Phó Giáo sư, Tiến sĩ Trịnh Quân Huấn cho biết: Tai nạn thương tích đang là một trong những nguyên nhân gây tử vong, tàn tật hàng đầu trên thế giới cũng như Việt Nam. Trên thế giới, tai nạn thương tích mỗi năm đã cướp đi mạng sống của hơn 5 triệu người, trong đó rất nhiều người bị thương tật vĩnh viễn. Tại Việt Nam, tai nạn thương tích đang có chiều hướng gia tăng với hàng chục ngàn người chết mỗi năm, trong đó tai nạn giao thông chiếm gần 46%; sau đó là tử vong do ngộ độc, bỏng, ngã, tai nạn lao động... Tỷ lệ tử vong do tai nạn thương tích ở nam cao gấp ba lần so với nữ, tập trung chủ yếu ở nhóm tuổi từ 15- 49. Đặc biệt ở trẻ em, 75% tử vong là do tai nạn thương tích... Thiệt hại về người và vật chất riêng do tai nạn giao thông ở Việt Nam là 885 triệu USD, chưa kể đến nguồn lực lớn của ngành y tế dành cho việc cứu chữa, phục hồi chức năng, gánh nặng về tâm lý, xã hội, kinh tế cho các gia đình có người bị tàn tật và cộng đồng xã hội.
Từ năm 2002, sau khi Chính phủ ban hành Chính sách quốc gia về phòng, chống tai nạn thương tích giai đoạn 2002 -2010, ngành y tế đã phối hợp với các bộ, ngành và tổ chức trong nước, quốc tế triển khai hoạt động phòng, chống tai nạn thương tích trong nhiều lĩnh vực và đã đạt được những kết quả đáng khích lệ. Công tác tuyên truyền nâng cao nhận thức cho người dân về các nguy cơ gây thương tích, hành vi nguy cơ được đẩy mạnh thông qua các hình thức truyền thông đa dạng và phong phú.
Hệ thống giám sát tai nạn thương tích bắt đầu đi vào hoạt động, cùng với các nghiên cứu tại cộng đồng, đã cung cấp số liệu, cơ sở kịp thời cho các hoạt động can thiệp, phòng chống. Công tác cấp người bị nạn trước khi đến bệnh viện đã được quan tâm. Kiến thức về sơ cứu tai nạn thương tích được phổ biến rộng rãi trong mạng lưới tình nguyện viên, hội viên Chữ thập đỏ, lái xe taxi, cảnh sát giao thông. Nhiều địa phương đã triển khai hiệu quả các biện pháp can thiệp phòng, chống tai nạn thương tích tại cộng đồng như: xây dựng ngôi nhà an toàn, trường học an toàn, cộng đồng an toàn, tập trung vào phòng, chống tai nạn giao thông, tai nạn lao động, tai nạn thương tích thường gặp ở trẻ em. Hiệu quả các can thiệp phòng, chống tai nạn thương tích tại cộng đồng đã được bạn bè quốc tế đánh giá cao. 5 xã, thị trấn của Việt Nam: Xuân Đỉnh (Hà Nội); Dạ Trạch, Đồng Tiến (Hưng Yên); Lộc Sơn và thị trấn Lăng Cô (Thừa Thiên- Huế) đã được công nhận là thành viên của mạng lưới cộng đồng an toàn quốc tế.
Ban Tổ chức đã triển lãm thành tựu và kinh nghiệm về hoạt động phòng, chống tai nạn thương tích, gồm 167 sản phẩm trưng bày theo 4 chủ đề: Truyền thông phòng chống tai nạn thương tích; Nghiên cứu và giám sát tai nạn thương tích; Sơ cứu tai nạn thương tích; Can thiệp và xây dựng cộng đồng. Đây cũng là dịp các địa phương, các tổ chức quốc tế quan tâm trao đổi, tìm hiểu nhằm triển khai thực hiện có hiệu quả hơn nữa công tác phòng, chống tai nạn thương tích tại các địa phương./.
TTXVN