Có thể nói, hơn 20 năm qua, nhờ chính sách đổi mới của Đảng và nhà nước, bộ mặt nông thôn đã thật sự “thay da - đổi thịt” trên tất cả các lĩnh vực. Đặc biệt là chủ trương đô thị hoá nông thôn đã tạo ra những bước nhảy vọt về lượng các đô thị ở nông thôn. Các trung tâm tỉnh lỵ xưa (thị xã) của các địa phương, hầu như đã được nâng cấp lên thành phố cấp 3, cấp 2...
Các thị trấn thành thị xã, thị tứ thành thị trấn. Chưa có thị tứ, cứ tập trung buôn bán, xây dựng nhà ống, nhà tầng, bám mặt đường, chỉ vài năm sau là trở thành thị tứ. Đến khi nào có nhiều dân, không còn vỉa hè và tắc đường, nhiều tai nạn là sẽ được lên... phố! Đó là chưa kể đến vô số các khu công nghiệp, khu chế xuất, khu du lịch sinh thái, khu vui chơi giải trí, khu chung cư... đang mọc lên như nấm.
Đặc biệt là các khu vực giành riêng cho sân golf đang từng ngày "liếm" đi hàng ngàn ha đất nông nghiệp. Đi liền với số lượng “các khu” này là hàng ngàn nông dân mất ruộng cày! Không ruộng, nhiều người cố đua chạy ra mặt đường mở quán bán hàng, thế là dần dần trở thành phố! Người không có nhà mặt đường hoặc không nghề ngỗng gì thì mua xe máy làm nghề xe ôm. Trong đó, số người trong độ tuổi lao động trẻ chiếm tỷ lệ khá lớn. Anh Ninh Văn Thoan - dân tộc Cao Lan ở xã Quang Hà, huyện Tam Đảo, tỉnh Vĩnh Phúc cho biết, nhà anh là gia đình thuần nông, có 8 nhân khẩu, trừ bố mẹ già, 6 anh em đều là tay cày, tay cuốc.
Mấy năm trước, gia đình anh bị thu hồi gần hết số ruộng và đồi vườn để làm sân golf, người ta đền bù cho mấy chục triệu đồng. Không ruộng đất, anh em bàn nhau mua hai chiếc xe wave tàu về làm xe ôm. Chẳng thạo xe, thạo đường, cậu em đi đứng thế nào, mà lao cả người cả xe xuống suối, may mà không bị thương tích nặng gì, nhưng con xe coi như bỏ, lại còn phải đền tiền thuốc cho khách mất hơn trăm ngàn đồng nữa chứ! Bây giờ nó đi theo thợ hồ làm ở thành phố Vĩnh Yên rồi.
Chẳng riêng gì nhà anh Thoan, đi tìm tư liệu về vấn đề: Ruộng đất - việc làm cho thanh niên ở nông thôn, chẳng khó khăn gì! Ngay như ở Mê Linh - một huyện ngoại thành Hà Nội, hàng trăm ha đất nông nghiệp ở mấy xã Quang Minh, Kim Hoa, Mê Linh... hiện đã bị thu hồi cho các dự án xây dựng khu công nghiệp, khu chung cư cao cấp... Thế là bao nhiêu ao, hồ nuôi cá, đất trồng hoa màu, trồng thanh hao, trồng lúa, ngô... lần lượt tuột khỏi tay những người nông dân. Được ít tiền đền bù đất nông nghiệp, hầu như nhà nào cũng sắm xe máy để cho bằng làng bằng xóm. Chứ chẳng mấy người dùng tiền đền bù đi học lấy một cái nghề cho ra nghề có thể kiếm sống nuôi thân và gia đình. Anh Nguyễn Công Nam, xã Phúc Thắng, thị xã Phúc Yên, tỉnh Vĩnh Phúc tâm sự, ngày gia đình anh trả đất để xây dựng nhà máy chế tạo xe máy Honda, người ta hứa sẽ tuyển dụng vào làm, nhưng mà trình độ văn hoá, trình độ chuyên môn kỹ thuật không có, thế là nghỉ!
Không thể phủ nhận mặt tích cực của việc đô thị hoá nông thôn. Cũng nhờ chủ trương này, mà hầu hết mạng lưới đường giao thông nông thôn ở nước ta đã được mở mang và được bê tông hoá hoặc nhựa hoá, nhất là đường liên xã, liên thôn. Nhờ có đường giao thông, việc đi lại làm ăn, buôn bán của nông dân được thuận tiện. Nhà nào cũng sắm từ một đến hai chiếc xe máy để làm ăn hoặc để đi lại. Tuy nhiên, do sắm xe theo phong trào và theo kiểu “con gà tức nhau tiếng gáy” nên đã làm cho số lượng xe máy ở nông thôn tăng lên chóng mặt. Nhiều người mua xe, nhưng không hiểu biết về tính năng kỹ thuật của xe. Thậm chí họ còn vô tư phán: “có xe là khắc biết đi, lo gì!”. Và cái hậu quả của việc “lo gì” ấy đã mang đến những hậu quả đau lòng do bị đâm va, ngã đổ... bởi không thạo xe, thạo đường và không biết Luật Giao thông.
Điều đáng lo nhất hiện nay ở nông thôn là tình trạng thanh - thiếu niên sử dụng xe máy tràn lan mà không có sự hiểu biết gì về luật lệ giao thông. Điều đáng phê bình là các bậc cha mẹ cũng không có sự quan tâm nhắc nhở hoặc sự nghiêm khắc cần thiết. Đó là chưa kể đến những bậc phụ huynh nuông chiều con cái một cách thái quá. Chưa đến tuổi thành niên hoặc chưa học xong THPT, đã nhăm nhe mua xe cho con để chúng bằng bè, bằng bạn. Được thể, chúng càng lấn tới, nhất là đám choai choai, cứ có xe là đi. Mà không phải đi bình thường.
Nhảy lên xe là rồ ga, lạng lách, đánh võng, phóng bạt mạng, bất chấp qui tắc, coi thường luật lệ giao thông. Nhất là mỗi khi có đám cưới, tiệc tùng sinh nhật, hoặc ngày tết. Có tí rượu, tí bia vào người là “đường của ông, ông cứ đi!”. Bất kể đoạn đường đó cong hay thẳng, vắng người hay đông người. Nhiều lúc chúng tụ tập, dàn hàng ngang trên đường, ai nói gì là chúng chửi lại rất tục tĩu, thậm chí còn gây gổ đòi đánh cả người ta! Có đứa rồ ga, bốc đầu rồi cả bọn hùa theo cười rú lên như bị điên đột xuất! Ông Dương Bình Cấp, thôn Chợ Cũ, xã Đại Hoá, huyện Tân Yên, tỉnh Bắc Giang đau đớn kể: “Thằng lớn nhà tôi, năm nay còn sống chắc là cũng làm bố trẻ con rồi.
Thế mà 6 năm trước, chẳng hiểu nó nói thế nào, mà ông chú cho mượn xe đi ăn sinh nhật bạn. Rượu vào, 4 thằng (tuổi từ 16 đến 21) đèo nhau, không hiểu đi đứng kiểu gì mà đâm vào xe công nông. Nó chết tại chỗ, còn 3 thằng kia, đứa gãy tay, đứa gãy chân, đứa thì chấn thương sọ não, bây giờ bố mẹ phải hầu cơm từng bữa. Mà tôi lại còn mang tiếng với xóm làng là chiều con, vì ông chúng nó mới bị thế! Chú bảo thế có khổ cho cái thân tôi không?”.
Quả thật, về các làng quê bây giờ, chuyện làng chuyện xóm, quay đi - quay lại, lại về chuyện xe máy và vấn đề an toàn giao thông. Có kể cả đêm cũng không hết chuyện! Chung qui lại, vẫn là ở cái nhiều “không”: Không hiểu biết về xe; không biết Luật Giao thông; không đội mũ bảo hiểm; Không giấy phép lái xe, thậm chí không cả đăng ký xe... (vì có đi đâu xa mà phải đăng ký!). Còn chuyện chở hàng cồng kềnh, chở hàng quá khổ, quá tải, chở ba, chở bốn, thậm chí chở năm, phóng ào ào như ma đuổi không có gì là lạ. Thậm chí, có người đến hơn sáu chục tuổi mới mua được xe máy, khi ngồi lên xe, đáng phanh thì lại ga, đáng còi thì lại nhan. Cứ rối tinh cả lên, và thế là rầm! Đâm vào người ta rồi, đứng dậy còn mắng: Sao không tránh, bà tưởng tôi đi xe thạo lắm à?!
Có thể nói, với phong trào và tốc độ đô thị hoá nông thôn hiện nay đã và đang xuất hiện nhiều vấn đề để các nhà quản lý phải quan tâm giải quyết. Trong đó, vấn đề an toàn giao thông là một trong những vấn đề khá bức xúc, nhất là việc thanh niên vi phạm luật lệ giao thông, đòi hỏi các cơ quan chức năng và chính quyền địa phương phải sớm có những biện pháp giải quyết kịp thời. Lấy ngay chuyện thanh thiếu niên sử dụng xe máy và tình trạng vi phạm ATGT khi tham gia giao thông là một ví dụ. Đã đến lúc “đô thị hoá” phải gắn liền với “Luật Giao thông hoá” ở nông thôn.
nguồn giaothongvantai.com.vn