Theo thống kê, trung bình mỗi năm ở nước ta có trên 13.000 vụ TNGT, làm chết trên 11.000 người. Ngành y tế nhận định, nếu được sơ cấp cứu kịp thời, có thể giảm được khoảng 10% số ca tử vong nói trên.
|
Cấp cứu bệnh nhân bị tai nạn giao thông tại BV Việt Đức |
Phần nhiều không được cấp cứu ngay
Tại BV Việt Đức - BV ngoại khoa hàng đầu khu vực miền Bắc cũng như cả nước, thường xuyên phải tiếp nhận các bệnh nhân bị TNGT từ các tuyến dưới chuyển lên, trong đó rất nhiều bệnh nhân nặng đã tử vong ngay khi vừa đến BV. Trong năm 2008, BV Việt Đức tiếp nhận 16.813 trường hợp cấp cứu TNGT, trung bình mỗi ngày có 50 bệnh nhân bị TNGT cấp cứu. Đáng nói, theo các bác sĩ BV này thì có một tỷ lệ không nhỏ trong số các ca tử vong do TNGT có thể tránh khỏi cái chết nếu được cấp cứu kịp thời trong thời gian sớm nhất sau khi bị tai nạn…
Tính rộng trên phạm vi toàn quốc, vào tháng 11-2007, trong khuôn khổ dự án An toàn giao thông đường bộ do Ngân hàng Thế giới tài trợ, đã tiến hành khảo sát thực trạng về cơ sở vật chất và trang thiết bị của các cơ sở y tế nằm dọc 3 tuyến quốc lộ: Hà Nội - Nghệ An, TP Hồ Chí Minh - Cần Thơ và TP Hồ Chí Minh - Bà Rịa Vũng Tàu. Qua theo dõi từ các BV, trạm y tế dọc các tuyến quốc lộ thí điểm nói trên cho thấy, trong năm có 102.719 trường hợp bị TNGT, nhưng chỉ có 28,9% trong số này được nằm viện và 714 người tử vong (chiếm 0,6%). Những người thực hiện cuộc khảo sát này sau đó đã đi đến kết luận, nếu công tác cấp cứu TNGT được thực hiện tốt hơn, kịp thời hơn thì có thể giảm được 10% số tử vong do TNGT hàng năm trên các tuyến đường quốc lộ.
Rõ ràng, để giảm số ca tử vong do TNGT thì việc xây dựng và tăng cường hiệu quả của hệ thống cấp cứu TNGT đường bộ đóng một vai trò quan trọng. Tuy nhiên, hiện hệ thống và khả năng cấp cứu y tế với các trường hợp bị tai nạn giao thông ở nước ta còn hạn chế, yếu kém. Mặc dù hầu hết các tuyến đường quốc lộ đều có các trạm y tế với mật độ trung bình khoảng 7km/trạm, tuy nhiên có trạm y tế nằm xa đường quốc lộ và khoảng cách giữa các trạm không đồng đều. Hơn nữa, phần lớn các trạm tập trung ở phần đông dân cư, tại một số đường cao tốc mới mở, chẳng hạn như đoạn Pháp Vân - Cầu Giẽ, có rất ít hoặc không có trạm y tế nằm dọc theo đường quốc lộ. Thêm nữa, trình độ của cán bộ y tế tại các trạm rất hạn chế khiến năng lực cấp cứu TNGT đường bộ không cao.
Cùng vào cuộc
Trước thực trạng trên, Bộ Y tế đang nghiên cứu xây dựng đề án về việc nâng cao năng lực cấp cứu TNGT, trong đó hướng đến mục tiêu xây dựng, bổ sung và củng cố hệ thống cấp cứu tại các tuyến, đủ khả năng đáp ứng tốt với cấp cứu tai nạn thương tích nói chung và TNGT nói riêng. Theo ông Khuê, để đạt được điều này, đề án nhấn mạnh vào việc các Bộ cần xây dựng hệ thống các trạm cấp cứu TNGT dọc trên các tuyến quốc lộ đảm bảo tiếp nhận và cấp cứu ban đầu TNGT. Khi có thông báo tai nạn, chỉ sau 10 - 15 phút, cán bộ y tế có thể tiếp cận với người bị nạn, tổ chức cấp cứu ban đầu tại hiện trường và vận chuyển cấp cứu người bị nạn đến các cơ sở y tế an toàn.
Về phía Bộ Giao thông vận tải, theo ý kiến của lãnh đạo Cục Đường bộ, về lâu dài, ngoài việc bố trí hệ thống các trạm và tổ chức công tác cấp cứu thì trước mắt cần xây dựng thí điểm nhiều trung tâm tìm kiếm cứu nạn ngành Đường bộ. Cụ thể tại một số tuyến đường quốc lộ như: QL18 (thị trấn Tiên Yên, huyện Tiên Yên, tỉnh Quảng Ninh), QL5 tại Km58+500 (Nam Sách, Hải Dương), QL6 tại Km405 (Tuần Giáo, tỉnh Điện Biên), QL4D tại Km105 (Sa Pa, tỉnh Lào Cai), QL3 tại Km225+950 (xã Bằng Vân, huyện Ngân Sơn, tỉnh Bắc Kạn)…
Bên cạnh đó, theo ý kiến của các thành viên Ban soạn thảo đề án nâng cao năng lực cấp cứu TNGT (Bộ Y tế), cần huy động sự tham gia của người dân, cộng đồng cùng vào cuộc. Hiện tại nhiều địa phương đã có những cá nhân, tập thể tích cực tình nguyện tham gia cấp cứu người bị TNGT trên các tuyến đường và được báo chí nhiều lần ca ngợi. Đó là những mô hình cần khuyến khích, động viên.
Theo ANTD