Thứ bảy, ngày 18/01/2025

Kỷ cương nhìn từ mũ bảo hiểm

Thứ tư, 13/07/2011 00:00 GMT+7
Gần đây, hiện tượng người ngồi trên mô tô, xe gắn máy không đội mũ bảo hiểm (MBH) xuất hiện ngày càng nhiều tại hầu hết các địa phương, khiến các ngành chức năng phải mở các đợt “ra quân” để xử lý. Chỉ riêng các quận nội thành ở Hà Nội, theo thống kê chưa đầy đủ, trong nửa cuối tháng 6 vừa qua đã xử lý hơn 2000 trường hợp không đội MBH, trong đó có gần 800 trường hợp vi phạm nghiêm trọng bị giữ phương tiện và giấy tờ xe...
Gần đây, hiện tượng người ngồi trên mô tô, xe gắn máy không đội mũ bảo hiểm (MBH) xuất hiện ngày càng nhiều tại hầu hết các địa phương, khiến các ngành chức năng phải mở các đợt “ra quân” để xử lý. Chỉ riêng các quận nội thành ở Hà Nội, theo thống kê chưa đầy đủ, trong nửa cuối tháng 6 vừa qua đã xử lý hơn 2000 trường hợp không đội MBH, trong đó có gần 800 trường hợp vi phạm nghiêm trọng bị giữ phương tiện và giấy tờ xe...
Theo báo cáo của ngành chức năng, hơn 80% đối tượng vi phạm quy định về đội MBH là thanh niên và tình trạng chung là cùng lúc mắc nhiều lỗi, như: Không đội MBH, chở quá số người quy định, phóng nhanh vượt ẩu, không có giấy phép lái xe, thiếu giấy tờ xe... Nhiều trường hợp khi bị kiểm tra xử lý đã có những lời nói và hành vi xúc phạm, chống người thi hành công vụ. Đặc biệt gần đây, hiện tượng đi xe gắn máy đắt tiền không đội MBH đang được coi là “mốt” trong một bộ phận thanh niên (!).
Đội MBH khi ngồi trên mô tô, xe gắn máy tham gia giao thông là lẽ đương nhiên ở các nước văn minh. Ở nước ta, phải mất một thời gian dài tuyên truyền, vận động, thí điểm và bắt buộc, quy định về việc đội MBH mới được thực hiện nghiêm và thống nhất. Chính vì thế, tình trạng vi phạm quy định này trong thời gian qua là một hiện tượng đáng báo động trong công tác bảo đảm trật tự an toàn giao thông, cần được chấn chỉnh kịp thời. Cùng với các biện pháp tăng cường kiểm tra và xử lý của các lực lượng chức năng, nên chăng cần tăng mức xử phạt đủ sức răn đe phòng ngừa? Đặc biệt, cần tạo được dư luận rộng rãi phê phán hiện tượng này, coi đây không chỉ là phạm luật mà còn là hành vi lệch chuẩn đạo đức xã hội và văn hóa công cộng. Được biết, trong 6 tháng vừa qua, công an thành phố Hà Nội đã gửi gần 10.000 thông báo các đối tượng vi phạm luật giao thông về các xã, phường, trường học, cơ quan... nhưng chỉ nhận được hơn... 100 phản hồi phối hợp giáo dục, xử lý. Thực tế này cũng là một trong những nguyên nhân khiến những nỗ lực trong việc bảo đảm trật tự an toàn giao thông nói chung và duy trì quy định về đội MBH nói riêng còn gặp nhiều khó khăn và kém hiệu quả.
Không đội MBH khi ngồi trên mô tô, xe gắn máy tham gia giao thông là vi phạm luật giao thông. Tuy hành vi này không đến mức đặc biệt nghiêm trọng như một số phạm pháp hình sự, nhưng đây là hoạt động có tính cộng đồng cao nên dễ “lây lan” và đến lúc đó việc vãn hồi trật tự sẽ rất khó khăn phức tạp. Vả lại, an toàn giao thông đang là một trong những vấn đề nóng bỏng, bức xúc của đời sống xã hội. Kiên quyết chấn chỉnh kịp thời và xử lý nghiêm minh những trường hợp vi phạm quy định về đội MBH không chỉ là biện pháp góp phần giải quyết một trong những vấn đề nóng bỏng, bức xúc trong đời sống hiện nay, mà còn là biện pháp ngăn chặn, răn đe những biểu hiện “nhờn luật”, góp phần tăng cường hiệu quả quản lý xã hội, giữ gìn kỷ cương phép nước.
Trần Tiềm theo http://yenbai.gov.vn
Tìm theo ngày :

Đánh giá

(Di chuột vào ngôi sao để chọn điểm)