Dù Luật Giao thông đường bộ mới đã có hiệu lực gần 3 tháng nay và liệt dòng xe máy điện thuộc danh mục xe cơ giới, do đó cần đăng ký biển số, nhưng đến giờ vẫn chưa quản lý được loại xe này.
Xe “xanh” trong “thành phố môi trường”
|
Vẫn không chịu đội mũ bảo hiểm khi đi xe máy điện.
|
Ở góc độ thân thiện với môi trường, so với các loại xe gắn máy chạy xăng, thì xe máy điện với lợi thế không dùng xăng, không thải khói và khí CO2 có hại cho môi trường, nên nhiều người cho rằng đây là loại xe “xanh” và “sạch”.
Phần lớn những người đi dòng xe “xanh” này là tầng lớp học sinh cấp 3, tối về chỉ cần cắm điện sạc ắc-quy, có tốc độ tối đa 30-40km/giờ và có thể đi được tới 50km khi ắc-quy được nạp điện đầy đủ. Không chỉ giống về hình dáng các loại xe tay ga đời mới, xe máy điện còn có đầy đủ những tính năng như: đèn pha, xi-nhan, đèn hậu, còi, hệ thống giảm xóc như trên xe máy, thậm chí có cả phanh đĩa và đèn LED. Ở thị trường Đà Nẵng, xe máy điện có giá từ 7,5 - 13 triệu đồng/chiếc.
Nhưng không hẳn vì “xanh” và “sạch”, sở dĩ loại xe máy điện này đang được giới học sinh ưa chuộng vì lệnh cấm không cho học sinh đi xe máy tới trường, mà học sinh bây giờ thì ngại đạp xe đạp và mẫu mã của loại xe này quá đẹp, gần giống với các loại xe tay ga nên đi rất oai, sành điệu. Ngoài ra, dòng xe máy điện này đang không cần bằng lái, không cần đội mũ bảo hiểm, không cần phải mang theo giấy tờ xe vì xe chưa cần đăng ký biển số… Vì nhiều lý do nên dòng xe “xanh” với nhiều “không” này vẫn ngày ngày cùng với các em học sinh tung tăng trên phố, mà chưa chịu một sự quản lý nào.
Có ý kiến cho rằng, nếu như ở nhiều thành phố lớn trên thế giới gặp khó khăn trong việc tạo dựng thói quen sử dụng xe “xanh” trong giao thông nội thị, thì Đà Nẵng lại có nhiều điều kiện thuận lợi nhờ xu hướng chơi xe “xanh” của giới trẻ, nên thành phố cần có sự quan tâm nhằm tạo dựng và phát triển một nét văn hóa xe “xanh” cho một “thành phố môi trường”.
Chưa cấp được biển số cho xe nhiều “không”
|
Cần sớm triển khai đăng ký xe máy điện.
|
Theo Tiêu chuẩn TCVN - 7448:2004, xe đạp điện là xe đạp hai bánh, vận hành bằng động cơ điện một chiều được cấp năng lượng từ ắc-quy, xe cũng có thể vận hành bằng năng lượng điện có đạp bổ trợ hoặc chỉ bằng đạp chân, vận tốc lớn nhất không được vượt quá 25km/giờ, công suất của động cơ điện không lớn hơn 240W, trọng lượng xe không quá 40kg.
Thế nhưng, như đã nói ở trên, dòng xe máy điện - xe “xanh” này có tốc độ tối đa lên đến 30 - 40km/giờ, nặng trên 45kg, công suất động cơ điện lớn hơn 300W… thì cần phải quản lý như đối với các loại mô-tô, xe gắn máy lắp động cơ đốt trong.
Mặt khác, theo Luật Giao thông đường bộ mới, có hiệu lực từ ngày 1-7-2009, xe máy điện được coi là một loại xe gắn máy, thuộc danh mục các phương tiện giao thông cơ giới đường bộ (điều 3, khoản 18), nghĩa là phải đăng ký biển số, phải kiểm tra an toàn kỹ thuật, người ngồi trên loại xe này phải đội mũ bảo hiểm có cài quai đúng quy cách khi tham gia giao thông. Thế nhưng hiện nay, các em học sinh đi học trên những chiếc xe nhiều “không” này rất phổ biến mà không ai chú ý đến việc hướng dẫn, quản lý các em khi điều khiển phương tiện; các em còn giăng hàng ba, hàng tư làm mất trật tự giao thông, rồi vượt đèn đỏ, không đội mũ bảo hiểm...
Theo Thông tư số 06/2009/TT-BCA của Bộ Công an, xe máy điện cũng là đối tượng phải đăng ký để lưu thông như các loại xe cơ giới khác. Theo đó, từ ngày 1-7, Công an huyện, quận thuộc tỉnh, thành phố tổ chức cấp đăng ký, biển số xe máy điện, nhưng theo Thượng tá Nguyễn Đến, Trưởng Phòng Cảnh sát giao thông - Công an TP.Đà Nẵng thì:
“Hiện chúng tôi chưa thể triển khai được việc đăng ký xe vì còn vướng mắc bởi một số vấn đề mà Thông tư số 06/2009/TT-BCA của Bộ Công an quy định còn chưa rõ. Cụ thể, đối với mấy ngàn xe máy điện cũ được người dân mua cách đây một vài năm chỉ là mua bán trao tay như một thứ hàng hóa ngoài chợ, chẳng có đầy đủ hồ sơ, giấy tờ. Trong khi đó, việc đăng ký xe máy điện cũng phải có đầy đủ thủ tục như đăng ký xe gắn máy, mô-tô hai, ba bánh. Do đó, chúng tôi đang kiến nghị cấp trên sớm có thêm hướng dẫn về thủ tục đăng ký đối với xe máy điện cũ và kể cả xe mới, khi đó mới có thể triển khai đăng ký được.”
Trong khi chờ đợi triển khai đăng ký xe máy điện, theo chúng tôi, lực lượng Cảnh sát giao thông và ngành Giáo dục-Đào tạo cần tăng cường công tác tuyên truyền, giáo dục và xử lý nghiêm những trường hợp vi phạm không đội mũ bảo hiểm, chạy lạng lách, quá nhanh, vượt đèn đỏ, giăng hàng ba hàng tư… để bảo đảm an toàn tính mạng, tài sản cho các em học sinh và người đi đường, đồng thời góp phần hình thành văn hóa đi xe “xanh” trong giới trẻ.
Theo Báo ĐNOL