Thứ tư, ngày 22/01/2025

Học sinh điều khiển xe máy, mô tô sẽ bị xử lý nghiêm

Thứ năm, 26/07/2007 00:00 GMT+7

 

Trước tình trạng tai nạn giao thông gia tăng, Chính phủ đã ban hành Nghị Quyết 32 với những quy định mới nhằm kiềm chế tai nạn và ùn tắc giao thông. Theo đó, các đối tượng là học sinh chưa đủ tuổi đi xe gắn máy, không có giấy phép lái xe sẽ bị xử lý nghiêm từ 1.9.2007.

 

Chúng tôi có cuộc trao đổi với ông Đào Vịnh Thắng – Phó Trưởng Phòng Cảnh sát giao thông – Công an TP. Hà Nội để biết lực lượng chức năng đang triển khai thực hiện vấn đề này như thế nào.

 

Xin ông cho biết số liệu cụ thể các vụ tai nạn giao thông do những học sinh chưa đủ tuổi đi xe gắn máy, không có giấy phép lái xe nhưng vẫn tham gia giao thông bằng xe gắn máy gây ra trong hai năm trở lại đây?

 

Theo thống kê của Phòng CSGT Hà Nội, từ 1.1.2006 đến 20.7.2007, đã có 116 vụ tai nạn giao thông do đối tượng là học sinh (lứa tuổi dưới 18) điều khiển xe gắn máy, mô tô gây ra với trò là người gây tai nạn hoặc người có liên quan, trong đó có 56 vụ tai nạn nghiêm trọng. Lực lượng cảnh sát giao thông trên địa bàn toàn thành phố đã xử phạt cảnh cáo, nhắc nhở đối với 213.422 trường hợp vi phạm, phạt tiền 288 trường hợp.

 

Vì sao lực lượng chức năng "nói mãi, xử lý mãi" mà tình trạng học sinh tham gia giao thông bằng xe gắn máy vẫn tăng?

 

Thực tế trong các đợt kiểm tra, xử lý hành chính các trường hợp sai phạm, có khoảng 20% là học sinh phổ thông. Đây chủ yếu là thành phần tụ tập lạng lách, đánh võng, phóng nhanh gây kinh hoàng trên đường phố.

 

Tuyên truyền giáo dục, xử lý vi phạm như vậy nhưng số lượng học sinh tham gia giao thông bằng xe gắn máy chưa có chiều hướng giảm. Nguyên nhân trước hết là do tâm lý lứa tuổi thích "thể hiện, chơi trội" với bạn bè và sự nuông chiều con của không ít gia đình. Thấy con viện lý do này khác là đồng ý giao xe cho đi liền mà không nghĩ đến hậu quả.

 

Phải chăng mức xử phạt hiện còn quá nhẹ, chưa tương xứng hoặc có những trường hợp "tế nhị" mà khi xử lý cũng phải "cân nhắc"?

 

Từ trước đến nay, lực lượng cảnh sát giao thông luôn xử lý nghiêm mọi trường hợp vi phạm, không có chuyện những trường hợp "tế nhị" cần phải "cân nhắc". Chúng tôi kiên quyết làm nghiêm, triệt để.

 

Còn về mức xử phạt, theo Điều 28 Nghị định quy định về xử lý vi phạm hành chính trong lĩnh vực giao thông đường bộ, phạt cảnh cáo người từ đủ 14 tuổi đến dưới 16 tuổi điều khiển xe mô tô, xe gắn máy, xe máy điện và các loại xe tương tự mô tô hoặc điều khiển xe ô tô, máy kéo và các loại xe tương tự ô tô; Phạt cảnh cáo hoặc phạt tiền từ 20.000 đồng đến 50.000 đồng đối với người từ đủ 16 tuổi đến dưới 18 tuổi điều khiển xe mô tô có dung tích xi lanh từ 50 cm3 trở lên.

 

Nhiều cơ quan chức năng đặt ra vấn đề về tính khả thi và hiệu quả thực tế trong việc thực hiện quy định này. Đối với một số trường hợp có hành vi vi phạm như đua xe gắn máy, gây rối trật tự công cộng ... việc áp dụng chế tài xử phạt này vẫn còn nhẹ, thiếu tính răn đe, nhiều trường hợp tái phạm, tạo nên tâm lý coi thường pháp luật. Nhưng cũng có nhiều ý kiến cho rằng đối với các em, cần nêu cao tính giáo dục, đồng thời, xác định trách nhiệm của cha mẹ, người giám hộ để xử lý lỗi của họ trong việc quản lý, giáo dục các em.

 

Phòng Cảnh sát giao thông – CATP. HN sẽ phối hợp như thế nào với Ban Giám hiệu các trường trong việc phòng chống học sinh đi xe gắn máy đến trường?

 

Lực lượng công an địa phương được huy động để xử lý nghiêm các điểm trông giữ xe cho học sinh vì đây được xem là hành vi dung túng cho các em vi phạm. Riêng các đơn vị thuộc phòng cảnh sát giao thông sẽ phải thống kê danh sách người vi phạm theo từng tuần để thông báo về nơi cư trú, trường học của người vi phạm để phối hợp xử lý, giáo dục. Đề nghị Bộ Giáo dục & Đào tạo có quy định trách nhiệm với các trường, nếu có học sinh vi phạm thì trường đó phải chịu trách nhiệm trước Bộ.

 

Lực lượng cảnh sát giao thông sẽ triển khai các biện pháp cụ thể như thế nào trong đợt cao điểm này?

 

Theo quy định mới, trường hợp học sinh chưa đủ tuổi đi xe gắn máy, không có giấy phép lái xe vẫn tham gia giao thông bằng xe gắn máy, mô tô sẽ bị tạm giữ phương tiện đến 90 ngày. Chúng tôi sẽ tăng cường lực lượng kiểm tra, kiểm soát tại các chốt đèn đỏ, những địa điểm gần kề các trường học để phòng chống tình trạng học sinh đi xe máy đến trường.



Đồng thời, chúng tôi cũng sẽ có kế hoạch cụ thể triển khai các biện pháp xử lý nghiêm những trường hợp điều khiển xe vượt quá số người quy định, không đủ tuổi, không có giấy phép lái xe, vượt đèn đỏ, vi phạm vạch sơn...       


( theo  Dân Trí)


Tìm theo ngày :

Đánh giá

(Di chuột vào ngôi sao để chọn điểm)