Thông qua các hoạt động kéo dài trong 2 năm, dự án sẽ góp phần nâng cao nhận thức của người điều khiển môtô, xe gắn máy khi sử dụng MBH tham gia giao thông.
 |
Đội MBH đúng cách sẽ bảo vệ người bị TNGT khỏi chấn thương sọ não
và vùng cổ - Ảnh: P.V
|
Mục tiêu của dự án là nâng cao hiệu quả các chương trình truyền thông; nhận thức đúng và đầy đủ về tác dụng của MBH; tác hại của việc sử dụng rượu, bia khi tham gia giao thông và xây dựng các mô hình can thiệp trực tiếp nhằm giảm thiểu tử vong, thương tật do TNGT đường bộ gây ra.
Theo kế hoạch, dự án sẽ gồm 2 phần việc là nâng cao nhận thức cho người tham gia giao thông bằng môtô, xe gắn máy khi sử dụng MBH và hỗ trợ người sử dụng rượu, bia khi điều khiển phương tiện giao thông.
Ở phần việc thứ nhất, dự án tập trung vào công tác tuyên truyền, khuyến cáo và phổ biến các kinh nghiệm sử dụng MBH đúng cách để giảm thiểu chấn thương sọ não.
Theo WHO, hiện nay ở Việt Nam người tham gia giao thông bằng môtô, xe gắn máy đội MBH đạt tỷ lệ rất cao (trên 95%) nhưng phần lớn lại không tuân thủ theo đúng hướng dẫn sử dụng. Những thiếu sót trong việc đội MBH phần lớn rơi vào các trường hợp: không cài quai, đội ngược mũ, để mũ nghiêng về một bên và cài quai không đúng vị trí... đã khiến tác dụng bảo hiểm của mũ bị hạn chế.
Vì vậy WHO khuyến cáo, nếu đội MBH đạt chất lượng, đúng cách sẽ giảm được 39% tử vong, 72% bị chấn thương sọ não và không hề có liên quan gì đến các chấn thương ở vùng cổ khi TNGT xảy ra.
Dự án còn đặc biệt quan tâm đến vấn đề MBH ở trẻ em. Bởi thực tế hiện nay, phần lớn trẻ em khi ngồi trên môtô, xe gắn máy cùng người lớn nhưng lại không đội MBH. Một khi TNGT xảy ra, người lớn được bảo vệ, còn trẻ em thì không.
Theo ông Nguyễn Phương Nam, cán bộ dự án của WHO, sở dĩ có tình trạng này là do Việt Nam chưa có quy định xử phạt trẻ em không đội MBH. Đây thực sự là một lỗ hổng trong công tác bảo đảm ATGT hiện nay. Vì vậy, dự án sẽ tập trung tuyên truyền, khuyến cáo mạnh vào đối tượng này để các bậc phụ huynh quan tâm hơn nữa tới sự an toàn của chính con em mình.
Bênh cạnh đó, dự án còn khuyến cáo cơ quan chức năng cần sớm có quy định chặt chẽ, thậm chí xử phạt cha mẹ nếu để trẻ em không đội MBH.
Về vấn đề người uống rượu, bia khi điều khiển phương tiện giao thông, dự án sẽ tập trung tuyên truyền, khuyến cáo trực tiếp đến những người lái xe. Ở 3 địa phương thí điểm, dự án sẽ lập danh sách các nhà hàng thường xuyên có lái xe ăn uống để vận động họ không bán rượu, bia hoặc chỉ bán một lượng nhất định cho các tài xế.
Song song với việc này, dự án còn trang bị cho lực lượng CSGT máy đo nồng độ cồn trong hơi thở và tổ chức tập huấn để lực lượng làm nhiệm vụ TTKS thành thục khi xử lý vi phạm.
Ông Nguyễn Phương Nam cho rằng, hiện nay, việc kiểm tra, xử lý nồng độ cồn quá mức cho phép chủ yếu vẫn chỉ được thực hiện đi kèm với hành vi vi phạm trực tiếp khác, do vậy hiệu quả ngăn chặn không cao.
Thông qua dự án này, WHO mong muốn việc kiểm tra, phát hiện lái xe sử dụng rượu, bia phải được tiến hành thường xuyên. Ngoài ra, dự án còn giúp các địa phương tham gia có thể đưa ra các biện pháp, mô hình can thiệp trực tiếp đối với các nạn nhân bị TNGT dựa trên nghiên cứu, đánh giá và ghi chép chi tiết; cấp phát MBH cho trẻ em tại địa phương và tuyên truyền trực tiếp cho người nhà nạn nhân bị TNGT ở các bệnh viện.
Dự kiến, dự án sẽ chính thức đi vào hoạt động trong tháng 4/2008 khi được Chính phủ phê duyệt.
Trịnh Tuyến- Ban duong