Theo đề xuất của Đại tá Vũ Đỗ Anh Dũng, Phó Cục trưởng Cục CSGT đường bộ, đường sắt, Bộ Công an, đối với HS lớp 12 (18 tuổi) cần nghiên cứu, triển khai chương trình đào tạo, giảng dạy để khi có điều kiện thì tổ chức thi cấp giấy phép lái xe hạng A1.
Đồng thời phải xử lý nghiêm đối với SV không có bằng lái xe điều khiển môtô, xe gắn máy, chỉ đạo các nhà trường tổ chức cho 100% cán bộ, giáo viên, nhân viên ký cam kết thực hiện các quy định về TTATGT.
Ý thức chấp hành các quy định về an toàn giao thông (ATGT) của học sinh, sinh viên (HSSV) có chuyển biến nhưng tính tự giác chưa cao và chưa bền vững. Tình trạng HSSV vi phạm quy định khi tham gia giao thông, đặc biệt là hiện tượng chưa đủ tuổi vẫn điều khiển môtô, xe gắn máy thường tăng lên vào dịp đầu năm học. Đau xót nhất là mỗi năm vẫn có hàng nghìn HSSV bị TNGT… Đó là những đánh giá của Bộ GD&ĐT tại Hội nghị sơ kết 2 năm thực hiện cuộc vận động HSSV gương mẫu thực hiện và vận động gia đình chấp hành nghiêm túc Luật Giao thông được Bộ GD&ĐT tổ chức ngày 3/11 qua cầu truyền hình, với sự tham gia của Bộ GTVT, Cục CSGT đường bộ, đường sắt - Bộ Công an, TW Đoàn, các Sở GD&ĐT trên toàn quốc…
Theo ông Phùng Khắc Bình, Vụ trưởng Vụ Công tác HSSV, Bộ GD&ĐT thì trong 2 năm qua, kết quả dễ nhận thấy nhất là ở nhiều trường đã có chuyển biến khá tốt trong nhận thức về cuộc vận động, việc giáo dục ATGT cho HSSV không chỉ là đảm bảo an toàn tính mạng và hình thành ý thức văn hóa khi đi đường đối với HSSV mà còn gắn với thương hiệu của trường. Ở các thành phố, thị xã lớn, HSSV đã sử dụng phương tiện giao thông công cộng để đến trường, tích cực tình nguyện tham gia giữ gìn TTATGT khu vực cổng trường và trên địa bàn nơi có trường học.
Đã có nhiều tấm gương điển hình như 3 em HS THCS ở Nghệ An trong ngày 21/10 vừa qua đã tự giác không đi chuyến đò đông người và đã dũng cảm cứu được 14 HS bị chìm trong chuyến đò này. Các em HS ở Hà Nam có sáng kiến làm cặp sách HS kiêm phao cứu sinh để phục vụ cho các bạn vùng sông nước. Có HS ở Hà Nội đã viết phần mềm về ATGT…
Tuy nhiên, Vụ trưởng Phùng Khắc Bình đánh giá, đáng tiếc là nhiều trường chưa quan tâm kiểm tra các em có chấp hành tốt Luật Giao thông, còn thả nổi, buông lỏng, nhiều nơi còn mang tính hình thức. Mặt khác, thời lượng giảng dạy về TTATGT trong chương trình chính khoá còn hạn hẹp và giáo viên về ATGT đều là giáo viên kiêm nhiệm. Nhiều trường học nằm cạnh các tuyến quốc lộ, các điểm nóng nên rất khó khăn trong việc đảm bảo TTATGT.
Những vi phạm như thế này rất nguy hiểm với người tham gia giao thông.
Tại hội nghị, Đại tá Vũ Đỗ Anh Dũng, Phó Cục trưởng Cục CSGT đường bộ, đường sắt, Bộ Công an cảnh báo, tình trạng HSSV vi phạm Luật Giao thông đường bộ có chiều hướng gia tăng. Chỉ trong Tháng An toàn giao thông năm 2009, Phòng CSGT Hà Nội đã xử lý hơn 600 trường hợp vi phạm là HS các trường phổ thông. Ngoài ra, khi tham gia giao thông trên đường, chúng ta có thể bắt gặp HSSV bóp còi inh ỏi, lắp thêm còi vượt tiêu chuẩn, lắp thêm loa to, mở nhạc ầm ĩ trên đường, vừa nguy hiểm, vừa rất thiếu văn hóa…, những hành vi này đều xuất phát từ sự nông nổi, bốc đồng của tuổi trẻ, thiếu nhiều kỹ năng khi tham gia giao thông an toàn.
Phương hướng, nhiệm vụ cơ bản của công tác giáo dục ATGT trong trường học những năm tiếp theo được xác định là phải tăng cường giáo dục để HSSV có kỹ năng tham gia giao thông an toàn, tự giác chấp hành các quy định để hạn chế thấp nhất số HSSV bị TNGT, số HSSV vi phạm quy định khi tham gia giao thông.
Cụ thể là các nhà trường sẽ nghiên cứu lại chương trình, nội dung tài liệu và phương pháp giảng dạy ATGT hiện nay, sửa đổi, bổ sung cho phù hợp với thực tiễn; đồng thời cung cấp tài liệu, trang thiết bị giảng dạy để tăng cường tuyên truyền, giáo dục ATGT trong các trường sư phạm để đào tạo được đội ngũ giáo viên trong tương lai.
Theo đề xuất của Đại tá Vũ Đỗ Anh Dũng, đối với HS lớp 12 (18 tuổi) cần nghiên cứu, triển khai chương trình đào tạo, giảng dạy để khi có điều kiện thì tổ chức thi cấp giấy phép lái xe hạng A1. Đồng thời phải xử lý nghiêm đối với SV không có bằng lái xe điều khiển môtô, xe gắn máy, chỉ đạo các nhà trường tổ chức cho 100% cán bộ, giáo viên, nhân viên ký cam kết thực hiện các quy định về TTATGT.
Tại hội nghị, ông Lê Mạnh Hùng, Thứ trưởng Bộ GTVT đề nghị, việc làm khẩn thiết hiện này là phải nghiên cứu, xây dựng kế hoạch nâng cao ATGT đường thủy cho HS đi học phải đi đò dọc, đò ngang, các em phải được trang bị cặp có phao và những dụng cụ cứu mình khi có sự cố giao thông trên sông nước xảy ra
Theo CAND