Thứ tư, ngày 22/01/2025

Nhân sự kiện “Bộ GTVT phát động phong trào cán bộ công nhân, viên chức trong ngành đội mũ bảo hiểm khi đi mô tô, xe máy trên mọi tuyến đường”.

Thứ hai, 18/06/2007 00:00 GMT+7
    Vào cuối những năm 90 của thế kỷ trước khi vào TP Hồ Chí Minh công tác tôi rất ngỡ ngàng vì ra đường thấy người nào cũng đeo khẩu trang khi đi xe mô tô. Sau khi tìm hiểu tôi biết vì thành phố bị ô nhiễm vì khói bụi nhiều quá nên mọi người đã tìm cách tự bảo vệ mình khỏi vấn nạn ô nhiễm nhằm tránh cho mình khỏi phải “chết dần” vì hít khói bụi...

                Vào cuối những năm 90 của thế kỷ trước khi vào TP Hồ Chí Minh công tác tôi rất ngỡ ngàng vì ra đường thấy người nào cũng đeo khẩu trang khi đi xe mô tô. Sau khi tìm hiểu tôi biết vì thành phố bị ô nhiễm vì khói bụi nhiều quá nên mọi người đã tìm cách tự bảo vệ mình khỏi vấn nạn ô nhiễm nhằm tránh cho mình khỏi phải “chết dần” vì hít khói bụi. Thế rồi sáng kiến của người tham gia giao thông của TP Hồ Chí Minh được cả nước học tập, áp dụng. Đến nay thì không chỉ ở những thành phố lớn mà ở nông thôn mỗi khi đi xe máy mọi người đều đeo khẩu trang bảo vệ mình. Điều đặc biệt là thói quen này chẳng có cấp chính quyền nào bắt buộc cả mà mọi người vẫn tự giác tự bảo vệ mình, đây là một dấu hỏi lớn cho chúng ta. Trở chủ đề đội mũ bảo hiểm khi đi xe máy. Ngay từ năm 2001 chúng ta đã có chủ trương này, có rất nhiều cuộc vận động, chế tài, chính sách khuyến khích được đưa ra nhưng xem ra con đường đến đích để mọi người tự giác đội mũ bảo hiểm khi đi xe máy như tự giác mang khẩu trang khi đi xe máy còn lắm cam go. Chúng ta hãy thử cùng nhau tìm nguyên nhân cho hiện tượng này.

                Về việc đeo khẩu trang, theo tôi biết, do hiểu được sự nguy hiểm của việc tích lũy bụi trong cơ thể sẽ dẫn đến bệnh về đường hô hấp và nếu không đeo khẩu trang thì sau khi đi xe máy về ai cũng nhận ra khi rửa mặt thì hai lỗ mũi đặc bụi. Chính cái sự nhận thấy hàng ngày này mà người tham gia giao thông đã tự giác đeo khẩu trang vì sợ cái “chết dần”.

                Còn việc đội mũ bảo hiểm thì bảo vệ cho chúng ta tránh cái chết tức thì và tránh thương tật cả đời tại sao mọi người lại không mặn mà. Phải chăng, vì tai nạn giao thông không đến với mọi người như khói bụi hàng ngày mà chúng ta còn chưa thấy được tác dụng vô giá của chiếc mũ bảo hiểm khi tai nạn giao thông đến với mình. Chiếc mũ bảo hiểm của chúng ta cũng như đội quân cứu hỏa không phải lúc nào cháy nhà mới thành lập, mà thành lập đội quân cứu hỏa để ít xảy ra cháy nhà hơn hoặc nếu có xảy ra thì thiệt hại cũng ít hơn.

                Từ những phân tích trên tôi đề nghị các ngành Tư pháp, GTVT cần tổ chức tuyên truyền giáo dục ý thức chấp pháp luật của công dân cũng như phân tích “điều hơn, lẽ thiệt” cho người tham gia giao thông hiểu được tác dụng của mũ bảo hiểm, sao cho hiệu quả phải như : khi truyền hình phát tin “Mắc bệnh lạ khi ăn vải thiều” thì ngay ngày hôm sau vải thiều bán không ai mua; khi nghe tin bánh phở có phoóc môn thì ngày mai cả nước dùng mỳ VIFON cho bữa sáng; Khi công bố nước tương đen có chứa chất gây ung thư (3MCPD) thì các bà nội trợ đồng loạt tẩy chay xì dầu. Phải chăng chúng ta chưa tìm ra phương pháp hu hiệu cho sự nghiệp tuyên truyền tác dụng của mũ bảo hiểm.

                Về phía người tham gia giao thông cần phải cân nhắc chấp nhận sự bất tiện một chút để bảo toàn mạng sống, như người ta thường nói về an toàn giao thông là “đến đích chậm 1 phút, hay cả đời không bao giờ đến!”. Việc đội mũ bảo hiểm tuy kém thoải mái một chút nhưng đổi lại có khi được cả mạng sống nếu xảy ra tai nạn giao thông. Cũng như chúng ta phải chấp nhận bớt đẹp đi một chút khi đeo khẩu trang chống bụi, hay như chấp nhận không ăn món phở sáng khoái khẩu vì sợ bánh phở có phoóc môn; chấp nhận chấm ngồng cải với nước mắm chứ không phải với trứng dầm xì dầu vì trong xì dầu có chất 3MCPD v.v…

                Tôi tin rằng một sáng đẹp trời tất cả người điều khiển mô tô, xe máy trên toàn lãnh thổ Việt Nam đều đội mũ bảo hiểm mà không cần bất cứ một văn bản nào. Đó là ngày hạnh phúc nhất của chúng ta. Đến ngày ngày đó thì giặc tai nạn giao thông không dẹp cũng phải tan.

 TS. Đặng Công Chiẽn

 

Tìm theo ngày :

Đánh giá

(Di chuột vào ngôi sao để chọn điểm)