Ngày 21/10 tại Hà Nội, Uỷ ban ATGT Quốc gia đã tổ chức cuộc họp đánh giá về công tác bảo đảm trật tự ATGT quý III, 9 tháng đầu năm 2008 và kết quả thực hiện Tháng ATGT. Cuộc họp do Bộ trưởng, Chủ tịch Uỷ ban ATGT Quốc gia Hồ Nghĩa Dũng chủ trì.
Theo báo cáo của Uỷ ban ATGT Quốc gia, trong 52 địa phương giảm số người chết so với cùng kỳ, có nhiều tỉnh, thành phố giảm mạnh như Tp. Hồ Chí Minh giảm 129 người, Hà Nội giảm 102 người, Đắc Lắc giảm 44 người, Tây Ninh giảm 35 người, Đồng Tháp giảm 29 người, Lâm Đồng giảm 27 người, Phú Yên và Bà Rịa - Vũng Tàu mỗi tỉnh giảm 24 người, Quảng Bình giảm 23 người...
Đây là tháng thứ 9 trong năm 2008 TNGT liên tục giảm so với các tháng cùng kỳ năm trước. Tuy nhiên vẫn có 10 địa phương tăng số người chết, trong đó Bình Dương tăng 71 người, Long An tăng 25 người, Tiền Giang tăng 21 người...
Công tác đảm bảo trật tự ATGT 9 tháng đầu năm 2008 đã được Chính phủ, các Bộ, ngành và địa phương quan tâm chỉ đạo sát sao. Chính phủ đã ban hành 1 Nghị quyết, 2 Nghị định; Thủ tướng Chính phủ đã ban hành 2 Quyết định liên quan công tác đảm bảo trật tự ATGT; Bộ Công an, Bộ GTVT đã ban hành nhiều Thông tư, Quyết định và văn bản hướng dẫn liên quan đến việc xử lý, đăng ký, quản lý phương tiện, loại bỏ phương tiện...
Bộ GTVT ban hành các quy định, chương trình đào tạo và mẫu GPLX mới nhằm nâng cao chất lượng đào tạo và quản lý lái xe; công tác kiểm định kỹ thuật an toàn phương tiện vận tải ngày càng hiện đại hoá bằng các thiết bị tự động; công tác lập hồ sơ và xử lý "điểm đen" về TNGT đã được thực hiện khẩn trương (9 tháng xử lý 60 "điểm đen"), đồng thời tiến hành điều chỉnh các bất hợp lý về tổ chức giao thông trên các quốc lộ.
Thực hiện chủ trương đình chỉ lưu hành xe ôtô hết niên hạn sử dụng, xe cơ giới 3, 4 bánh tự chế, các Bộ, ngành và địa phương đã khẩn trương ban hành các chính sách quản lý, một số địa phương đã có chính sách hỗ trợ cho chủ phương tiện chuyển đổi nghề hoặc thay thế phương tiện... Để tháo gỡ những khó khăn vướng mắc, Bộ GTVT đã trình Thủ tướng Chính phủ ban hành Chỉ thị 1405/CT-TTg về tiếp tục quản lý xe "công nông", xe cơ giới 3, 4 bánh...
Bên cạnh mục tiêu đạt được, vẫn còn xảy ra nhiều vụ ùn tắc giao thông kéo dài từ 30 - 40 phút tại Hà Nội, Tp. Hồ Chí Minh và trên QL1... Đặc biệt, chưa kiềm chế được TNGT nghiêm trọng do xe khách gây ra, điển hình là vụ TNGT nghiêm trọng xảy ra ngày 21/9/2008 trên QL1A qua Nghệ An làm 16 người chết, 14 người bị thương.
Về vấn đề này, Thiếu tướng Đỗ Đình Nghị - Cục trưởng Cục CSGT Đường bộ - Đường sắt cho rằng: Qua phân tích 105 vụ TNGT đặc biệt nghiêm trọng từ đầu năm, có 37 vụ liên quan đến xe khách, trong đó xe ôtô khách của tư nhân và doanh nghiệp tư nhân là 22 vụ. Vấn đề đặt ra phải xử lý từ "gốc", tức là quản lý đội ngũ lái xe ôtô khách, có hình thức như tuyên truyền giáo dục đạo đức, pháp luật và đào tạo, bổ túc nghiệp vụ cho đội ngũ này.
Từ đầu năm đến nay Bộ Công an đã chỉ đạo xử lý 3 đợt theo chuyên đề xe khách, phát hiện lập biên bản 8.825 trường hợp lỗi vi phạm chủ yếu do người điều khiển phương tiện nhưng vi phạm và TNGT liên quan đến xe khách vẫn chưa giảm.
Trong khi đó, theo Thứ trưởng Bộ GD&ĐT Phạm Vũ Luận, Bộ đã bổ sung quy định xử lý học sinh, sinh viên đua xe, cổ vũ đua xe vào quy chế học sinh sinh viên, đồng thời dùng hình thức tuyên truyền ngược lại gia đình để giáo dục con em không sử dụng môtô, xe gắn máy khi chưa đủ điều kiện.
9 tháng đầu năm 2008, cả nước đã xảy ra 9.484 vụ TNGT, làm chết 8.605 người, bị thương 6.167 người; so với cùng kỳ giảm cả 3 tiêu chí, giảm 1.548 số vụ, 1.312 người chết và giảm 2.222 người bị thương. Riêng tháng 9 (Tháng ATGT) xảy ra 966 vụ TNGT, làm chết 864 người, bị thương 605 người; so với tháng trước giảm 58 vụ, giảm 33 người chết và giảm 55 người bị thương.
|
Theo Chủ tịch Uỷ ban ATGT Quốc gia Hồ Nghĩa Dũng, Bộ GD&ĐT cần xem xét lại 3 vấn đề: chương trình giáo dục ATGT của từng bậc học, kế hoạch đẩy mạnh cuộc vận động học sinh sinh viên gương mẫu và tuyên truyền cho gia đình chấp hành các quy định đảm bảo ATGT, kiểm tra việc thực hiện Chỉ thị 52/CT-BGDĐT về tăng cường giáo dục ATGT trong trường học.
Tại cuộc họp này, các thành viên Uỷ ban ATGT Quốc gia còn tham góp nhiều ý kiến về một loạt vấn đề liên quan đến công tác đảm bảo trật tự ATGT nổi lên gần đây. Cụ thể là, lệ phí trước bạ đăng ký phương tiện với ôtô, chuyển quyền sở hữu còn cao.
Thứ trưởng Bộ Tài chính Phạm Sỹ Danh cho rằng, đây là chủ trương nhằm hạn chế sử dụng ôtô cá nhân và để siết chặt hơn việc quản lý phương tiện. Tuy nhiên, quá trình thực hiện nếu có vướng mắc sẽ nghiên cứu để điều chỉnh; Bộ Tài chính cũng đang nghiên cứu cơ chế, chính sách khuyến khích xây dựng các công trình giao thông tĩnh theo hướng giảm tiền thuê đất cho tổ chức, cá nhân đầu tư trong lĩnh vực này.
Tương tự, trước việc dư luận phản ứng về quy định tiêu chuẩn sức khoẻ mới được Bộ Y tế ban hành, Ts. Trần Quý Tường - Cục phó Cục Quản lý khám chữa bệnh (Bộ Y tế) cho rằng, đây là quy định cơ bản tiếp thu và kế thừa Quyết định 4123 từ năm 2001.
Những tiêu chí về thể lực, sinh lý của người điều khiển phương tiện trước đó đều đã được lấy ý kiến của các chuyên gia ngành Y tế, đơn vị y tế các địa phương, cũng như các bộ, ngành liên quan và đã cơ bản đồng thuận. Những tiêu chí đưa ra đều hướng đến mục đích là để người tham gia giao thông được an toàn.
Bộ trưởng Hồ Nghĩa Dũng đề xuất Bộ Y tế cần tuyên truyền, giải thích để người dân ủng hộ. Ngoài ra, Bộ Y tế sớm hoàn thiện đề án cấp cứu TNGT để tăng cường hiệu quả cấp cứu, khám chữa bệnh cho người bị TNGT.
Bộ trưởng Hồ Nghĩa Dũng cũng đánh giá cao đề án "Đồng hành cùng ATGT" mà Trung ương Đoàn đang hoàn thiện để triển khai. Bởi đây là một trong những hoạt động thể hiện sự tham gia tích cực của đoàn viên thanh niên, tổ chức Đoàn trong công tác đảm bảo trật tự ATGT, cổ vũ động viên những gương người tốt, việc tốt, điển hình tiên tiến về đảm bảo trật tự ATGT.
theo banduong.vn