Thứ ba, ngày 04/02/2025

Ách tắc giao thông Hà Nội, vì đâu ?

Thứ sáu, 18/04/2008 00:00 GMT+7
Người dân Hà Nội hiện đang bức xúc trước nạn ùn tắc giao thông. Có nhiều nguyên nhân, nhưng sự thiếu ý thức của người tham gia giao thông là vấn đề đáng quan tâm.
Người dân Hà Nội hiện đang bức xúc trước nạn ùn tắc giao thông. Có nhiều nguyên nhân, nhưng sự thiếu ý thức của người tham gia giao thông là vấn đề đáng quan tâm.
"Ðường ta, ta cứ đi"

Thực trạng này đang diễn ra ở hầu hết các tuyến đường ở Hà Nội. Ðiển hình như tuyến Kim Mã - Nguyễn Thái Học vào giờ cao điểm (sáng từ 7 giờ đến 8 giờ 30 phút và chiều từ 16 giờ 30 phút đến 18 giờ) không thể có trật tự cho các luồng xe tham gia giao thông. Mạnh ai nấy đi. Ô-tô không chỉ giăng hàng ba, mà thậm chí hàng bốn.

Hình ảnh thường gặp tại tuyến đường này là: những chiếc xe buýt giăng hàng hai, vài chiếc xe ta-xi hoặc xe ô-tô con vượt lên chiếm hết đường của xe máy, rất nhiều người đi xe máy cũng len lỏi, cứ chỗ nào hở là chen vào. Có người còn trèo cả lên vỉa hè. Vậy là, lẽ ra chỉ ùn ứ giao thông, tốc độ đi của mỗi người chậm lại, nhưng do chen lấn, không ai nhường ai... dẫn đến tắc đường.

Còn trên những tuyến đường rộng, vắng người lại hay xảy ra tai nạn nhất là vào ngày thứ bảy, chủ nhật. Vào những ngày đó, khi mà mọi người được nghỉ, Phòng CSGT liên tục phải điều phối lực lượng làm giảm tai nạn. Lý do, ngày nghỉ đường vắng, các phương tiện càng có cơ hội phóng nhanh, vượt ẩu. Trong các vụ gây tai nạn giao thông (TNGT) có cả xe buýt.

Chúng tôi không ít lần chứng kiến xe buýt vượt đèn đỏ, xe buýt cua gấp khi rẽ, xe buýt ngoặt vào điểm đỗ quá nhanh đã gây TNGT, khiến không ít người đi đường nhiều phen hú vía. 9 giờ 16 phút sáng 26-3 vừa qua, các phương tiện đang dừng trước vạch đèn đỏ ở ngã 5 đường Thợ Nhuộm - Lý Thường Kiệt - Dã Tượng - Hỏa Lò, thì chiếc xe buýt biển kiểm soát 29N-7914 vẫn lao vun vút, mặc cho đèn tín hiệu đang đỏ, bỏ lại ánh mắt ngạc nhiên của nhiều người.

Lẽ nào, vì được ưu tiên đi vào đường một chiều và đang tham gia vào việc giảm tải giao thông cho thành phố, mà loại xe này tự cho mình không phải chấp hành  Luật Giao thông?

Ngay cả người đi bộ cũng gây ra không ít vụ TNGT (năm 2007, xảy ra 73 vụ làm 73 người chết). Hai năm gần đây, Hà Nội đã xây được một số cầu vượt, những mong sẽ giảm bớt ách tắc và TNGT. Thế nhưng, bên cạnh những người chấp hành luật, đi lên trên cầu vượt thì vẫn còn không ít người vì tiện đường, muốn nhanh, hoặc "lười" leo lên cầu, mà đường vắng là chạy ào qua.

Ðoạn đường có cầu vượt trước cổng Trường đại học Giao thông (gần Cầu Giấy) không ít nam thanh, nữ tú là sinh viên của trường phớt lờ cầu vượt, đủng đỉnh đi bộ hoặc chạy vút qua đường, bỏ ngoài tai những câu mắng "Muốn chết à?" của các tay lái ô-tô, xe máy vội vàng phanh gấp. Rất nhiều người đi bộ tùy tiện qua đường bất cứ chỗ nào mình cần, kể cả dải phân cách trên đường cao tốc cao hơn một mét họ vẫn  trèo qua. Xe đạp thì cứ "vèo" một cái lao từ trong ngõ ra phố. Không ít người đi xe máy "lượn", thậm chí đánh võng trước mũi xe ô-tô hoặc phóng nhanh, vượt ẩu, đi sai phần đường, vượt đèn đỏ... Thậm chí, khi bị lực lượng chức năng xử phạt, có người còn ngoan cố chống lại người thi hành công vụ.

Tính từ năm 2005 đến nay, Hà Nội xảy ra 36 vụ chống lại CSGT đang làm nhiệm vụ, trong đó có 16 vụ người điều khiển cố tình đâm thẳng phương tiện vào lực lượng CSGT; mười vụ người điều khiển phương tiện cố tình bỏ chạy, rồi quay lại tiến công cảnh sát; mười vụ người vi phạm dùng vũ lực, làm 30 đồng chí cảnh sát bị thương.

Chúng tôi đã chứng kiến tại Ðội CSGT số 1 thuộc Phòng CSGT Công an Hà Nội, hồ sơ xử phạt vi phạm trật tự an toàn giao thông chật ba tủ và trên nóc. Trung tá Ðội trưởng  Nguyễn Văn Tòng lắc đầu: "Trung bình mỗi ngày tôi phải ký khoảng gần 200 hồ sơ vi phạm. Cứ  vài ngày lại phải cho xe ô-tô tải chở hồ sơ về kho của Công an thành phố để lưu. Các lỗi vi phạm chủ yếu vẫn là: vượt đèn đỏ, phóng nhanh, lạng lách đánh võng, đi sai phần đường, không đội mũ bảo hiểm...".

Trách nhiệm không của riêng ai

Hiện thành phố có khoảng hơn 70 điểm có nguy cơ thường xảy ra ùn tắc giao thông;69 điểm đen về tai nạn giao thông... Trong khi đó, trung bình mỗi ngày thủ đô có khoảng hơn 500 xe ô-tô và xe máy đăng ký mới, nâng tổng số các phương tiện đang quản lý vào thời điểm cuối 2007 là: 201.933 xe ô-tô; 1.943.411 xe mô-tô, xe máy, chưa kể số xe của cơ quan trung ương, quân đội và khoảng hơn 31% tổng số phương tiện đăng ký ở các tỉnh hoạt động trên địa bàn Hà Nội.

Như vậy, một ki-lô-mét đường của thủ đô đang chịu tải 500 xe ô-tô và 5.500 xe máy. Theo Ðại tá, Phó Giám đốc Công an Hà Nội Ðỗ Kim Tuyến: "Ðường chật, phương tiện tham gia giao thông đông. Trong khi đó một bộ phận người dân tham gia giao thông không tự giác, khiến  lực lượng chức năng cho dù có cố gắng làm cả ngày nghỉ, không quản nắng, mưa, giá rét, liên tục phải hít khói bụi, xăng xe, nhưng vẫn bất khả kháng trước việc ùn tắc giao thông".

Chúng ta ghi nhận cố gắng của lực lượng chức năng của Hà Nội trong năm 2007 và hai tháng đầu năm 2008 đã kiềm chế và giảm tai nạn giao thông trên cả ba mặt, nhưng ùn tắc thì không thể một sớm, một chiều mà còn phụ thuộc nhiều yếu tố. Do quỹ đường ở Hà Nội tăng không đáng kể, các phương tiện liên tục gia tăng, rồi số người nhập cư về Hà Nội sau khi Luật Cư trú có hiệu lực đang gây áp lực lớn cho thủ đô.

Trong khi chờ thành phố thực hiện bảy giải pháp cho giao thông Hà Nội, trong đó có việc đưa trường đại học, bệnh viện, nhà máy, xí nghiệp ra ngoại vi thành phố (như ý kiến của Chủ tịch UBND thành phố Nguyến Thế Thảo về giải pháp chống ùn tắc giao thông ở Hà Nội), mở thêm đường mới... thì vấn đề quan trọng hàng đầu là phải nâng cao ý thức chấp hành luật pháp của người tham gia giao thông.

LÊ PHƯƠNG HIÊN - Báo Nhân Dân
Tìm theo ngày :

Đánh giá

(Di chuột vào ngôi sao để chọn điểm)