Tỉnh Lai Châu và Điện Biên có tiềm năng để phát triển giao thông đường thủy (GTĐT), tuy nhiên, bên cạnh những lợi ích to lớn, thì sông suối cũng là mối hiểm hoạ thường trực, cướp đi bao thành quả lao động và cả mạng sống con người. Đáng lo ngại, việc phát triển của GTĐT ở các địa phương này vẫn đang trong tình trạng tự phát và khó quản lý…
Tất cả phương tiện và bến bãi đều tự phát
Địa bàn tỉnh Lai Châu (cũ) bao gồm 2 tỉnh Điện Biên và Lai Châu hiện nay có 3.061 sông to suối nhỏ, và gần như đều bắt đầu bằng từ "nậm", tiếng Thái nghĩa là "nước": Nậm Na, Nậm Ngám, Nậm Núa, Nậm Mu, Nậm Bum, Nậm Sin, Nậm Mạ, Nậm Khen, Nậm Cha, Nậm Rốm... cùng nhiều phụ lưu của những con sông "Mẹ" nổi danh như: sông Mê Kông, sông Mã, đặc biệt là sông Đà dồi dào về tiềm năng nhưng cũng hung dữ có tiếng...
Hoạt động GTĐT ở Điện Biên và Lai Châu hiện nay tập trung chủ yếu trên sông Đà ở khu vực thị xã Mường Lay và huyện Tủa Chùa (Điện Biên), huyện Sìn Hồ, Mường Tè (Lai Châu).
Theo số liệu điều tra gần đây nhất của Sở GTVT Điện Biên, trên địa bàn toàn tỉnh có 87 phương tiện thủy (và người điều khiển phương tiện thuỷ) các loại. Các phương tiện GTĐT ở Điện Biên chủ yếu của các gia đình sử dụng để chở khách, khai thác cát, khai thác vàng, vận chuyển lâm sản...
Ông Trịnh Đắc Viên - Phó phòng Quản lý Vận tải - Phương tiện và Người lái, Sở GTVT Điện Biên, cho biết: "Tất cả các cơ sở hạ tầng GTĐT nội địa ở Điện Biên vẫn trong tình trạng tự phát, chưa có sự đầu tư xây dựng về bến đỗ cho các phương tiện".
Bao năm rồi, người dân tiện đâu mở đấy, các bến đò được tạo ra theo mùa nước lên xuống, sự bồi lở của các dòng sông. Đáng lo ngại, đến nay tất cả các dòng sông có hoạt động của các phương tiện GTĐT ở Điện Biên, chưa hề có hệ thống phao tiêu, biển báo... Do trình độ hạn chế và ý thức chấp hành pháp luật trong hoạt động GTĐT của nhiều chủ phương tiện quá kém, dẫn đến nhiều phương tiện không qua đăng ký, đăng kiểm; nhiều chủ phương tiện không có chứng chỉ hành nghề.
Qua khảo sát mới đây, 85% các phương tiện chưa được đăng ký, đăng kiểm; 65/87 chủ phương tiện chưa bao giờ có chứng chỉ chuyên môn, nhưng vẫn đang hàng ngày điều khiển phương tiện trên sông(?).
Thực trạng này cũng có phần trách nhiệm của các cơ quan chức năng. Theo ông Trịnh Đắc Viên, khoá đào tạo và cấp chứng chỉ điều khiển phương tiện GTĐT gần đây nhất của địa phương này được tiến hành cách đây tròn... 10 năm!
Gần đây, mặc dù các cơ quan chức năng đã đẩy mạnh công tác tuyên truyền, miễn phí các thủ tục đăng kí cho chủ phương tiện, nhưng nhiều người dân vẫn không tích cực hợp tác.
Trung tá Nguyễn Mạnh Cương, Phó Trưởng phòng CSGT nhấn mạnh:"Vấn đề đào tạo người lái cũng đã và đang gặp không ít khó khăn, do địa bàn phân tán, hoạt động manh mún nhỏ lẻ, ý thức tự giác của các chủ phương tiện hạn chế. Hiện nay, địa phương cũng chưa xây dựng được địa điểm mở các lớp đào tạo, thi sát hạch cho người điều khiển phương tiện GTĐT nội địa".
Mối nguy hiểm rình rập
Chúng tôi đáp ca nô từ thị xã Mường Lay lên xã Nậm Mạ (Sìn Hồ). Nậm Mạ là một xã vùng thấp nhưng cách xa huyện lỵ Sìn Hồ hơn 50 cây số. Con đường bộ độc đạo từ thị trấn vào lầy lội và hiểm trở một cách khủng khiếp.
Vào mùa mưa, các bản ở đây hầu như bị cô lập, chia cắt, sông Đà mùa lũ hung dữ là vậy, nhưng v ẫn là tuyến giao thông gần như là duy nhất để ra và vào Nậm Mạ. Trên chiếc ca nô trọng tải khoảng hơn 1 tấn chở đến gần hai chục người, lỉnh kỉnh hàng hóa, xe đạp, quang gánh. Mỗi khi ca nô vào vùng nước xoáy, trên thuyền lại ré lên những tiếng kêu thảng thốt, sợ hãi.
Theo quan sát của tôi, trên ca nô hầu như không có bất kì một phương tiện cứu hộ nào, đuôi thuyền có duy nhất một chiếc phao cứu sinh bằng săm ô tô đã xẹp hơi. "Bao năm nay vẫn thế thôi. Mình quen từng luồng lạch rồi nên không ngại" - ông chủ đò Lò Văn Muôn trả lời khi tôi hỏi sao không trang bị phao cứu sinh!.
Năm nào cũng vậy, mùa mưa đến, tuyến GTĐT ở Điện Biên trở nên cực kì nguy hiểm. Từ đầu nguồn, nước các con sông cuồn cuộn đổ về. Vì mưu sinh, người dân vẫn chấp nhận đánh cược với số phận trên dòng nước xiết. Phương tiện quá giang duy nhất của họ là những ca nô, thuyền nhỏ bé, với các chủ phương tiện chưa từng có chứng chỉ hành nghề.
Đáng sợ nhất là nhiều bè được điều khiển bởi phụ nữ, thậm chí là cả trẻ em và bản thân người lái cũng không hề biết bơi. Trao đổi với phóng viên CAND xung quanh vấn đề đảm bảo an toàn GTĐT, Trung tá Nguyễn Mạnh Cương cho biết: "Có quá nhiều bất cập cần tháo gỡ ngay.
Mặc dù không phải là địa phương trọng điểm về GTĐT, nhưng mỗi ngày trên các tuyến sông, suối ở Điện Biên vẫn có hàng trăm lượt người qua lại trên sông bằng các phương tiện khác nhau...
Thiết nghĩ các cơ quan chức năng của tỉnh Điện Biên cần sớm vào cuộc, triển khai thực hiện quyết liệt các giải pháp của Kế hoạch liên ngành số 35 giữa Công an và Sở GTVT, không để tình trạng "vỡ bát mới kê cầu ao" hoặc thấy ít thì thế nào cũng được...!?
Theo Báo CAND
Trước mắt, Công an tỉnh đang tích cực phối hợp với Sở GTVT Điện Biên tham mưu cho tỉnh triển khai các giải pháp nhằm siết chặt quản lý và đảm bảo trật tự an toàn giao thông đường thuỷ...". Đến nay, Sở GTVT Điện Biên vẫn chưa có cán bộ để có thể mở các lớp đào tạo, sát hạch về GTĐT; lực lượng CSGT cũng chỉ làm việc trên... bờ vì đơn vị chưa được trang bị ca nô để tham gia tuần tra kiểm soát, phát hiện, xử lí vi phạm...