Thời gian vừa qua, trên QL 1A đoạn qua tỉnh Ninh Bình luôn xảy ra tình trạng ùn tắc giao thông nghiêm trọng đoạn từ Km 267 +400 - Km 277 đặc biệt trong các ngày lễ, Tết. Trên đoạn đường này hiện đang có 4 cây cầu đã xuống cấp và được cho vào danh mục cầu yếu; cầu Yên (km 270+200), cầu Vó (km272 +800), cầu Ghềnh (km273 +870) và cầu Do (km275+650). Có nhiều nguyên nhân gây ra ùn tắc giao thông trên tuyến đường này, nhưng do thiếu sự phối hợp trong công tác điều tiết bảo đảm giao thông nên ùn tắc trở nên trầm trọng hơn.
Qua tìm hiểu chúng tôi được biết, cầu Yên do Công ty Cổ phần xây dựng số 4 Thăng Long thi công, cầu được khởi công ngày 9/10/2006, theo hợp đồng thời gian thi công là 180 ngày, tức là phải hoàn thành vào tháng 4/2007 nhưng đến nay đơn vị thi công xin gia hạn đến ngày 31/12/2008. Cầu Ghềnh do Công ty 99 thuộc Binh đoàn 12 - Bộ Quốc phòng thi công đến nay đã cơ bản hoàn thiện các hạng mục chính và đang tiến hành hoàn thiện mặt cầu và đường. Kinh phí sửa chữa 2 cầu này được lấy từ nguồn sửa chữa đường bộ, chủ đầu tư là Khu quản lý đường bộ 2 - Cục Đường bộ VN.
Cầu Do và cầu Vó được sử dụng nguồn vốn JBIC, chủ đầu tư trước đây là Ban quản lý dự án Biển Đông thuộc Bộ GTVT nay thuộc Cục Đường bộ VN. Hai cầu được đưa vào dự án cải tạo 140 cầu sử dụng nguồn vốn JBIC của Bộ GTVT 2004, do nhiều nguyên nhân khác nhau nên đến tháng 1/2007 Bộ GTVT điều chỉnh dự án xuống còn 68 cầu. Đến tháng 9/2007, đã tổ chức đấu thầu và tháng 3/2008 mới ký kết được hợp đồng kinh tế, đơn vị thi công là liên danh Công ty Cổ phần cơ giới Thăng Long và Công ty TNHH Đạt Phương thi công trong 24 tháng.
Cầu Vó hiện nhà thầu đang thi công cầu tạm để bảo đảm giao thông nhưng chưa triển khai cầu chính, cầu Do trong quá trình chờ xây cầu mới Công ty Cổ phần Quản lý và Xây dựng công trình giao thông 236 - Khu QLĐB 2 phải thi công đường tránh, cầu tạm benley để bảo đảm giao thông. Sau khi giao lại cho Ban QLDA Biển Đông kiểm tra, báo cáo Bộ GTVT và được phê duyệt phương án thay thế dầm benley bằng dầm chữ I để tăng cường sức chịu tải của cầu tạm, đến nay việc gia công chuẩn bị hệ dầm chữ I đã xong và đang tiến hành lắp dựng. Nguyên nhân chính gây ùn tắc giao thông trên đoạn đường này là triển khai thi công 4 cầu này kéo dài quá lâu, trong đó có những cây cầu từ khi hư hỏng và được đưa vào dự án đến nay đã gần 5 năm như cầu Do, cầu Vó.
Lưu lượng phương tiện trên QL 1A ngày một gia tăng (trên 10.000 xe/ngày đêm), có nhiều phương tiện quá khổ, quá tải, trong khi mặt đường hẹp. ý thức của một số lái xe kém; tranh giành đường khi qua cầu yếu, đường hẹp… Ban quản lý dự án và nhà thầu chưa có phương án phối hợp với các cơ quan chức năng của địa phương để phòng ngừa và điều tiết giao thông khi xảy ra ách tắc. Các đơn vị thi công chưa chấp hành tốt các quy định của Bộ GTVT về công trình thi công trên các tuyến đường đang khai thác.
Chiều ngày 18/8/2008, chúng tôi có mặt tại cầu Vó, tuy không xảy ra tình trạng ùn tắc giao thông, nhưng khi có 5 phương tiện cùng thời điểm qua cầu thì tình trạng ùn xảy ra do các phương tiện phải đi chậm lại. Mặt đường còn có nhiều ổ gà, xe đi lại khó khăn, tốc độ chậm, chỉ một phương tiện gặp sự cố sẽ gây tắc đường trong khi không có xe trực cứu hộ giao thông…
Được biết, ông Phan Tiến Dũng - Phó Chủ tịch UBND tỉnh Ninh Bình đã có kiến nghị với Cục Đường bộ Việt Nam để chỉ đạo các Ban QLDA và nhà thầu tìm mọi biện pháp đẩy nhanh tiến độ thi công để thông xe kỹ thuật cầu Vó, cầu Do trước Tết Âm lịch năm 2009. Yêu cầu các nhà thầu phải tuân thủ các quy định về thi công trên đường đang khai thác như cắm biển báo hiệu công trường, biển báo, điều tiết giao thông, thường xuyên duy tu, sửa chữa đảm bảo giao thông cho đường tránh, cầu tạm và phải có phương tiện cứu hộ trực tại hiện trường để kịp thời giải phóng thông đường khi có sự cố xảy ra. Đồng thời cần có sự phối hợp chặt chẽ giữa đơn vị thi công và chính quyền địa phương trong công tác bảo đảm trật tự ATGT tại đây, trước mắt Ban ATGT tỉnh đã chi 120 triệu đồng từ nguồn kinh phí ATGT để mở rộng đường tránh phía Nam cầu Do để bảo đảm giao thông tại cầu này.
Duy Tiến - Khánh Hà