Đó là đánh giá của Bộ trưởng Bộ Giao thông Vận tải (GTVT) kiêm chủ tịch Ủy ban an toàn giao thông Quốc gia (UBATGT QG) Hồ Nghĩa Dũng khi nhận định về công tác đảm bảo trật tự an toàn giao thông trong thời gian qua.
Gia tăng các vụ tai nạn giao thông đặc biệt nghiêm trọng
Theo thống kê từ Ủy ban ATGTQG, trong 6 tháng đầu năm nay, cả nước đã xảy ra trên 6.200 vụ tai nạn giao thông (TNGT), làm chết hơn 5.800 người, bị thương gần 4.000 người. So với cùng kỳ năm ngoái, giảm 231 vụ. Mặc dù số vụ TNGT giảm đáng kể song, một điều đáng nói là số vụ TNGT đường bộ đặc biệt nghiêm trọng lại có chiều hướng gia tăng. Cụ thể, từ đầu năm đến nay, cả nước xảy ra 85 vụ, so với 6 tháng đầu năm 2008 thì tăng tới 7 vụ (chiếm 8,9%). Cùng đó, TNGT đường sắt cũng xảy ra 232 vụ, làm chết 99 người, bị thương 137 người, so với cùng kỳ năm ngoái tăng cả 3 mặt số vụ, số người chết và người bị thương. Cũng tính riêng 2 quý đầu năm, trên cả nước có 33 địa phương giảm số người chết vì TNGT, nhưng bên cạnh đó lại có tới 25 địa phương tăng về số người bị chết vì TNGT. Cụ thể Phú Thọ là tỉnh tăng cao nhất tới 44,9%, tiếp đến là Hòa Bình tăng 41,7%, Hà Giang tăng 39,1%...
Nguyên nhân gia tăng các vụ tai nạn nói trên chủ yếu là do ý thức tự giác chấp hành pháp luật về trật tự an toàn giao thông của một bộ phận người tham gia giao thông kém. Dẫn chứng về điều này, ông Thân Văn Thanh, Chánh Văn Phòng Ủy ban ATGT QG chỉ rõ, có tới 64,6% số vụ TNGT đường bộ là do chủ quan của người điều khiển phương tiện cố tình vi phạm, trong đó có 36,3% vi phạm tốc độ; 17,8% đi không đúng phần đường, làn đường…là nguyên nhân trực tiếp gây ra những vụ TNGT đặc biệt nghiêm trọng. Nguyên nhân khác là do những bất cập trong công tác quản lý Nhà nước về TTATGT ở các lĩnh vực đăng kiểm, đăng ký phương tiện, đào tạo sát hạch cấp giấy phép lái xe, hạ tầng giao thông, quản lý vận tải và quản lý đội ngũ lái xe chậm được khắc phục, hoặc khắc phục chưa triệt để.
Ngoài ra, một vấn đề rất đáng chú ý là tình trạng ùn tắc giao thông cũng có những diễn biến khá phức tạp . Theo Ủy ban ATGTQG, 6 tháng đầu năm đã xảy ra hơn 100 vụ ùn tắc giao thông kéo dài trên 1 giờ (tăng 29 vụ so với cùng kỳ năm ngoái). Đáng chú ý có những vụ ùn tắc kéo dài hàng chục giờ do tai nạn hoặc sự cố giao thông chậm khắc phục. Nguyên nhân vẫn là phương tiện giao thông cơ giới đường bộ tiếp tục tăng cao, trong khi cơ sở hạ tầng giao thông phát triển chậm, chưa hoàn chỉnh; việc triển khai thi công các dự án giao thông, điện, nước…tràn lan, không đồng bộ, không có biện pháp tổ chức thi công, phân luồng giao thông hợp lý.
Sớm khắc phục bằng những giải pháp
Liên quan đến vấn đề cải thiện điều kiện kết cấu hạ tầng giao thông, lãnh đạo Cục Đường bộ cho biết: từ đầu năm đến nay đơn vị này đã cho phép đầu tư xử lý gần 60 điểm đen và các vị trí tiềm ẩn nguy cơ gây mất ATGT, song vẫn còn tồn tại tới 480 vị trí đèo dốc nguy hiểm với chiều dài hơn 900km và 242 cầu yếu trong diện cần sớm đưa ra giải pháp phòng ngừa hạn chế TNGT.
Riêng vấn đề biển báo, ông Ngô Quang Đảo, Cục Phó Cục Đường Bộ nhấn mạnh, hiện trên hệ thống quốc lộ có tới hơn 137.000 biển báo hiệu các loại. Vừa qua, Cục đã tiến hành điều chỉnh, bổ sung 176 biển và tháo dỡ 91 biển không phù hợp. Nhưng theo nhận định của Giám đốc các sở GTVT Bình Thuận, Đồng Tháp, Quảng Ninh, thực tế hiện nay trên các quốc lộ, tỉnh lộ còn nhiều biển báo không còn phù hợp gây nên bức xúc cho dư luận, nhất là trên biển báo tốc độ trên dọc quốc lộ 1A. Chính vì thế, các đại biểu kiến nghị, Cục Đường bộ cần phải sớm khắc phục tình trạng này. Ngoài vấn đề biển báo, các đại biểu còn cho rằng, thời gian tới lực lượng cảnh sát giao thông cần tăng cường xử lý việc lái xe uống rượu, bia khi tham gia giao thông nhiều hơn nữa. Giám đốc Sở Bình Thuận cho hay, có tới 80% số vụ TNGT ở tỉnh này là do người điều khiển phương tiện uống rượu, bia gây nên.
Nói về những hạn chế, Chủ tịch UBATGTQG Hồ Nghĩa Dũng cũng thừa nhận, Quy định bắt buộc đội MBH khi đi mô tô, xe máy ở vùng nông thôn, vùng sâu, vùng xa, buổi tối ở đô thị chưa tốt, một số nơi khác thì xử phạt chưa nghiêm. Kéo theo đó, tình trạng trẻ em ngồi trên mô tô, xe gắn máy không đội mũ bảo hiểm có chiều hướng gia tăng. Tình trạng ùn tắc thanh thiếu niên điều khiển xe mô tô lạng lách, đánh võng, đua xe trái phép còn diễn ra phức tạp, nhất là vào giờ cao điểm… Nhằm khắc phục những tồn tại trên, và phấn đấu đạt chỉ tiêu giảm 5% số người chết so với năm 2008, Chủ tịch UBATGTQG yêu cầu các địa phương đẩy mạnh tuyên truyền, phổ biến pháp luật TTATGT, nhất là các nội dung liên quan đến Luật GTĐB mới. Đồng thời đẩy mạnh công tác giáo dục an toàn giao thông trong trường học ngay đầu năm học. Bên cạnh đó, tổ chức các đợt cao điểm về tuần tra kiểm soát đường bộ, đường thủy trong “tháng An toàn giao thông”; Từng bước khắc phục ùn tắc giao thông tại TP Hồ Chí Minh và Hà Nội, nhân rộng các phương án tổ chức giao thông hợp lý. Mặt khác, đẩy nhanh tiến độ các dự án an toàn giao thông đường bộ bằng vốn vay WB, JICA…/
Theo Website ĐCS