Thứ bảy, ngày 11/01/2025

Kết quả phòng chống TNGT đường bộ tại Việt Nam của ngành Y tế và kế hoạch triển khai giai đoạn 2011-2015

Thứ tư, 20/04/2011 00:00 GMT+7
Bao cáo của Cục Quản lý môi trường y tế tại Hội nghị quốc tế báo cáo Chiến lược bảo đảm trật tự ATGT đường bộ quốc gia đến năm 2020 và tầm nhìn đến năm 2030
Bao cáo của Cục Quản lý môi trường y tế tại Hội nghị quốc tế báo cáo Chiến lược bảo đảm trật tự ATGT đường bộ quốc gia đến năm 2020 và tầm nhìn đến năm 2030
PHẦN 1: KẾT QUẢ CÔNG TÁC PHÒNG CHỐNG TAI NẠN GIAO THÔNG ĐƯỜNG BỘ CỦA NGÀNH Y TẾ 2002-2010
1. Tình hình tai nạn giao thông đường bộ tại Việt Nam
Cũng như các nước đang phát triển, Việt Nam đang đối mặt với tình trạng tai nạn giao thông có xu hướng gia tăng. Theo báo cáo tình hình tai nạn thương tích định kỳ trong ngành y tế từ năm 2005-2010 cho thấy: mỗi năm trung bình cả nước có 420.280 trường hợp mắc tai nạn giao thông. Tỉ suất mắc do TNGT có xu hướng tăng từ năm 2005 đến năm 2007, giảm vào năm 2008, rồi tiếp tục tăng vào mạnh vào năm 2009 và giảm nhẹ trong năm 2010. So với năm 2005, tỉ suất mắc tai nạn giao thông năm 2010 đã tăng lên gấp 2,6 lần.
Tổng hợp báo cáo từ 48 bệnh viện thực hiện Quyết định 1356/QĐ-BYT ngày 18/4/2008 của Bộ trưởng Bộ Y tế về việc báo cáo tình hình TNGT nhập viện năm 2010 cho thấy tỉ lệ tai nạn giao thông đến cấp cứu tại bệnh viện chiếm 31,2% trong tổng số tai nạn thương tích. Nam giới (73%) mắc TNGT cao hơn nữ. Tỷ lệ trẻ em dưới 19 tuổi mắc tai nạn giao thông phải nhập viện là 23,9 %. Trong số các trường hợp TNGT tới cấp cứu có 29,8% nạn nhân bị chấn thương sọ não (tăng 4.5% so với năm 2009), 75,2% trường hợp chấn thương sọ não là nam giới.
Thống kê tử vong tại cộng đồng của ngành y tế cho thấy tai nạn giao thông là nguyên nhân chính gây tử vong do tai nạn thương tích. Tử vong do tai nạn giao thông cao gấp 2,4 lần so với đuối nước và ngộ độc; gấp 5 lần so với tự tử; tai nạn lao động và các loại tai nạn khác. Tỉ suất tử vong do tai nạn giao thông có xu hướng giảm nhẹ từ trong giai đoạn từ 2005-2009.
Theo hệ thống báo cáo tử vong của ngành y tế, năm 2009, Thanh Hoá là địa phương có tổng số trường hợp tử vong do tai nạn giao thông cao nhất, tiếp đến là Hà Nội, Đồng Nai, Nghệ An. Hầu hết các tỉnh có số ca tử vong do tai nạn giao thông cao đều nằm trên các trục đường quốc lộ hoặc là các khu dân cư đông người.
Về độ tuổi, phần lớn tử vong do tai nạn giao thông đường bộ tập trung trong nhóm tuổi từ 20-59 (chiếm trên 75 % tổng số tử vong do tai nạn giao thông). Đối với trẻ em và vị thành niên dưới 19 tuổi, trong 02 năm 2008-2009, tỉ suất tử vong trung bình 1 năm là 20/100.000 trẻ. Trong đó, chủ yếu tập trung ở nhóm tuổi từ 15-19, chiếm 74,7% tổng số trường hợp tử vong do tai nạn giao thông ở nhóm dưới trẻ dưới 19 tuổi. Nam có nguy cơ tử vong do tai nạn giao thông cao hơn nữ.
Thống kê các trường hợp tai nạn giao thông nhập viện năm 2010 cho thấy, Tỉ lệ tử vong và nặng xin về trên tổng số tai nạn giao thông là 1,5% (giảm 1.1% so với năm 2009), trong đó nam chiếm 81,9%. Tỉ lệ tử vong ở nhóm trẻ dưới 19 tuổi chiếm 17,8%
Báo cáo từ nghiên cứu nguyên nhân tử vong ở Việt Nam từ năm 2008-2010 do các trường Đại học Y thực hiện vừa được công bố vào tháng 3/2011 cũng cho thấy tai nạn giao thông cũng là nguyên nhân gây tử vong hàng đầu ở cả nam và nữ, chiếm 11,7% tổng số tử vong nói chung.
2. Chi phí thiệt hại do thương tích giao thông đường bộ
Điều tra hộ gia đình về tai nạn thương tích tại Thừa Thiên Huế và Long An năm 2004 cũng cho thấy: chi phí điều trị do người bị tai nạn thương tích chi trả ước tính hàng năm ở Huế là trên 70 tỷ đồng và Long An là gần 64 tỷ đồng.
Báo cáo giám sát tai nạn thương tích tại bệnh viện năm 2006, tổng viện phí cho hơn 10.000 trường hợp là 11.820.010.000 đồng. Trung bình viện phí cho một tai nạn thương tích tại bệnh viện là 1.084.973,72 đồng. Số tiền này nhiều hơn mức thu nhập bình quân của một người lao động bình thường trong một tháng. Trong đó, 60,24% trường hợp viện phí dưới 500 ngàn; 30,45% số trường hợp có viện phí điều trị từ 1 – 5 triệu đồng. Cá biệt có 10 trường hợp (0,09%) tổng viện phí điều trị trên 25 triệu đồng.
Nghiên cứu của Viện Chiến lược Chính sách y tế và Bệnh viện Việt Đức ở các bệnh nhân chấn thương sọ não do tai nạn xe máy đã xuất viện từ tháng 6-12/2005 cho thấy: chấn thương càng nặng thì thời gian điều trị tại cơ sở y tế và ở nhà càng dài. 60% bệnh nhân chấn thương sọ não nặng không thể đi làm hay thực hiện được các công việc hàng ngày. Bình quân số năm sống mất đi do tàn tật một năm sau chấn thương là 5,5 tháng; 3 tháng và 1,8 tháng lần lượt cho một trường hợp chấn thương sọ não nặng, trung bình và nhẹ.
 
3 Các nguyên nhân và yếu tố có liên quan đến tỷ lệ mắc và tử vong do thương tích giao thông đường bộ
Đội mũ bảo hiểm
Thống kê các trường hợp tai nạn giao thông cấp cứu đến bệnh viện năm 2010 cho thấy tỉ lệ không đội mũ bảo hiểm (MBH) trong nhóm bị chấn thương sọ não chiếm 12%, tỉ lệ đội mũ bảo hiểm không cài quai trên số tai nạn giao thông là 2,3%.
Điều tra về hiệu quả của quyết định đội MBH do Cục Quản lý môi trường y tế thực hiện năm 2008 (1 năm sau khi ban hành Nghị quyết 32 về một số giải pháp cấp bách nhằm kiềm chế tai nạn giao thông) tại 05 tỉnh TP. Hồ Chí Minh, Tiền Giang, Hà Nội, Thừa Thiên Huế và Hoà Bình cho thấy 30% số người dân chưa nắm vững Quy định bắt buộc đội MBH mọi người ngồi trên xe và trên mọi tuyến đường.
Số người vi phạm quy định đội MBH trung bình chiếm 10%, Hà Nội chiếm cao nhất 15,3%, Huế 12,3%, thấp nhất là Tiền Giang 3,5%. Mức độ vi phạm 1 lần chiếm đa số gần 89%, 2 lần 10%, số vi phạm 3 lần rất ít. So sánh vi phạm qui định đội mũ bảo hiểm theo giới và nghề nghiệp cho thấy tỉ lệ vi phạm của nữ cao hơn nam giới nhóm nghề tự do và học sinh sinh viên ở cả 1, 2 lần vi phạm. Nhóm nghỉ hưu, thất nghiệp, xe ôm, xe thồ chủ yếu là nam giới vi phạm. Tìm hiểu mối liên quan việc sử dụng MBH theo giới cho thấy nam giới không đội mũ cao hơn nữ giới 1,4 lần. Mối liên quan theo nghề nghiệp thì nhóm sinh viên, học sinh không đội mũ cao hơn nhóm công chức 2,1 lần; nhóm nghề tự do cao hơn nhóm công chức 1,06 lần. Theo khoảng cách đi lại cho thấy đi lại trên 5 km tỉ lệ không đội MBH cao hơn 2,2 lần khi đi trên 10 km, còn đi lại từ 6-10 km tỉ lệ không đội MBH cao hơn 1,2 lần so với đi lại trên 10km nhưng không có ý nghĩa thống kê.
Kết quả quan sát việc đội mũ bảo hiểm tại 05 tỉnh trên cho thấy trong tổng số người điều khiển xe máy vào ngày làm việc, tỉ lệ không đội mũ là 8,7% và đội không đúng cách là 3,3%. Tỉ lệ cao như nhau vào các buổi sáng, chiều và tối; thấp nhất vào buổi trưa. Vào ngày nghỉ cuối tuần tỉ lệ không đội mũ là 12% và đội không đúng cách là 3,2%, tỉ lệ cao nhất vào buổi trưa, buổi tối, và thấp nhất vào buổi chiều.
Uống rượu bia khi tham gia giao thông
Kết quả điều tra tình hình tai nạn thương tích tại cộng đồng tại tỉnh Hải Dương của Trường Đại học Y Hà Nội năm 2005 cho thấy gần một phần ba lái xe máy bị tai nạn giao thông trả lời thường xuyên hoặc thỉnh thoảng có uống rượu trước khi lái xe.
Điều tra tình hình tai nạn giao thông liên quan đến rượu bia tại Từ Liêm ( Hà Nội) và Khoái Châu ( Hưng Yên) năm 2007-2008 cho thấy 29,1% trường hợp được ghi nhận có sử dụng rượu bia trước khi xảy ra tai nạn. Cũng theo điều tra này, thực hành của người dân về an toàn giao thông và an toàn giao thông liên quan đến sử dụng rượu bia chưa tốt: từng điều khiển xe máy ngay sau khi uống rượu bia (70,8%), ngồi sau xe máy do người vừa uống rượu bia điều khiển (80,2%).
Kết quả điều tra tại 05 trung tâm chấn thương là bệnh viện Việt Đức, bệnh viện đa khoa tỉnh Yên Bái, bệnh viện đa khoa Bình Dương, bệnh viện đa khoa Đà Nẵng và bệnh viện chấn thương chỉnh hình TP. Hồ Chí Minh từ tháng 8-10/2009 cho thấy trong tổng số 3774 bệnh nhân bị tai nạn giao thông đến viện, có 67.5 % số trường hợp (2547) ghi nhận có cồn trong máu. Đối với 2547 trường hợp có cồn trong máu, có đến 58,5% số trường hợp có nồng độ cồn vượt quá giới hạn cho phép 50mg/dl. Trong đó, nam chiếm đến hơn 95%. Phần lớn nam giới có điều khiển xe máy sau khi uống rượu bia, chiếm từ 64% tại Đà Nẵng đến 96% tại TP. Hồ Chí Minh
Đáp ứng cấp cứu tai nạn giao thông của các cơ sở y tế
Điều tra tại Từ Liêm giai đoạn 1999-2004 do Tổ chức Y tế thế giới tài trợ cho thấy chỉ có 30% nạn nhân tai nạn giao thông đường bộ được sơ cấp cứu tại hiện trường. Trong đó, chỉ có 10% trường hợp được sơ cấp cứu bởi các nhân viên y tế.
Theo báo cáo giám sát tai nạn thương tích tại bệnh viện 2005-2006, có đến 55% bệnh nhân chưa được xử trí ban đầu ngay sau khi bị tai nạn. Chất lượng xử trí cấp cứu ban đầu chưa đúng kỹ thuật với các thao tác đơn giản như cố định xương (5,52%) và cầm máu ( 7,16%).
Nghiên cứu tại Hà Nội và Thừa Thiên Huế năm 2006 cũng cho thấy trên 50% số trường hợp bị thương tích giao thông đường bộ được đưa đến các cơ sở y tế để xử trí bằng phương tiện xe ôm hoặc xe máy, mà không có sự hỗ trợ từ bất kỳ chuyên môn y tế nào.
Khả năng đáp ứng cấp cứu tại nhiều cơ sở y tế còn chưa đạt tiêu chuẩn để đảm bảo chăm sóc chấn thương thiết yếu theo hướng dẫn của Tổ chức Y tế thế giới. Theo nghiên cứu tại cơ sở y tế các tuyến về chăm sóc chấn thương thiết yếu tại Hải Dương và Quảng Trị năm 2006 cho thấy: thiếu thuốc điều trị chiếm 7,2%, thiếu trang thiết bị chiếm 21,8%, kiểm soát hô hấp chỉ đạt 26,19%-84,17 số chỉ tiêu thiết yếu ( tuyến quận/huyện), chăm sóc chấn thương ngực tại tuyến tỉnh có nơi chỉ đạt 64,29% số chỉ tiêu thiết yếu. Về kỹ năng thực hành cấp cứu, điều trị tai nạn thương tích, có tới 7,98% số nhân viên y tế các tuyến chưa đạt yêu cầu.
 
4. Các hoạt động phòng chống tai nạn giao thông đường bộ của ngành y tế từ năm 2002-2010
4.1 Văn bản pháp quy:
Trong Chính sách quốc gia phòng, chống tai nạn thương tích giai đoạn 2002-2010, Bộ Y tế chịu trách nhiệm triển khai các hoạt động PCTNTT (trong đó có tai nạn giao thông đường bộ) tập trung vào các nội dung giám sát thống kê tai nạn thương tích, tổ chức tuyên truyền nâng cao nhận thức cho người dân về PCTNTT, chăm sóc sức khoẻ, phục hồi chức năng cho người bị nạn và xây dựng cộng đồng an toàn
Ngày 29/6/2007, sau khi Chính phủ đã ban hành Nghị quyết 32/2007/NQ-CP về một số giải pháp cấp bách nhằm kiềm chế tai nạn giao thông và ùn tắc giao thông, trong đó có quy định bắt buộc người dân đội mũ bảo hiểm trên tất cả các tuyến đường từ ngày 15/12/2008, Bộ Y tế cũng đã xây dựng Chỉ thị số 04/2007/CT-BYT ngày 08/11/2007 của Bộ trưởng Bộ Y tế về việc triển khai thực hiện Nghị quyết 32/2007/NQ-CP.
Trên cơ sở chỉ thị này và theo chức năng nhiệm vụ, Bộ Y tế cũng đã ban hành các văn bản pháp quy góp phần kiềm chế tai nạn giao thông:
 Quyết định số 1356/QĐ-BYT ngày 18/4/2008 về việc báo cáo các trường hợp tai nạn giao thông đến cấp cứu tại bệnh viện.
Quyết định số 12/2008/QĐ-BYT ngày 27/2.2008 về tiêu chuẩn kiến thức, kỹ năng của nhân viên y tế và trang thiết bị trong chăm sóc chấn thương thiết yếu
Quyết định số: 01 /2008/QĐ-BYT ngày 21 /01 / 2008 về việc ban hành quy chế cấp cứu, hồi sức tích cực và chống độc
Quyết định 933/QĐ-BYT ngày 23/3/2010 ban hành Quy định về đo nồng độ cồn (Etanol) trong máu” áp dụng trong các bệnh viện
4.2 Về thông tin – giáo dục - truyền thông: 
* Tại TW:
Bộ Y tế đã phối hợp với các Bộ, ngành liên quan tổ chức các hoạt động hưởng ứng Ngày sức khỏe thế giới 7/4 về An toàn giao thông đường bộ, Tuần lễ An toàn giao thông đường bộ toàn cầu 23-29/4/2007. Cục Quản lý môi trường y tế ( trước đây là Cục Y tế dự phòng Việt Nam) đã tổ chức lễ phát động đội mũ bảo hiểm trong cán bộ công chức của Cục vào tháng 9/2007.
Xây dựng và phân phát 124.500 tờ rơi và áp phích về tai nạn giao thông, Biên soạn và in ấn gần 10.000 bản thư tin phòng chống tai nạn thương tích các số, duy trì website phòng chống tai nạn thương tích, xây dựng băng VCD, băng casset thông điệp trên truyền hình tập trung vào các nội dung: đội mũ bảo hiểm khi tham gia giao thông, không uống rượu lái xe, hạn chế tốc độ, tuân thủ quy định về an toàn giao thông đường bộ, sơ cấp cứu tai nạn giao thông cho cộng đồng và các đối tượng như công an, lái xe ôm, lái xe taxi, tình nguyện viên chữ thập đỏ.
* Tại cộng đồng:
Các hoạt động tuyên truyền về an toàn giao thông đường bộ đã được lồng ghép trong phong trào tại cộng đồng của ngành y tế như làng văn hóa sức khỏe và xây dựng gia đình an toàn, trường học an toàn và cộng đồng an toàn. Ngành y tế đã triển khai hơn 30 cuộc thi tìm hiểu về an toàn giao thông đường bộ cho học sinh các trường tiểu học và trung học.
Xây dựng được 112 góc truyền thông phòng chống tai nạn thương tích (trong đó có thương tích do giao thông đường bộ) tại các trạm y tế xã.  
Ngoài ra, các góc truyền thông còn được triển khai tại các bệnh viện.
4.3 Về hệ thống giám sát tai nạn thương tích:
Bộ Y tế đã ban hành Quyết định bổ sung biểu mẫu báo cáo tai nạn thương tích vào hệ thống thống kê của ngành y tế. Các trường hợp mắc và tử vong do tai nạn giao thông tại cộng đồng được thu thập và báo cáo qua hệ thống giám sát này dựa vào sổ A1/YTCS và A6/YTCS. Số liệu thu thập được qua hệ thống giám sát này giúp xây dựng các kế hoạch hành động và đánh giá các chương trình can thiệp tại cộng đồng. Số liệu này phản ánh chính xác số trường hợp tử vong do tai nạn giao thông tại cộng đồng và số liệu này thường cao hơn số báo cáo của ngành giao thông và công an khoảng 20%.
Thống kê cho thấy có 50/100 bệnh viện TW và bệnh viện tỉnh có báo cáo hàng tuần về tai nạn giao thông cung cấp những thông tin chi tiết và cụ thể về tình hình tai nạn giao thông bao gồm tổng số các bệnh nhân bị tai nạn giao thông đến cấp cứu tại bệnh viện, tình hình chấn thương sọ não, thông tin liên quan đến mũ bảo hiểm, sử dụng rượu bia khi tham gia giao thông, phương tiện gây tai nạn giao thông
Ngoài ra, ngành y tế còn triển khai nhiều nghiên cứu và điều tra như đánh giá hiệu quả của quyết định đội mũ bảo hiểm bắt buộc, đo nồng độ cồn trong máu ở những người điều khiển phương tiện cơ giới, nâng cao nhận thức của người dân về tai nạn giao thông.
4.4 Về sơ cứu, cấp cứu và phục hồi chức năng
Nhiều hoạt động củng cố và tăng cường tổ chức, nhân lực, trang thiết bị, phương tiện vận chuyển, hạ tầng cơ sở phục vụ cấp cứu tai nạn, thương tích nhằm tiếp cận nhanh chóng, cứu chữa kịp thời, hiệu quả cho nạn nhân, hạ thấp tỷ lệ tử vong, hạn chế hậu quả, di chứng tàn tật, giảm chi phí cho người bệnh và xã hội đã được triển khai. Các đề án tăng cường hệ thống cấp cứu tai nạn thương tích đặc biệt là tai nạn giao thông cũng đã được xây dựng và trình Chính phủ.
Hệ thống tư vấn và vận chuyển cấp cứu tai nạn thương tích cũng đang được triển khai tại Hà Nội và Thừa Thiên Huế. Đồng thời, ngành y tế cũng đang triển khai một số mô hình vận chuyển cấp cứu ngoài xe cứu thương như mô tô cứu thương.
Tổ chức tập huấn về sơ cấp cứu ban đầu cho cộng tác viên, tình nguyện viên chữ thập đỏ, cảnh sát giao thông, lái xe, tax, xe ôm, các lực lượng cứu hộ và chăm sóc chấn thương ban đầu cho cán bộ y tế tuyến tỉnh và huyện.
Hiện nay, hệ thống tăng cường chăm sóc chấn thương trước viện đang được triển khai tại 05 tỉnh Hà Nội, Đồng Nai, Thừa Thiên Huế, Hưng Yên và TP. Hồ Chí Minh với các hoạt động nâng cao năng lực về chăm sóc chấn thương trước viện, ghi chép báo cáo và truyền thông cho tình nguyện viên và cộng tác viên.
4.5 Về xây dựng các mô hình an toàn tại cộng đồng:
Từ năm 2002, mô hình cộng đồng an toàn đã được triển khai tại 112 xã thuộc 12 tỉnh trên toàn quốc. Các can thiệp nhằm phòng chống tai nạn giao thông tại cộng đồng bao gồm: đưa tiêu chí về an toàn giao thông vào tiêu chí xây dựng gia đình an toàn, xây dựng panô tuyên truyền về an tòan giao thông đặt tại các chốt giao thông, trong trường học, các nhà văn hóa, lăp đặt biển báo hạn chế tốc độ, gờ giảm tốc, sửa chữa, phát quang các vật che khuất các tuyến đường giao thông. Tại các xã xây dựng cộng đồng an toàn, năm 2002 tỉ suất tử vong/10000 dân do tai nạn giao thông là 7,6/100.000 dân thì sau 03 năm triển khai thí điểm chương trình xây dựng cộng đồng an toàn, đến năm 2005, số này đã giảm xuống còn 4,9/100.000 dân (giảm 35%).
Cho đến tháng 12 năm 2010, đã có 42 cộng đồng được công nhận là cộng đồng an toàn Việt Nam tại 13 tỉnh đó là Hải Dương, Hải Phòng, Quảng Trị, Huế, Cần Thơ, Đồng Tháp, Hà Nội, Hưng Yên, Lâm Đồng, Long An, Ninh Bình, Quảng Ninh, Bình Định, trong đó 10 cộng đồng được công nhận là thành viên của mạng lưới cộng đồng an toàn Quốc tế.
5. Khó khăn và tồn tại:
-           Nhận thức và ý thức của người dân về vấn đề an toàn giao thông tuy có chuyển biến nhưng chưa cao. Đặc biệt, thanh thiếu niên là nhóm đối tượng mà ý thức về việc chấp hành các quy định an toàn trong tham gia giao thông còn nhiều hạn chế.
-           Cơ sở hạ tầng giao thông chưa đáp ứng được nhu cầu an toàn.
-           Hệ thống thông tin giám sát báo cáo số liệu tai nạn giao thông tuy đã được triển khai nhưng vẫn còn nhiều đơn vị không thực hiện do thiếu nguồn lực. Việc phối hợp trong giám sát tai nạn giao thông còn hạn chế và chưa kịp thời
-           Công tác sơ cấp cứu trước khi đến bệnh viện chưa được đảm bảo về chất lượng và chưa có sự phối hợp tốt giữa các tuyến.
-           Kinh phí dành cho hoạt động còn hạn chế.
PHẦN 2: KẾ HOẠCH TRIỂN KHAI HOẠT ĐỘNG PHÒNG CHỐNG TAI NẠN GIAO THÔNG CỦA NGÀNH Y TẾ TRONG GIAI ĐOẠN 2011-2015
1. Mục tiêu chung:
Tăng cường năng lực của ngành y tế trong công tác phòng chống tai nạn giao thông đường bộ góp phần giảm tỉ lệ mắc và tử vong do tai nạn giao thông
2. Mục tiêu cụ thể:
1.         Giám sát, nghiên cứu tai nạn giao thông và tình hình sử dụng rượu bia có liên quan đến tai nạn giao thông tại một số bệnh viện TW và tuyến tỉnh trên toàn quốc.
2.         Tăng cường các hoạt động nhận thức truyền thông về phòng chống tai nạn giao thông tại cộng đồng và bệnh viện.
3.         Triển khai các mô hình phòng chống tai nạn giao thông trong cộng đồng thông qua phong trào cộng đồng an toàn
4.         Nâng cao năng lực chăm sóc chấn thương trước viện, cấp cứu góp phần làm giảm tử vong và thương tích nặng do tai nạn giao thông.
3. Các giải pháp
3.1. Giải pháp xã hội:
-           Tăng cường sự ủng hộ, tham gia chương trình phòng chống tai nạn thương tích của chính quyền các cấp và các ban ngành, đoàn thể có liên quan.
-           Đẩy mạnh các hoạt động tuyên truyền, vận động lãnh đạo chính quyền địa phương và các ban ngành đoàn thể liên quan .
-           Phối hợp với các ngành Giao thông, Công an để quản lý số liệu tai nạn giao thông
-           Tiếp tục bổ sung, hoàn chỉnh và ban hành các chính sách, chế độ, quy định liên quan đến lĩnh vực phòng chống tai nạn giao thông.
3.2. Giải pháp kỹ thuật
-           Đẩy mạnh công tác thông tin - giáo dục - truyền thông tại cơ sở y tế và tại cộng đồng nhằm nâng cao nhận thức cho các đối tượng, các tổ chức và các nhà lãnh đạo về tầm quan trọng, ý nghĩa xã hội, gia đình và cộng đồng trong hoạt động phòng chống tai nạn giao thong đường bộ.
-           Tăng c¬ường các hoạt động giám sát, thu thập số liệu và phiên giải các kết quả theo từng năm để đánh giá, bổ sung các chỉ tiêu, các hoạt động tại các địa phương và cộng đồng. Phối hợp đối chiếu số liệu với công an
-           Triển khai các nghiên cứu, điều tra về nguy cơ tai nạn giao thông và hiệu quả của các can thiệp
-           Triển khai các can thiệp, tập trung vào các can thiệp an toàn phòng chống tai nạn giao thông trong cộng đồng.
-           Tổ chức tốt công tác sơ cấp cứu, cứu hộ, cứu nạn.
-           Nâng cao vai trò quản lý chỉ đạo, xây dựng và thực hiện các văn bản pháp quy liên quan đến phòng chống tai nạn thương tích.
3.3. Giải pháp nâng cao năng lực về quản lý và tăng cường nguồn lực
-           Tăng cường năng lực cho mạng lưới làm công tác phòng chống tai nạn thương tích nói chung.
-           Tăng cường công tác kiểm tra, giám sát các hoạt động của chương trình phòng chống tai nạn thương tích tại các tuyến.
-           Huy động nguồn lực trong nước từ các chương trình y tế ở trung ương, địa phương, các tổ chức xã hội, tổ chức quốc tế, tổ chức phi chính phủ để đảm bảo nguồn lực cho chương trình phòng chống tai nạn thương tích.
-           Mở rộng xây dựng các mô hình an toàn tại cộng đồng.
Tìm theo ngày :

Đánh giá

(Di chuột vào ngôi sao để chọn điểm)