Từ ngày 2/6 đến hết 30/6, chính quyền địa phương phối hợp với cơ quan quản lý đường bộ đồng loạt tiến hành cưỡng chế giải toả những vi phạm HLĐB trên cả 4 đoạn quốc lộ 1A: Hà Nội-Ninh Bình, Vinh-Huế, Đà Nẵng-Nha Trang, Ninh Thuận-TP Hồ Chí Minh.
Ngay trong ngày đầu, lực lượng cưỡng chế đã gặp phải sự chống đối gay gắt của người dân có công trình vi phạm. Quan điểm của cơ quan công quyền là quyết tâm giải toả các vi phạm xong trong tháng 6/2008, bằng thuyết phục và kiên quyết.
Sáng ngày 2/6, trên QL1A đoạn qua địa phận huyện Thanh Liêm, tỉnh Hà Nam, cả 7 xã có QL1A đi qua đã đồng loạt ra quân tiến hành cưỡng chế các vi phạm HLĐB. Những công trình nằm trong phạm vi từ 5 - 7 mét HLĐB đã được nhận đền bù cả đất, công trình và hoa màu khi cải tạo QL1A trước đây thuộc diện cưỡng chế giải tỏa lần này.
Chính quyền địa phương và cơ quan quản lý đường bộ đã huy động đến địa bàn số lượng người và máy móc thiết bị cần thiết để cưỡng chế giải tỏa các công trình vi phạm HLĐB, cho thấy rõ quyết tâm thực thi nhiệm vụ.
Phía cơ quan quản lý đường bộ, cả 3 đội Thanh tra giao thông của Khu QLĐB II đều có mặt. Công ty CP QL&SC đường bộ 236 phụ trách quản lý sửa chữa đoạn quốc lộ này huy động 2 máy xúc, 2 máy cưa, 2 ôtô và 30 công nhân. Ông Nguyễn Văn Tự - Phó giám đốc Công ty cho biết: Máy móc thiết bị và công nhân Công ty đã có kế hoạch dự trù, khi cần thiết sẽ huy động thêm, phối hợp chặt chẽ với các lực lượng của địa phương, đảm bảo đáp ứng yêu cầu thực thi công tác.
Về phía địa phương huyện Thanh Liêm, trong ngày ra quân, toàn bộ lãnh đạo huyện có mặt tại địa bàn giải tỏa, nắm bắt tình hình, trực tiếp chỉ đạo công tác cưỡng chế. Tham gia tổ công tác, huyện còn huy động lực lượng công an (8-10 người), thanh tra (10-15 người), quân sự (5 người). 7 xã của Thanh Liêm đồng loạt ra quân, mỗi xã huy động lực lượng 20 - 30 người.
Ngay khi tổ công tác bắt đầu nhiệm vụ, đã gặp phải sự chống đối khá gay gắt của người dân. Một số hộ dân có công trình vi phạm bị cưỡng chế la lối, chửi bới khá ầm ĩ, đứng ngay trước mũi máy xúc để ngăn cản công việc.
Ông Trần Văn Đảm - Phó chủ tịch huyện Thanh Liêm cho biết: Chúng tôi đã xác định cưỡng chế, tháo dỡ công trình vi phạm là công tác rất khó khăn. Nhiều công trình vi phạm là nhà ở, quán hàng, biển hiệu kinh doanh của người dân, khi tháo dỡ chắc chắn sẽ vấp phải sự phản đối. Trước khi cưỡng chế, bắt đầu từ đầu tháng 4/2008 đến nay, chúng tôi đã tiến hành tuyên truyền người dân có công trình vi phạm tự giác tháo dỡ. Nay, tổ công tác vẫn tiếp tục thuyết phục người dân trước khi chính thức kiên quyết cho tháo dỡ công trình. Mong muốn của chính quyền là bà con hiểu được chủ trương giải tỏa các vi phạm HLĐB, nhằm đảm bảo ATGT.
Theo thống kê của Tổ công tác, trên HLĐB đoạn QL1A Hà Nội - Ninh Bình, số liệu diện tích công trình nhà kiên cố, lều quán nằm trong phạm vi HLĐB đã được đền bù GPMB như sau:
Tỉnh Hà Tây (Km213+400 - Km251+775) có 144 hộ, diện tích nhà kiên cố 234m2, lều quán 4.186m2.
Tỉnh Hà Nam (Km215+775 - Km 251+150) có 1710 hộ, diện tích nhà kiên cố 4509m2, lều quán 39.848m2.
Tỉnh Ninh Bình (Km251+150 - km285+400) có 2.615 hộ, diện tích nhà kiên cố 3.841m2, lều quán 13.754m2.
Trên HLĐB cả 4 đoạn tuyến QL1A giải tỏa trong giai đoạn 1 có tất cả 77.502 trường hợp vi phạm với tổng diện tích gần 8 triệu m2 đất nằm trong hành lang ATGT đường bộ đã được lập hồ sơ.
Tuyến QL1A trước đây được nâng cấp mở rộng, phạm vi đất được đền bù GPMB chỉ tính đến chân mái taluy nền đường, phạm vi HLĐB 5-7 mét chủ yếu chỉ đền bù các cây cối, hoa màu trên đất, không đền bù đất. Do đó, trong gần 8 triệu m2 đất HLĐB bị vi phạm, có gần nửa triệu m2 đã được đền bù và đã bị tái lấn chiếm, gọi là “không hợp pháp” được giải tỏa tại giai đoạn 1 này.
Công tác được xác định là rất khó khăn này được các cơ quan chức năng quyết tâm hoàn tất vào cuối quý II/2008. Sự phối hợp tích cực giữa các cơ quan quản lý đường bộ với chính quyền các địa phương, trong đó chính quyền là lực lượng quyết định thành công của công tác.
Phương Dung