Chầu chực vì mũ bảo hiểm
8h sáng, đoạn phố Ngọc Khánh (Hà Nội) tắc nghẽn bởi hàng chục người xếp hàng dưới lòng đường chờ mua mũ bảo hiểm của đại lý Protec. Chỉ sau 30 phút mở cửa, hàng hết veo, nhiều người chầu chực từ sớm đành ra về tay không.
> Công an Hà Nội không đội mũ bảo hiểm sẽ bị kỷ luật/ Bát nháo thị trường mũ bảo hiểm
Theo chỉ thị của Thành ủy Hà Nội, từ 15/9, công chức nhà nước đi xe máy phải đội mũ bảo hiểm trên các tuyển phố. Thị trường mũ càng trở nên nóng bỏng trước “giờ G”.
Mua mũ có thương hiệu phải... xếp hàng
Mặc cho điều hòa tại đại lý của hãng Protec chạy hết công suất, chị Nguyễn Thúy Hạnh (Công ty Phát triển Công nghệ Y học) cũng phải vã mồ hôi mới mua được mũ. “Nhà tôi ở gần đây, tôi cũng đã cẩn thận gọi điện đến đặt hàng trước nhưng cũng phải xếp hàng lần thứ hai mới có mũ”, chị cho biết.
Anh Nguyễn Bá Tuấn (Bộ Tư lệnh lăng) vừa loay hoay thử mũ vừa cho biết, đây là lần thứ tư anh đến xếp hàng. Lần này, rút kinh nghiệm, anh đến sớm nên còn hàng nhưng chen mãi vẫn chưa được... trả tiền.
Cạnh đó, chị Hà Trang, nhân viên văn phòng một tờ báo chấp nhận lần thứ ba ra về “tay trắng”. “Mình được giao nhiệm vụ mua cho cả cơ quan, nhưng ra đây 3 lần đều thất bại. Đặt hàng thì họ bảo phải một tháng rưỡi nữa mới có, trong khi hết tuần này là cơ quan đã thực hiện đội mũ bảo hiểm rồi”, Trang tặc lưỡi.
Bên bàn thu ngân, chị Thu, một chủ cửa hàng bán lẻ ở đường Cầu Giấy bức xúc: “Tôi đặt 100 chiếc từ cách đây một tháng. Đến đây đã 3 lần mà chưa lấy được mũ. Đại lý cứ “nhỏ giọt” thế này chúng tôi lấy đâu ra hàng để bán cho khách?”
 |
Chen chúc mua mũ tại đại lý Protec. Ảnh: Nguyễn Hưng |
Anh Lê Văn Bình, nhân viên bán hàng tại đại lý Protec cho biết, chỉ đáp ứng được khoảng 50% nhu cầu khách hàng. Hiện tại, đại lý ưu tiên cho những đơn hàng lớn từ 200 chiếc trở lên và đặt cách đây một tháng rưỡi đến hai tháng.
Trong khi đó, theo đại diện hãng Amoro Việt Nam, công ty đã nâng công suất của dây chuyền sản xuất lên tới 250%. Mỗi ngày Amoro có thể tung ra thị trường thêm 5.000 mũ. Song, ông Nguyễn Minh Tuấn, Trưởng phòng Bán hàng và tiếp thị của Amoro, cũng thừa nhận với đơn đặt hàng trên 100 chiếc, phải mất 5 ngày công ty mới đáp ứng được.
Mũ bảo hiểm có thương hiệu “khan hiếm” đã tác động không nhỏ đến giá cả của mặt hàng này. Trước đây, với 80.000 -100.000 đồng khách hàng đã có khá nhiều lựa chọn với mũ chính hãng thì nay, với số tiền đó, họ chỉ có thể mua được... mũ nhái. Giá thấp nhất của một chiếc mũ Protec tại đại lý chính hãng là 155.000 đồng, còn của Amoro khoảng 100.000 đồng.
Tại một cửa hàng trên đường Nguyễn Văn Cừ, sau một hồi tính toán, chị Nguyễn Thu Lương đã quyết định mua 3 chiếc có nhãn Amoro, mỗi chiếc 65.000 đồng. “Biết là mũ nhái nhưng tôi vẫn lấy. Tôi không có tới 400.000 để mua 3 cái mũ cho cả nhà”, chị tần ngần.
'Cháy hàng' mũ trẻ em
Theo anh Nguyễn Bá Tuấn, nếu như mua mũ cho người lớn khó một thì mua mũ cho trẻ em khó gấp nhiều lần. “Con trai tôi mới 9 tuổi, đầu nó khá nhỏ mà các cỡ mũ thì lại ít”, anh giải thích.
Vừa định trả lại chiếc mũ cho cửa hàng, một khách hàng khác đã ngỏ ý nhờ anh Tuấn nhường lại. “May quá, chiếc mũ này vừa khít con ạ”, ướm chiếc mũ lên đầu cô con gái, khách hàng này mừng ra mặt, mặc dù giá chiếc mũ không hề rẻ hơn giá loại dành cho người lớn.
 |
Đắn đo chọn mũ cho con. Ảnh: Nguyễn Hưng |
Theo nhân viên hãng Protec, các hãng mũ trước đây hầu hết chỉ sản xuất loại dành cho người lớn. Nay do nhu cầu tăng đột biến họ mới đầu tư cho mũ trẻ em nhưng vẫn chưa đáp ứng nổi.
Không chỉ ở đại lý chính hãng "cháy" hàng, các cửa hàng bán lẻ trên khắp địa bàn Hà Nội cũng khan hiếm mặt hàng mũ trẻ em. Tại phố Huế, Nguyễn Văn Cừ, Bà Triệu, Cầu Giấy... nhiều chủ cửa hàng lắc đầu khi được hỏi mũ trẻ em. Những cửa hàng có mũ vì thế tha hồ "hét giá".
Vừa cầm chiếc mũ trẻ em nhãn LuckyStar không tem, chủ một cửa hàng trên phố Cầu Giấy đã "ra giá" ngay với khách: "190.000 đồng, không mặc cả". Khi được hỏi sao lại đắt hơn mũ người lớn cùng loại, bà chủ cho biết: "Nhà máy ít sản xuất mặt hàng này, hàng hiếm, khó lấy nên đương nhiên phải đắt hơn".
Bà chủ hàng vào nhà lấy thêm mấy chiếc mũ nữa ra, cái rẻ nhất cũng lên tới 140.000 đồng. Tất cả đều không có tem kiểm định. Có cái thực chất chỉ là... mũ xe đạp.
Theo ông Nguyễn Mạnh Ẩm, Giám đốc Trung tâm Kỹ thuật I, Tổng cục Tiêu chuẩn đo lường chất lượng, người đội mũ bảo hiểm nên chọn loại mũ có kích cỡ (đường kính mũ) và trọng lượng phù hợp để đảm bảo sự thoải mái lúc tham gia giao thông. Tuy nhiên, các loại mũ lưu hành trên thị trường chưa đáp ứng đầy đủ các tiêu chí này.
“Các loại mũ hiện chưa lấp đầy các “size” (kích cỡ) theo qui chuẩn dành cho các lứa tuổi, nên người mua khó chọn chiếc mũ vừa vặn. Việc lựa chọn một chiếc mũ dành cho trẻ em càng trở nên khó khăn”, ông Ẩm nói.
(theo vnexpress.net)