Thứ hai, ngày 27/01/2025

Mong Chính phủ coi TNGT như quốc nạn

Chủ nhật, 24/12/2006 00:00 GMT+7
Tôi từng có những đồng nghiệp bị tai nạn giao thông, do bị xe máy phóng nhanh vượt ẩu, đâm mất mạng khi đi tập thể dục buổi chiều. Thật đau lòng, vừa mới gặp anh, chị ấy, mà nay đã phải nói lời chia buồn cùng gia quyến.

Tôi từng có những đồng nghiệp bị tai nạn giao thông, do bị xe máy phóng nhanh vượt ẩu, đâm mất mạng khi đi tập thể dục buổi chiều. Thật đau lòng, vừa mới gặp anh, chị ấy, mà nay đã phải nói lời chia buồn cùng gia quyến.

Việc xử phạt người vi phạm Luật Giao thông chưa nghiêm là một trong những lý do khiến TNGT ngày càng gia tăng Ảnh: Phạm Yên

Chẳng có lời nói nào mô tả được hết cảm giác đau buồn đó. Vậy mà nay đọc báo thấy trung bình một ngày ở Việt Nam có đến 34 người thiệt mạng vì tai nạn giao thông, chưa kể hàng chục người bị thương tật vĩnh viễn… Đây là điều thật kinh khủng.

Tôi nghĩ đã đến lúc Chính phủ nên coi tai nạn giao thông như là quốc nạn, để từ đó có những quyết sách làm thay đổi tình hình.

Phải có chế tài phạt thật nặng những người vi phạm giao thông, đề ra chương trình giáo dục người dân khi tham gia giao thông, phải có các biện pháp ngắn hạn và dài hạn về xây dựng cơ sở hạ tầng để giúp cho giao thông thuận tiện.

Linh Cẩm (TP Hồ Chí Minh)

Hãi hùng khi qua đường ở Hà Nội

Tôi đã lớn tuổi, không dám đi xe máy mà chuyển sang đi xe buýt. Nhưng thật kinh hãi khi qua đường, ngay ở những nơi có đèn đỏ, đèn xanh.

Mặc dù thấy rõ đèn xanh cho phép người đi bộ qua đường nhưng khi đang qua đường vẫn thót tim vì xe máy cứ ào qua mặc dù phía của họ đèn đỏ đã bật rồi.

Xin mời các anh cảnh sát giao thông chịu khó đứng quan sát một lúc ở nút giao thông trước cửa Đại học Khoa học Tự nhiên và Đại học Khoa học Xã hội & Nhân văn (đường Nguyễn Trãi). Ở đây có đủ đèn tín hiệu cho đi và cho dừng, cho rẽ. Thế nhưng các “hung thần” xe máy vẫn cứ thường xuyên ào ào vượt đèn đỏ mà chẳng ai can thiệp.

Hàng ngày tôi đến dạy ở trường vẫn hãi hùng khi qua đường và chỉ ước mong có được một cảnh sát giao thông đứng đây đôi lần xem sao.

GS Tống Duy Thanh (ĐHQG Hà Nội)

Học và cấp bằng xe máy: Quá dễ dãi và không thực tế

Tôi đã đi nhiều nước trên thế giới nhưng không thấy ở đâu xe máy nhiều và đi ẩu khủng khiếp như Hà Nội, TPHCM và các thành phố lớn khác. Nguyên nhân chủ yếu là do người điều khiển xe máy không tuân thủ luật lệ giao thông.

Điều này chắc ai cũng biết, nhưng nguyên do tại sao thì ít ai nêu tận gốc. Đó là việc học và cấp bằng xe máy quá dễ dãi và không thực tế. Để có giấy phép lái xe máy chỉ cần hai buổi: Một buổi học luật, một buổi thi thực hành, thế là được cấp bằng.

Buổi học luật cũng qua loa, đại khái thì làm sao mà người ta nhớ được luật và biển báo. Buổi thi thực hành thì kiểm tra chỉ là đi theo hình số 8. Chắc là để kiểm tra khả năng lạng lách mà thôi.

Việc kiểm tra và cấp giấy phép lái xe rất chiếu lệ, bởi hình như các sở giao thông công chính chỉ để thu tiền. Còn người học, thì biết chắc chắn mình nộp tiền là có bằng.

Theo tôi, khi kiểm tra cấp giấy phép lái xe phải kiểm tra vấn đáp về Luật Giao thông của các thí sinh và kiểm tra thực hành luật khi tham gia giao thông. Nếu còn tình trạng như trên thì tai nạn giao thông chẳng bao giờ giảm.  

 Trần Anh Tuấn

(Trích đăng từ báo Tiền Phong Online)

Tìm theo ngày :

Đánh giá

(Di chuột vào ngôi sao để chọn điểm)