Thực hiện Chương trình xây dựng văn bản quy phạm pháp luật năm 2009 của Bộ GTVT, Cục Hàng hải Việt Nam vừa có tờ trình số 2007/CHHVN-PC ngày 21 tháng 9 năm 2009 về việc sửa đổi Nghị định số 62/2006/NĐ-CP ngày 21/6/2006 của Chính phủ về xử phạt vi phạm hành chính trong lĩnh vực hàng hải.
* Đánh giá hiệu quả thực hiện Nghị định 62/2006/NĐ-CP trong thời gian qua:
Nghị định số 62/2006/NĐ-CP được xây dựng dựa trên cơ sở kế thừa nội dung của Nghị định số 92/1999/NĐ-CP ngày 4 tháng 9 năm 1999 của Chính phủ về xử phạt vi phạm hành chính trong lĩnh vực hàng hải và là một trong các văn bản trong chương trình triển khai thực hiện Bộ luật Hàng hải Việt Nam năm 2005.
Kể từ khi có hiệu lực đến nay, Nghị định 62/2006/NĐ-CP đã tạo cơ sở pháp lý cho việc kiểm tra và xử phạt các vi phạm hành chính trong lĩnh vực hàng hải, góp phần bảo đảm thực hiện các quy định của Bộ luật Hàng hải Việt Nam năm 2005 và các quy định khác có liên quan của pháp luật, kết quả cụ thể như sau:
- Trong năm 2007, các cơ quan quản lý nhà nước chuyên ngành hàng hải đã tổ chức thực hiện kiểm tra và xử phạt vi phạm hành chính trong lĩnh vực hàng hải đối với các tổ chức, cá nhân vi phạm các quy định tại cảng biển về xây dựng và khai thác, hoạt động hàng hải của tàu thuyền; hoạt động kinh doanh vận tải, dịch vụ hàng hải, bảo đảm an toàn hàng hải; tổng số vụ xử phạt là trên 800 vụ với số tiền phạt trên 3.500.000.000 đồng;
- Năm 2008 công tác thanh tra, kiểm tra và xử phạt vi phạm hành chính được thực hiện triệt để và hiệu quả hơn, đặc biệt là trong các lĩnh vực bảo đảm tiêu chuẩn kỹ thuật của kết cấu hạ tầng giao thông, hoạt động đăng ký, đăng kiểm, kiểm định phương tiện, thiết bị giao thông vận tải; hoạt động vận tải và dịch vụ hỗ trợ vận tải. Kết quả cả năm đã tiến hành kiểm tra, phát hiện 1.086 vụ, xử phạt 832 vụ với tổng số tiền phạt là 3.705.000.000 đồng;
- Trong 6 tháng đầu năm 2009, tổng số cuộc kiểm tra đối với các phương tiện hàng hải, các bến cảng là 1.143 lượt, trong đó phát hiện 333 vụ vi phạm hành chính, xử phạt 321 vụ với tổng số tiền phạt là 1.481.123.000 đồng;
Công tác thanh tra, kiểm tra và xử lý nghiêm túc, kịp thời theo quy định của Nghị định số 62/2006/NĐ-CP và các quy định liên quan khác đã giúp cho việc giảm thiểu các hành vi vi phạm hành chính trong lĩnh vực hàng hải, bảo đảm an toàn hàng hải và phòng ngừa ô nhiễm môi trường trong hoạt động hàng hải ở Việt Nam, góp phần vào sự phát triển chung của ngành Hàng hải trong những năm vừa qua.
* Sự cần thiết sửa đổi nghị định 62/2006/NĐ-CP của Chính phủ
Bên cạnh những kết quả nêu trên, việc tổ chức thực hiện Nghị định số 62/2006/NĐ-CP trong thời gian qua cũng đã phát sinh một số vướng mắc dưới đây cần được điều chỉnh phù hợp. Dự thảo Nghị định tập trung sửa đổi, bổ sung các nội dung chính như sau:
- Bổ sung phần căn cứ Pháp lệnh sửa đổi, bổ sung một số điều của Pháp lệnh Xử lý vi phạm hành chính số 31/2007/PL-UBTVQH11 ngày 8 tháng 3 năm 2007 và Pháp lệnh sửa đổi, bổ sung một số điều của Pháp lệnh Xử lý vi phạm hành chính số 04/2008/UBTVQH12 ngày 2 tháng 4 năm 2008 của Ủy ban thường vụ Quốc hội;
- Xây dựng mới quy định về mức xử phạt đối với một số hành vi vi phạm hành chính của tàu thuyền theo dung tích của tàu gồm các mức: tàu thuyền có tổng dung tích dưới 50GT; từ 50GT đến dưới 500GT; từ 500GT đến dưới 3.000GT và từ 3.000GT trở lên. Quy định chi tiết đối với hành vi chở người hoặc chở hàng vượt quá số lượng hoặc trọng tải cho phép theo các mức: dưới 5%; từ 5% đến dưới 10% và từ 10% trở lên;
- Sửa đổi các quy định không còn phù hợp hoặc đã được loại bỏ tại các văn bản quy phạm pháp luật khác như quy định về sổ danh bạ thuyền viên hoặc quy định về việc tàu vào cảng không đúng tên cảng đã ghi trong giấy phép rời cảng cuối cùng;
- Chuyển sang khoản khác hoặc tách thành khoản mới đối với một số điểm cho rõ ràng, phù hợp với mức phạt và nâng cao tính ngăn ngừa, như hành vi vi phạm các quy định về thủ tục vào, rời cảng biển hoặc quá cảnh của tàu, quy định về đăng ký tàu biển, sử dụng giấy tờ, tài liệu của tàu, quy định về an toàn sinh mạng trên tàu;
- Bổ sung mới một số điều trước đây chưa được quy định chi tiết, đầy đủ như vi phạm các quy định về bố trí thuyền viên, cấp và sử dụng chứng chỉ chuyên môn, sổ thuyền viên, hộ chiếu thuyền viên; vi phạm các quy định về điều động và bố trí hoa tiêu hàng hải của tổ chức hoa tiêu và vi phạm quy định trong khi dẫn tàu của hoa tiêu hàng hải;
- Sửa đổi thẩm quyền xử phạt của Thanh tra viên hàng hải và Chánh thanh tra hàng hải cho phù hợp với quy định tại Pháp lệnh sửa đổi bổ sung một số điều của Pháp lệnh xử lý vi phạm hành chính năm 2008;
- Xây dựng mới phụ lục các mẫu biên bản xử phạt, quyết định xử phạt, quyết định tạm giữ tang vật vi phạm hành chính trong lĩnh vực hàng hải…
Dự thảo Nghị định này sẽ được lấy ý kiến đóng góp của các cơ quan đơn vị có liên quan và dự kiến trình Chính phủ vào cuối năm 2009.
TH