Theo kế hoạch, đầu tháng 5/2008, cả nước sẽ đồng loạt ra quân cưỡng chế giải toả các trường hợp vi phạm hành lang ATGT trên QL1A theo Quyết định 1856/2007/QĐ - TTg của Thủ tướng Chính phủ. Ông Ngô Quang Đảo, Phó cục trưởng Cục Đường bộ VN nói rõ hơn về kế hoạch này.
Thưa ông, chiến dịch giải toả hành lang đường bộ lớn nhất từ trước đến nay đã được chuẩn bị như thế nào?
Ông Ngô Quang Đảo: Ngay từ tháng 2/2008, Cục Đường bộ VN đã quán triệt Quyết định 1856/QĐ-TTg ngày 27/12/2007 của Thủ tướng Chính phủ đến với các Khu và công ty quản lý đường bộ quản lý các đoạn tuyến thí điểm giải toả giai đoạn I gồm: Hà Nội - Ninh Bình; Vinh - Huế; Đà Nẵng - Nha Trang; Ninh Thuận - Tp. Hồ Chí Minh.
Sau khi được quán triệt, các Khu quản lý đường bộ đã phối hợp với các địa phương thành lập các tổ công tác liên ngành cấp tỉnh, huyện tiến hành rà soát, phân loại các vi phạm nằm trong hành lang ATGT đường bộ.
Theo Cục Đường bộ VN, trong phạm vi hành lang ATGT đường bộ từ 5 - 7m tại 4 đoạn tuyến thí điểm trên QL1 đã có 77.502 trường hợp vi phạm với diện tích 7,7 triệu m2 đất nằm trong hành lang.
Từ đầu tháng 4 đến nay, các địa phương đã triển khai tuyên truyền đến các tập thể, cá nhân có công trình vi phạm để tự nguyện tháo dỡ.
Dự kiến đầu tháng 5/2008, chính quyền các địa phương sẽ đồng loạt ra quân cưỡng chế giải toả các công trình vi phạm trong phạm vi từ 5 - 7m đã được đền bù, giải toả.
Sau bước này chúng tôi sẽ họp bàn rút kinh nghiệm để chuẩn bị giai đoạn II và giải toả trên toàn tuyến QL1A.
Với quyết tâm mới, lại được Chính phủ hỗ trợ khoản kinh phí đề bù giải toả khá lớn, theo ông đợt giải toả hành lang lần này liệu có tình trạng đánh trống bỏ dùi như đã từng xảy ra?
Ông Ngô Quang Đảo: Việc chống tái lấn chiếm sau giải toả lần này cũng đã được tính đến. Trong những lần giải toả trước do ngành đường bộ thường đơn thương độc mã nên sau khi giải toả lại xảy ra tình trạng tái lấn chiếm phổ biến.
Còn lần này Nghị quyết 32/2007/NQ-CP đã giao trách nhiệm giải toả và bảo vệ hành lang ATGT đường bộ cho các địa phương từ tỉnh, huyện đến phường, xã. Ngành đường bộ chỉ làm công tác tham mưu phối hợp với địa phương để quản lý hành lang. Sau lần giải toả này, các tổ chức, cá nhân vi phạm sẽ phải tự bỏ kinh phí để tháo dỡ công trình.
Thống kê, phân loại vi phạm cho thấy diện tích đất nằm trong hành lang ATGT đường bộ do chính quyền địa phương cấp sai khoảng hơn 7 triệu m2. Những trường hợp này sẽ được giải quyết như thế nào, thưa ông?
Ông Ngô Quang Đảo: Trong đợt thống kê, phân loại vi phạm lần này chúng tôi sẽ tiến hành thống kê cả các quyết định cấp đất sai quy định của chính quyền các địa phương cho các tổ chức, cá nhân để báo cáo Bộ GTVT trình Thủ tướng Chính phủ.
Trường hợp cấp sai quy định thì chính quyền địa phương sẽ phải thu hồi quyết định và giải quyết những tồn tại về việc cấp đất này. Đây là ý kiến chỉ đạo của Thủ tướng Chính phủ trong quyết định lập lại trật tự hành lang ATGT.
Đối với người dân đã xây nhà không kiên cố trong hành lang thì giải toả ngay trong giai đoạn 1 còn nhà kiên cố thì sẽ để bước 2 vì khi đó mới tập trung các phương tiện, máy móc giải toả. Còn với những nhà làm trên đất thổ canh, thổ cư nằm trong hành lang đường bộ thì xử lý luôn vì theo Luật GTĐB quy định nếu nhà, công trình nằm trong hành lang đường bộ thì không được cơi nới, mở rộng.
Chúng tôi dự kiến và đã trình Thủ tướng Chính phủ dự toán kinh phí cho việc giải toả là 1.4000 tỷ đồng đền bù để giải toả "trắng" đất hành lang trên dọc tuyến QL1A.
Cảm ơn ông!.
Tiến Mạnh - Báo Bạn đường thực hiện