấy nón bảo hiểm làm điểm nhấn của nghị quyết để triển khai, lần này tập trung vào các sai phạm lái xe sử dụng rượu bia khi tham gia giao thông, bởi số vụ chết vì TNGT liên quan đến rượu bia cao, chiếm 15%-17%.
“Các cơ quan, đoàn thể tổ chức vận động cán bộ, công chức, viên chức, đoàn viên, hội viên gương mẫu chấp hành quy định về nồng độ cồn khi điều khiển phương tiện, không uống rượu, bia trước khi lái xe. Đồng thời ban hành quy định trong cơ quan, đơn vị không uống rượu, bia kể cả liên hoan, tiếp khách trong giờ làm việc, giờ nghỉ trưa”, dự thảo nghị quyết này nêu rõ.
Bộ Công an sẽ huy động lực lượng, tăng cường trang thiết bị kiểm tra nồng độ cồn đối với người điều khiển phương tiện; tổ chức các chiến dịch chuyên đề về vi phạm nồng độ cồn, phát hiện và xử lý nghiêm hành vi vi phạm đối với người lái ô tô, mô tô. Đây là giải pháp quan trọng có tính răn đe cao, để tạo thói quen tự giác chấp hành pháp luật không uống rượu, bia trước khi lái xe.
Bộ trưởng - Chủ nhiệm Văn phòng Chính phủ Nguyễn Xuân Phúc cũng khẳng định, tới đây sẽ xử lý mạnh người uống rượu bia khi điều khiển phương tiện giao thông. Theo yêu cầu của Thủ tướng, các giải pháp, biện pháp bổ sung nhằm tạo những chuyển biến mạnh mẽ trong kiềm chế, ngăn chặn, đẩy lùi TNGT trên toàn quốc.
* Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng vừa biểu dương 10 địa phương thực hiện kiên trì và quyết liệt các biện pháp đồng bộ kiềm chế tai nạn giao thông và giảm người chết trong 3 năm liên tục gồm: TPHCM, Hà Nội, Đồng Nai, Đắc Lắc, Nghệ An, An Giang, Quảng Bình, Hà Nam, Quảng Trị và Đắc Nông. Thủ tướng cũng phê bình lãnh đạo Kiên Giang và Thái Nguyên do để số người chết do tai nạn giao thông tăng liên tục 3 năm liền.

Tunglt (sggp.org.vn)
Tìm theo ngày :

Đánh giá

(Di chuột vào ngôi sao để chọn điểm)