Thứ bảy, ngày 11/01/2025

Giáo dục ATGT đường bộ cho HSSV – Thực trạng và giải pháp

Thứ tư, 20/04/2011 00:00 GMT+7

Báo cáo tham luận của Vụ Công tác học sinh, sinh viên - Bộ Giáo dục và Đào tạo tại Hội nghị quốc tế báo cáo Chiến lược bảo đảm trật tự ATGT đường bộ quốc gia đến năm 2020 và tầm nhìn đến năm 2030

Báo cáo tham luận của Vụ Công tác học sinh, sinh viên - Bộ Giáo dục và Đào tạo tại Hội nghị quốc tế báo cáo Chiến lược bảo đảm trật tự ATGT đường bộ quốc gia đến năm 2020 và tầm nhìn đến năm 2030
Trong đời sống xã hội, pháp luật giữ một vai trò đặc biệt quan trọng, pháp luật là phương tiện không thể thiếu để bảo đảm cho sự tồn tại, phát triển của xã hội. Việc giáo dục ý thức trách nhiệm đối với bản thân, gia đình, xã hội, thế giới tự nhiên hay ý thức chấp hành pháp luật là điều vô cùng quan trọng, mang tính chất sống còn đến sự tồn tại và phát triển của xã hội. Giáo dục ý thức chấp hành pháp luật về an toàn giao thông chính là một phần của việc giáo dục ý thức trách nhiệm đối với bản thân, gia đình và xã hội của mỗi người.
Việc hình thành ý thức chấp hành pháp luật nói chung và ý thức chấp hành pháp luật an toàn giao thông nói riêng đối với mỗi người đều bắt đầu từ những nhận thức ban đầu do quan sát, tiếp xúc, cùng với sự giáo dục dần dần hình thành. Mục tiêu của giáo dục ATGT cho HSSV nhằm đạt được 2 yêu cầu cơ bản là có được các hiểu biết cơ bản để phòng, tránh tai nạn và có ý thức chấp hành pháp luật khi tham gia giao thông.
I. THỰC TRẠNG CÔNG TÁC GIÁO DỤC ATGT TRONG NHÀ TRƯỜNG
Giáo dục ATGT trong các nhà trường được thực hiện từ đầu thấp kỷ 90. Qua quá trình hơn 10 năm triển khai thực hiện, đến nay đã có hệ thống cơ sở pháp lý và tài liệu cho các cấp học được biên soạn, sửa đổi và triển khai trong toàn quốc.
1. Văn bản chỉ đạo
Thực hiện Luật Giao thông đường bộ, Chỉ thị của Ban Bí thư và các Nghị quyết của Chính phủ, Bộ Giáo dục và Đào tạo đã triển khai:
- Ban hành Chỉ thị số 13/GD-ĐT ngày 28/7/1995 về thực hiện Nghị định 36/CP của Chính phủ và Chỉ thị 317/TTg của Thủ tướng Chính phủ về bảo đảm trật tự an toàn giao thông đường bộ và trật tự an toàn giao thông đô thị.
- Ban hành Chỉ thị số 52/2007/CT-BGDĐT ngày 31/8/2007 về tăng cường công tác giáo dục an toàn giao thông trong các cơ sở giáo dục và đào tạo.
- Ký kế hoạch liên tịch số 9337/KHLT/BGDĐT-BCA- BGTVT -TWĐTN-ĐTHVN ngày 4/9/2007 giữa Bộ Giáo dục và Đào tạo, Bộ Giao thông Vận tải, Bộ Công an, TW Đoàn TNCS Hồ Chí Minh và Đài Truyền hình Việt Nam về tăng cường công tác tuyên truyền, giáo dục, xử lý các vi phạm pháp luật về trật tự an toàn giao thông trong học sinh, sinh viên.
- Phát động cuộc vận động: “Học sinh, sinh viên gương mẫu thực hiện và vận động gia đình chấp hành nghiêm túc luật giao thông” trong toàn ngành giáo dục từ năm học 2007-2008;
- Ban hành Quy chế học sinh, sinh viên các trường đào tạo tại Quyết định số 42/2007/QĐ-BGDĐT ngày 13/8/2007, trong đó quy định: đua xe hoặc cổ vũ đua xe trái phép là một trong những hành vi học sinh, sinh viên không được làm và học sinh, sinh viên vi phạm quy định về trật tự an toàn giao thông bị xử lý từ khiển trách đến buộc thôi học.
- Ban hành Quy chế đánh giá kết quả rèn luyện của học sinh, sinh viên trong các trường đại học, cao đẳng và trung cấp chuyên nghiệp tại Quyết định số 60/2007/QĐ-BGDĐT ngày 16/10/2007, trong đó có nội dung đánh giá về kết quả chấp hành các chủ trương của Đảng, pháp luật của Nhà nước, thành tích trong công tác xã hội và giữ gìn an ninh chính trị, trật tự an toàn xã hội;
- Ban hành Đề cương tuyên truyền, phổ biến Luật giao thông đường bộ cho HSSV theo chủ đề năm 2009 (QĐ 3442/QĐ-BGDĐT ngày 12/5/2009); 
- Văn bản hướng dẫn đầu các năm học và trong các đợt cao điểm về bảo đảm an toàn giao thông như thi tuyển sinh, Tết Nguyên đán, ...; Chỉ đạo tuyên truyền, phổ biến và hướng dẫn thực hiện các tiêu chí Văn hóa giao thông đối với từng cấp học; chỉ đạo đưa công tác giáo dục ATGT lồng lồng ghép trong triển khai thực hiện phong trào thi đua “Xây dựng trường học thân thiện, học sinh tích cực”.
2. Chương trình, tài liệu
Hiện nay, tài liệu giảng dạy ATGT đã được biên soạn và tổ chức giảng dạy cho các bậc học từ mầm non đến đại học
a). Đối với trường mầm non
Chủ điểm an toàn giao thông là một trong 9 chủ điểm trong chương trình giáo dục mầm non.
Thời lượng thực hiện
Thời lượng thực hiện nội dung an toàn giao thông trong trường mầm non khoảng 1/9 tổng thời gian năm học (3-4 tuần), ngoài ra còn lồng ghép trong môn học khác.
Sách và tài liệu do Bộ Giáo dục và Đào tạo biên soạn:
- Giáo dục ATGT cho trẻ mầm non.
- Bé học luật giao thông.
- Chuyện, thơ, trò trơi, bài hát về ATGT.
- Cha mẹ cần biết.
- Chuyện “Vì sao Thỏ cụt đuôi”.
- Bé đi đường.
- Lôtô về phương tiện giao thông.
- Bé làm quen với giao thông.
- Bộ tranh về luật giao thông
b) Đối với học sinh tiểu học
Lớp 1: 3 tiết trong môn Tự nhiên – Xã hội và Đạo đức và 6 bài học về ATGT trong Tài liệu Giáo dục ATGT cho học sinh Lớp 1.
Lớp 2: Thời lượng: 2 tiết trong môn Tự nhiên – Xã hội và 6 bài học về ATGT trong Tài liệu Giáo dục ATGT cho học sinh Lớp 2.
 Lớp 3: 1 tiết trong môn Tự nhiên – Xã hội và 6 bài học về ATGT trong Tài liệu Giáo dục ATGT cho học sinh Lớp 3.
Lớp 4: 1 tiết ở chủ đề Con người và sức khỏe trong môn Khoa học; 2 tiết trong môn Đạo đức và 6 bài học về ATGT trong Tài liệu Giáo dục ATGT cho học sinh Lớp 4.
Lớp 5: 1 tiết ở chủ đề Con người và sức khỏe trong môn Khoa học và 5 bài học về ATGT trong Tài liệu Giáo dục ATGT cho học sinh Lớp 5.
Ngoài các tài liệu trên, hiện nay Quỹ TOYOTA Việt Nam đang phối hợp với Bộ Giáo dục và Đào tạo triển khai giáo dục ATGT cho học sinh lớp 1 bằng các nhân vật hoạt hình Rùa và Thỏ và Công ty TOYOTA Việt Nam triển khai thí điểm Sách ATGT cho nụ cười trẻ thơ do Honda tài trợ với 12 bài học bằng hình ảnh cho học sinh lớp 3 và triển khai tại 4 tỉnh/tp: Hà Nội, Vĩnh Phúc, Hải Dương, TP.HCM.
Tài liệu, thiết bị hiện hành:
- Sách giáo khoa.
- Tài liệu giáo dục an toàn giao thông cho học sinh từ lớp 1 đến lớp 5.
- Bộ tranh an toàn giao thông.
- Sa bàn nút giao thông, mô hình tín hiệu giao thông.
- Sách/tranh/đĩa do Quỹ Toyota tài trợ.
- Tranh/sách do Honda tài trợ.
- Đĩa hình tiết dạy mẫu về ATGT.
c) Đối với học sinh trug học cơ sở và trung học phổ thông
- Đối với các trường trung học cơ sở: Dạy 4 tiết chính khoá về trật tự ATGT trong môn Giáo dục công dân gồm 2 tiết ở lớp 6, 1 tiết ở lớp 7 và 1 tiết ở lớp 8.
+ Đối với các trường trung học phổ thông: Dạy lồng ghép nội dung giáo dục TTATGT vào các bài học về pháp luật.
Tài liệu, thiết bị:
 - Sách giáo khoa môn giáo dục công dân.
- Giáo dục pháp luật về trật tự an toàn giao thông (biên soạn lại năm 2007). 
- Bộ tranh biển báo giao thông.
- Bộ đĩa hình về tiết dạy mẫu an toàn giao thông.
d) Đối với HSSV các trường đại học, cao đẳng, trung cấp chuyên nghiệp
Nội dung: Thời lượng: phổ biến trong “Tuần sinh hoạt công dân – HSSV đầu khóa”: 4 tiết.
Tài liệu, thiết bị:
- Tài liệu giáo dục an toàn giao thông cho sinh viên, học sinh các trường đại học, cao đẳng và trung học chuyên nghiệp.
- Bộ tranh biển báo giao thông.
- Đĩa tuyên truyền Luật GT
Ngày 15/4/2010, Bộ Giáo dục và Đào tạo ban hành quyết định số 1467/QĐ-BGDĐT về danh mục thiết bị, tài liệu, học liệu hỗ trợ công tác phổ biến giáo dục pháp luật trong trường mầm non, tiểu học, THCS và THPT, trong đó các danh mục thiết bị tối thiểu các nhà trường cần mua sắm là:
¬ - Mầm non: mũ bảo hiểm, tranh ảnh về quy trình đội mũ bảo hiểm, tranh ảnh về một số biển báo thông thường, lô tô giao thông, đô mi nô phương tiện giao thông; sách “Bé làm quen với giao thông”, sách “Giáo dục ATGT cho trẻ mẫu giáo”, băng đĩa về bài hát về luật giao thông.
- Tiểu học: Bộ tranh biển báo giao thông, sa bàn giao thông, bộ dụng cụ biển báo giao thông đường bộ, bộ đèn tín hiệu giao thông đường bộ.
- THCS và THPT: Tài liệu Quy định về trật tự ATGT và băng đĩa hình về ATGT.
3. Tổ chức các hoạt động và hỗ trợ tài liệu, trang thiết bị giảng dạy trong các nhà trường
- Phối hợp với Quỹ TOYOTA Việt Nam triển khai chương trình “Cùng em học ATGT” trong trường tiểu học. Đến nay chương trình đã thực hiện được hơn 5 năm và đã cung cấp cho 63 tỉnh/thành phố đĩa hình, tài liệu ATGT, chỉnh sửa hoàn thiện sách học ATGT Rùa và Thỏ, tập huấn giáo viên và tổ chức các cuộc thi cho học sinh.
- Phối hợp với công ty Honda Việt Nam triển khai thí điểm chương trình “Giáo dục ATGT cho nụ cười trẻ thơ” tại Vĩnh Phúc, Hà Nội, Hải Dương, TP.HCM với bộ tranh 12 bài học cho học sinh lớp 3.
- Phối hợp với Quỹ phòng chống thương vong châu Á xây dựng tài liệu tuyên truyền đội mũ bảo hiểm cho học sinh tiểu học dưới hình thức truyện tranh và cấp phát 15.000 quyển cho 1 số trường tiểu học; triển khai Dự án mũ bảo hiểm cho học sinh tại 1 số trường tiểu học, trong 10 năm qua đã trao tặng khoảng 300.000 mũ bảo hiểm cho học sinh; xây dựng tài liệu tuyên truyền đi bộ an toàn; triển khai dự án Giáo dục ATGT tại 1 số tỉnh, thành phố và triển khai xây dựng giáo trình điện tử giáo dục ATGT cho học sinh tiểu học đang thí điểm tại Đồng Nai.
- Biên soạn tài liệu và tập huấn cho sinh viên một số trường đại học sư phạm về phương pháp giáo dục an toàn giao thông cho học sinh.
- Phối hợp với một số công ty tổ chức các Hội thi tìm hiểu Luật giao thông đường bộ cho học sinh các cấp học từ mầm non đến đại học.
- Phối hợp với Trung ương Đoàn TNCS Hồ Chí Minh chỉ đạo triển khai chương trình “HSSV tình nguyện” tham gia bảo đảm trật tự ATGT, đặc biệt là trong dịp thi tốt nghiệp và thi tuyển sinh vào đại học, cao đẳng; tổ chức cho thanh thiếu niên đăng ký không vi phạm luật lệ giao thông và vận động đoàn viên, thanh niên không cổ vũ và đua xe trái phép, tích cực đấu tranh chống các hiện tượng này. Trong các nhà trường đã thành lập “Đội cờ đỏ”, “Thanh niên tình nguyện”, “Thanh niên xung kích”, … tham gia giữ gìn trật tự ATGT trong các giờ tan học và giờ đến trường; Các trường đã đưa chủ đề ATGT vào nội dung sinh hoạt lớp, chi đoàn, đội thiếu niên, câu lạc bộ, … với các hình thức phong phú và đi vào nề nếp, định kỳ thường xuyên.
- Trong phạm vi Dự án an toàn giao thông đường bộ, vốn vay Ngân hàng Thế giới, đã tổ chức tập huấn cho giáo viên của các trường thuộc tuyến thí điểm của dự án; đã hoàn thành việc biên soạn tài liệu cho các cấp học và đang triển khai mua sắm thiết bị giảng dạy và in ấn tài liệu để cấp pháp cho các nhà trường. Dự án ATGT đường bộ vốn vay JICA đang tiến hành biên soạn tài liệu hướng dẫn tổ chức các hoạt động ngoại khóa cho học sinh trong trường THCS và THPT.
II. Đánh giá kết quả đạt được, bài học kinh nghiệm, tồn tại, khó khăn.
1. Đánh giá kết quả đạt được
Trong hơn 10 năm và đặc biệt là từ sau khi triển khai thực hiện Nghị quyết 32 của Chính phủ, công tác giáo dục an toàn giao thông trong nhà trường đã có chuyển biến rõ rệt.
a) Trong các nhà trường: các cấp ủy, chính quyền, các tổ chức đoàn thể trong trường và cán bộ, giáo viên, HSSV đã có chuyển biến tốt trong nhận thức đúng về công tác này. Nhiều trường đã có sự chỉ đạo sát sao, quyết liệt của cấp ủy, lãnh đạo nhà trường trong công tác này và nhiều phụ huynh HS cũng đã nhận thức và có trách nhiệm trong việc giáo dục, quản lý HS đối với việc sử dụng phương tiện khi tham gia giao thông.
b) Ý thức chấp hành các quy định về ATGT trong HSSV đã có những chuyển biến. Học sinh chưa đủ điều kiện sử dụng mô tô, xe gắn máy đến trường đã giảm đáng kể. Ở các thành phố, thị xã lớn, nhiều HSSV đã sử dụng phương tiện giao thông công cộng để đến trường, tích cực trong việc tham gia tình nguyện giữ gìn trật tự ATGT khu vực cổng trường và trên địa bàn nơi trường đóng.
c) Các chủ đề về ATGT đã được HSSV chủ động đưa vào các hoạt động phong trào của lớp, chi đoàn. Hoạt động tuyên truyền an toàn giao thông trong buổi lễ chào cờ đã được nhiều trường duy trì.
d) Đã tác động một phần đến ý thức chấp hành nghiêm túc quy tắc giao thông của phụ huynh HS và cộng đồng.
2. Tồn tại, khó khăn, nguyên nhân của việc tồn tại
a) Tồn tại
- Ý thức chấp hành các quy định về ATGT của HSSV có chuyển biến nhưng tính tự giác chưa cao và chưa bền vững. Vẫn còn một bộ phận HSSV chưa tự giác chấp hành quy tắc giao thông.
- Một số trường còn chưa thật quan tâm đúng mức trong công tác này, việc kiểm tra còn chưa được thường xuyên, chưa có sự phối hợp chặt chẽ với các cấp, các ngành trong địa bàn.
- Việc phối hợp với phụ huynh học sinh trong công tác này chưa được quan tâm thường xuyên, nhiều nơi còn mang tính hình thức; việc chấp hành quy định về đội mũ bảo hiểm cho trẻ em chưa cao.
b) Khó khăn, nguyên nhân của tồn tại
- Thời lượng giảng dạy trật tự an toàn giao thông trong chương trình chính khóa còn hạn hẹp do quỹ thời gian giảng dạy có hạn. Giáo viên dạy an toàn giao thông đều là giáo viên kiêm nhiệm.
- Hành vi vi phạm của HSSV chủ yếu diễn ra ngoài nhà trường, nhà trường không thể kiểm tra, giám sát được.
- Đối với các khu vực đô thị, nhiều trường học nằm trong các khu dân cư, đường ngõ nhỏ hẹp, không có sân hoặc khu vực dành cho phụ huynh đưa đón học sinh, khó tổ chức được giao thông để tránh ùn tắc. Đối với các khu vực ngoài đô thị, nhiều trường học nằm cạnh các tuyến quốc lộ, các điểm nút giao thông nên rất khó khăn trong việc bảo đảm trật tự an toàn giao thông, nhất là vào giờ học sinh đến trường và tan học: đoạn quốc lộ 1A từ Thanh trì (Hà Nội) đến Vinh (Nghệ An) có gần 800 trường học các cấp trong vòng bán kính 2km dọc tuyến đường, trong đó nhiều cổng trường mở trực diện ra quốc lộ. Tai nạn giao thông luôn tiềm ẩn đối với học sinh thuộc các trường cạnh các tuyến quốc lộ này.
- Môi trường gia đình, xã hội ảnh hưởng đến hiệu quả của công tác giáo dục tuyên truyền trong nhà trường. Nhiều phụ huynh chưa thật sự hợp tác với nhà trường trong công tác này.
- Phương tiện giao thông công cộng như xe buýt chưa thuận tiện cho HSSV sử dụng. Ở các thành phố lớn, luôn trong tình trạng quá tải khi đi xe buýt ở các khu vực tập trung nhiều trường và an toàn trên xe buýt chưa thật sự đảm bảo đã không thu hút được HSSV sử dụng phương tiện này.
- Các trường chuyên nghiệp phần lớn tập trung ở các khu đô thị lớn, mật độ dân cư cao, giao thông phức tạp. Trong những năm gần đây, quy mô đào tạo của các trường đều tăng, khoảng 80% HSSV các trường chuyên nghiệp phải ở ngoại trú làm tăng mật độ tham gia giao thông. Yêu cầu công việc công tác HSSV trong các trường chuyên nghiệp ngày càng cao, khối lượng công việc nhiều, trong khi số lượng biên chế cán bộ phụ trách công tác HSSV hạn chế, do đó khó khăn trong việc bố trí cán bộ chuyên trách trong công tác này.
III. PHƯƠNG HƯỚNG, NHIỆM VỤ CƠ BẢN CỦA CÔNG TÁC GIÁO DỤC ATGT TRONG TRƯỜNG HỌC ĐẾN NĂM 2020 VÀ TẦM NHÌN ĐẾN 2030
Với hơn 20 triệu học sinh, sinh viên, việc giảm nguy cơ tai nạn cũng như xây dựng được thế hệ có kỹ năng, ý thức tốt khi tham gia giao thông là một trong những yêu cầu cơ bản và quan trọng của công tác bảo đảm an toàn giao thông. Từ sự chuyển biến về nhận thức của học sinh, sinh viên trong việc chấp hành pháp luật về trật tự an toàn giao thông để điều chỉnh hành vi khi tham gia giao thông và tác động đến gia đình, cộng đồng, tạo sự chuyển biến chung của toàn xã hội trong việc chấp hành pháp luật về trật tự an toàn giao thông. Đây cũng là một trong những nội dung để thực hiện mục tiêu của giáo dục là: “đào tạo con người Việt Nam phát triển toàn diện, có đạo đức, tri thức, sức khỏe, thẩm mỹ và nghề nghiệp …”.
1. Mục tiêu chung
Cung cấp cho học sinh các kiến thức, kỹ năng bảo đảm an toàn khi tham gia giao thông để biết cách ứng phó với các tình huống khi tham gia giao thông; hình thành thế hệ trẻ có “văn hóa” khi tham gia giao thông, xây dựng xã hội văn minh và bảo đảm thực hiện mục tiêu chung của Chiến lược bảo đảm trật tự an toàn giao thông đường bộ quốc gia.
2. Mục tiêu cụ thể
a) Đối với các trường mầm non
Giúp cho trẻ có hiểu biết ban đầu về các hoạt động giao thông gần gũi, nhận biết được một số hành vi tham gia giao thông đúng hoặc chưa đúng và bước đầu hình thành ý thức về cần bảo đảm an toàn khi đi đường phù hợp với đặc điểm lứa tuổi.
b) Đối với học sinh tiểu học
Giáo dục để học sinh tiểu học có những hiểu biết cần thiết nhất phù hợp với từng độ tuổi để có thể vận dụng trong đời sống để bảo đảm an toàn khi tham gia giao thông; định hình được kỹ năng cơ bản để bảo đảm an toàn, có ý thức chấp hành quy định của Luật và có thái độ đúng đắn với những hành vi đúng và chưa đúng của bản thân và mọi người xung quanh.
c) Đối với học sinh THCS
Nắm được các quy tắc giao thông đường bộ phù hợp với đặc điểm tham gia giao thông của lứa tuổi; biết xử lý đúng đắn các tình huống đi đường thông thường; hiểu được tầm quan trọng của bảo đảm an toàn giao thông đối với bản thân và gia đình cũng như cộng đồng, có thái độ đúng đắn đối với các hành vi đúng và chưa đúng và có ý thức tôn trọng pháp luật khi tham gia giao thông.
c) Đối với học sinh THPT
Củng cố kiến thức ở các cấp học dưới và phát triển phù hợp với yêu cầu của cấp học. Học sinh hiểu được nguyên nhân của TNGT và biết cách phòng tránh tai nạn; hiểu được trách nhiệm công dân của bản thân, tôn trọng mọi người và quy định của pháp luật; thể hiện được hành vi văn hóa khi tham gia giao thông.
d) Đối với HSSV các trường đại học cao đẳng và trung cấp chuyên nghiệp
Củng cố kiến thức về Luật giao thông ở cấp học dưới và có kỹ năng điều khiển mô tô, xe máy an toàn; hiểu biết cụ thể về những tổn thất do TNGT và ùn tắc giao thông gây ra để xác định trách nhiệm công dân, chủ động, tích cực tham gia các hoạt động xã hội bảo đảm an toàn giao thông góp phần cùng xây dựng xã hội an toàn, văn minh.
3. Giải pháp thực hiện
a) Giai đoạn 2011-2015
- Kiện toàn Ban an toàn giao thông từ cấp Bộ đến các sở và các nhà trường.
- Ban hành các văn bản pháp quy và các cơ chế, chính sách về công tác giáo dục an toàn giao thông trong trường học tạo cơ sở pháp lý và điểu kiện cho các cấp quản lý và các nhà trường trong việc tổ chức thực hiện.
- Phát triển tài liệu giáo dục an toàn giao thông đã được Dự án an toàn giao thông đường bộ vốn vay Ngân hàng Thế giới biên soạn trên toàn quốc.
- Phát triển bộ tài liệu Giáo dục an toàn giao thông ngoại khóa trong trường THCS và THPT do Dự án an toàn giao thông đường bộ tại các tỉnh phía Bắc Việt Nam (vốn vay Jica) biên soạn trên toàn quốc.
- Biên soạn, triển khai tài liệu Giáo dục ATGT cho sinh viên các trường sư phạm ngành Giáo dục công dân và Giáo dục chính trị để trang bị kiến thức và phương pháp giảng dạy ATGT sau khi tốt nghiệp.
- Xây dựng các đĩa/phần mềm giáo dục ATGT cho các cấp học; thiết kế, cung cấp trang thiết bị giảng dạy ATGT cho các nhà trường.
- Tổ chức tập huấn cho giáo viên.
- Tổ chức các chiến dịch tuyên truyền.
- Lồng ghép trong các môn học và các phong trào của ngành.
- Xây dựng bộ công cụ đánh giá kiến thức về ATGT của học sinh theo từng độ tuổi.
b) Giai đoạn 2016-2020
- Đánh giá các chương trình, nội dung trong giai đoạn 2011-2015, sửa đổi, bổ sung và tiếp tục triển khai trong các nhà trường.
- Xây dựng chuyên đề trên Website của Bộ Giáo dục và Đào tạo về ATGT để chia sẻ thông tin.
c) Giai đoạn 2020-2030
Trên cơ sở đánh giá kết quả giai đoạn trước và nhận thức của học sinh, xác định trọng tâm của các hoạt động và đảm bảo tính ổn định và khoa học của các phương pháp và nội dung giảng dạy được xác định, bảo đảm đạt được mục tiêu của Chiến lược bảo đảm an toàn giao thông đường bộ quốc gia./.
Tìm theo ngày :

Đánh giá

(Di chuột vào ngôi sao để chọn điểm)