ND – Phát biểu ý kiến chỉ đạo Hội nghị sơ kết công tác bảo đảm trật tự an toàn giao thông, ngày 22-7 tại Hà Nội, Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng xác định: Hệ thống chính trị, nhất là cấp ủy Đảng và chính quyền các cấp cần xác định rõ, bảo đảm trật tự an toàn giao thông là nhiệm vụ chính trị trọng tâm thường xuyên, bởi vì mọi nỗ lực của chúng ta đều nhằm mục tiêu chăm lo cho con người.
Ngày 22-7 tại Hà Nội, Chính phủ đã tổ chức Hội nghị sơ kết công tác bảo đảm trật tự an toàn giao thông (ATGT) sáu tháng đầu năm và triển khai thực hiện Nghị quyết 32/CP về một số giải pháp cấp bách nhằm kiềm chế tai nạn giao thông (TNGT) và ùn tắc giao thông. Thủ tướng Chính phủ Nguyễn Tấn Dũng dự và phát biểu ý kiến; Phó Thủ tướng Thường trực Chính phủ Nguyễn Sinh Hùng chủ trì Hội nghị.
Thành phần tham dự gồm lãnh đạo các bộ, ngành, đoàn thể thành viên của Ủy ban ATGT quốc gia; Chủ tịch UBND, giám đốc các sở giao thông vận tải hoặc công chính, sở công an tỉnh và thành phố…
Báo cáo của Ủy ban ATGT quốc gia đánh giá: Sáu tháng đầu năm nay TNGT đường bộ, đường sắt, đường thủy, hàng hải đều tăng so với cùng kỳ năm ngoái. Trên phạm vi cả nước, đã xảy ra 7.669 vụ TNGT, làm chết 6.910 người, bị thương 5.919 người; so với cùng kỳ tăng 1,1% số vụ, tăng 7,2% người chết, tăng 0,6% người bị thương. Riêng TNGT đường bộ, theo cách tính tương đối (tỷ lệ số vụ, số người chết và bị thương trên 10.000 phương tiện) thì có giảm.
Nhìn chung, TNGT và ùn tắc giao thông đều đang ở mức cao và diễn biến phức tạp. Báo cáo đã nêu những mặt được và chưa được trong chỉ đạo điều hành, thực hiện các mặt công tác bảo đảm trật tự ATGT và đề ra mục tiêu, giải pháp hạn chế TNGT sáu tháng cuối năm. Trong đó, chủ yếu là tập trung vào nhiệm vụ triển khai thực hiện kiên quyết và hiệu quả Nghị quyết 32 của Chính phủ.
Phát biểu ý kiến chỉ đạo Hội nghị, Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng đã xác định: Quyết tâm của hệ thống chính trị là nhân tố quyết định nhất để thực hiện mục tiêu kiềm chế TNGT. Quyết tâm đó đã biến thành hành động kiềm chế được TNGT trong ba năm (2003-2005) thực hiện Chỉ thị 22 của Ban Bí thư và Nghị quyết 13 của Chính phủ. Ngay trong sáu tháng đầu năm 2007, vẫn có 25 tỉnh và thành phố giảm được số người chết vì TNGT. Hệ thống pháp luật trong lĩnh vực này vẫn cần tiếp tục hoàn thiện nhưng không phải là yếu tố cản trở thực hiện kiềm chế TNGT. Hệ thống chính trị, nhất là cấp ủy Đảng và chính quyền các cấp cần xác định rõ, bảo đảm trật tự ATGT là nhiệm vụ chính trị trọng tâm thường xuyên, bởi vì mọi nỗ lực của chúng ta đều nhằm mục tiêu chăm lo cho con người.
Gợi ý về tổ chức thực hiện hiệu quả Nghị quyết 32, Thủ tướng hết sức quan tâm công tác tuyên truyền giáo dục: Nhận thức là một quá trình nhưng không thể thụ động, cấp ủy đảng, chính quyền, nhất là các đoàn thể quần chúng và các cơ quan thông tin đại chúng vào cuộc thật sự góp phần nâng cao nhận thức và ý thức của mọi người.
Đồng thời, đòi hỏi công chức, viên chức, chiến sĩ lực lượng vũ trang gương mẫu chấp hành Luật Giao thông. Đặc biệt coi trọng giáo dục và tạo chuyển biến trong hành động đối với 22 triệu học sinh, sinh viên, phát huy tác dụng trước mắt và lâu dài. Tuyên truyền gắn liền với áp dụng chế tài thưởng phạt. Cưỡng chế cũng là giáo dục, mang tính chất nhân đạo và văn hóa. Ngăn chặn hành vi không có giấy phép lái xe, say rượu bia vẫn điều khiển phương tiện và đi mô-tô không đội mũ bảo hiểm, nhằm bảo vệ tính mạng cho bản thân người tham gia giao thông và an toàn cho cộng đồng.
Về quy định đội mũ bảo hiểm, nếu ai còn băn khoăn, nên ghé thăm khoa chấn thương của Bệnh viện Chợ Rẫy hoặc Việt-Đức để nhận thức rõ hơn… Tất cả mọi nỗ lực phải nhằm tạo được sự nhất trí cao, bắt tay vào hành động, thực hiện liên tục, tạo chuyển biến tích cực về trật tự ATGT ngay trong những tháng còn lại của năm nay…
Nhiều đại biểu tham dự Hội nghị đã phát biểu ý kiến phân tích nguyên nhân gia tăng tai nạn và ùn tắc giao thông, góp ý về thực hiện các nhóm giải pháp đẩy mạnh giáo dục và tuyên truyền pháp luật, kiên quyết cưỡng chế thi hành pháp luật và nâng cao năng lực cho lực lượng cảnh sát và thanh tra giao thông vận tải, cải thiện kết cấu hạ tầng, tăng cường quản lý phương tiện, nâng cao chất lượng đào tạo và quản lý người điều khiển phương tiện, giảm thiểu thiệt hại do TNGT, kiện toàn Ủy ban ATGT quốc gia và tăng hiệu lực quản lý nhà nước trong lĩnh vực này.
Kết luận Hội nghị, Phó Thủ tướng Thường trực Chính phủ Nguyễn Sinh Hùng đã nhấn mạnh trách nhiệm quản lý nhà nước trong công tác bảo đảm trật tự ATGT: Đối với các bộ, ngành trung ương có liên quan, cùng với việc hoàn thành tốt chức năng của mình, cần phối hợp rà soát ngay và bổ sung kịp thời các văn bản pháp luật, ban hành các quy định và giải quyết khẩn trương một số vướng mắc.
Đối với các địa phương, quyết tâm chính trị phải được thể hiện trong chương trình hành động thực hiện Nghị quyết 32, huy động sức mạnh tổng hợp, đề cao trách nhiệm của chủ tịch UBND các cấp, phát huy vai trò chủ lực của ngành công an và giao thông vận tải.
Tất cả phải nhằm hướng tới mục tiêu: Nội dung tuyên truyền, giáo dục phải đến với từng người dân, từng lái xe, từng học sinh. Ngăn chặn ngay một số hiểm họa TNGT như không để người không đủ điều kiện và tiêu chuẩn điều khiển phương tiện; không cho lưu hành phương tiện không bảo đảm an toàn kỹ thuật; xử lý dứt điểm đường ngang trái phép và “điểm đen” TNGT, công trình lấn chiếm hành lang an toàn giao thông; tuyên truyền ráo riết để cuối năm thực hiện quy định ngồi lên mô-tô là đội mũ bảo hiểm… Thực hiện Nghị quyết 32, “cao điểm” không phải vài tuần, vài tháng mà phải liên tục và đồng bộ, khen thưởng và kỷ luật kịp thời…